(Xây dựng) – Ngày 27/6, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2020 – Hợp tác, đầu tư và phát triển”, đây là Hội nghị có quy mô lớn nhất trong các Hội nghị xúc tiến đầu tư từ trước đến nay. 42 dự án nhà ở đô thị chiếm tỷ lệ lớn được Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 5 dự án lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội. |
Tại Hội nghị, thành phố Hà Nội trao chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, tổng số vốn 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD) với số vốn tăng thêm 270.458 tỷ đồng. Tổng số dự án, vốn tăng tương ứng gấp 5 lần và 11 lần do với Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016. Đáng chú ý nhất, tỷ lệ dự án nhà ở đô thị được cấp chủ trương đầu tư cao nhất trong các lĩnh vực chiếm 42 dự án.
Thành phố Hà Nội cùng các nhà đầu tư ký kết 38 Biên bản ghi nhớ tổng mức đầu tư dự kiến 28,6 tỷ USD, trong đó 26 đề xuất của doanh nghiệp trong nước (dự kiến 20,5 tỷ USD), 12 đề cuất của doanh nghiệp nước ngoài (dự kiến 8,32 tỷ USD)...
Công bố tại Hội nghị danh mục 282 dự án mời gọi đầu tư tổng số vốn dự kiến 483,1 nghìn tỷ đồng. Các nhà đầu tư có thể đăng ký triển khai các thủ tục, với đầu mối là Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội. Các dự án kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực như: Hạ tầng Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng đô thị thông minh, công viên, giáo dục, dạy nghề, bệnh viện, môi trường, xử lý rác thải, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, phát triển nhà ở, nông nghiệp, phát triển đô thị logistics, công viên phần mềm...
Hội nghị cũng thể hiện mạnh mẽ thông điệp kiên trì thực hiện chỉ đạo của Trung ương về thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế xã hội, khẳng định Hà Nội là điểm đến an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Phát biểu tại Hội nghị, Ngài đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, hiện Nhật Bản là quốc gia đầu tư lớn số 1 vào Hà Nội và sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư trong thời gian tới. Nhật Bản khuyến khích Hà Nội tận dụng cơ hội hiếm có sau Covid-19 và đón đầu hồi phục nền kinh tế nhanh, vững chắc. 440 nhân sự kinh doanh của Nhật Bản sẽ đến Vân Đồn, Quảng Ninh vào cuối tuần này cho thấy những hành động cần thiết gấp rút. Hà Nội cũng như Việt Nam cần huy động nguồn đầu tư công. Nhật Bản sẵn sàng cung cấp nguồn vốn ODA nhưng chúng tôi cũng yêu cầu các chính sách công bằng và minh bạch với dự án FDI phải được cải thiện trong thời gian tới.
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cũng cho rằng: Thay vì chào đón nhà đầu tư mới, Hà Nội cần quan tâm đến doanh nghiệp đang thực hiện dự án, doanh nghiệp trong nhà ngoài ngõ, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đang hiện hữu. Họ là đại sứ lan toả môi trường cảm hứng đầu tư tốt nhất vào Hà Nội. Chỉ số CPI Hà Nội tốt, chủ trương lãnh đạo tốt nhưng cấp dưới thi hành chưa đáp ứng được nhu cầu.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu quan điểm: Thủ đô Hà Nội có vị thế đặc biệt với đất nước. Với 229 dự án với các loại hình đầu tư khác nhau, tương đương 27 tỷ USD nếu rơi rớt còn 60% dự án thực hiện là Hà Nội đã rất thành công.
Sự đứt gãy của nền kinh tế toàn cầu, Tổ chức IMF đánh giá nền kinh tế thế giới âm, các nước có nền kinh tế mạnh ở ASEAN 2,3%, nhưng đánh giá Việt Nam sẽ tăng trưởng cao nhất khu vực.
Trạng thái bình thường mới, ý nghĩa của việc thực hiện mục tiêu “kép” rất quan trọng. Việt Nam 75 ngày không có ca nhiễm mới, không có người mắc, kiểm soát tốt tình hình, ca mắc mới từ nước ngoài về tiến hành cách ly luôn. Quý I, Việt Nam đạt 3,62% GDP dù các đối tác như Nhật Bản, Châu Âu, Trung Quốc, Bắc Á đều khó khăn. Việt Nam đã vượt qua khó khan, không dừng lại ở những con số như trên mà nhiệm vụ thu hút phát triển kinh doanh đầu tư đặt ra cấp bách. Hà Nội thực hiện tốt vấn đề an sinh xã hội, người nghèo, người thất nghiệp được quan tâm hỗ trợ kịp thời đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người dân không để ai bị bỏ lại phía sau.
Vùng Thủ đô có những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước, chính trị ổn định, môi trường an toàn, chính quyền năng động sáng tạo tiên phong dám nghĩ dám làm thể hiện qua thông điệp xúc tiến ấn tượng nhấn mạnh tinh thần hợp tác, đầu tư và phát triển.
Thủ tướng đánh giá, Hà Nội tích cực đối thoại, tháo gỡ, tạo điều kiện tháo gỡ cho mọi thành phần kinh tế phát triển, tôn vinh doanh nghiệp xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành thể hiện qua danh mục các dự án, các nhà đầu tư quốc tế có mặt ngày hôm nay.
Chính phủ đề nghị, Hà Nội cần cơ chế thể chế tốt, cơ chế đặc thù như Luật Thủ đô là hành lang pháp lý quan trọng. Chủ động tận dụng thời cơ, các hiệp định quốc tế mới ký kết. Tận dụng vị địa thế chính trị, liên kết đối tác với các địa phương, chia sẻ nguồn lực chứ không phải là cạnh tranh.
Cổ đông chiến lược là các doanh nghiệp tốt, người giàu, người giỏi đặc biệt giới khoa học công nghệ. Hội nghị là cơ hội Hà Nội tìm được cổ đông chiến lược. Nguồn lực tốt nhưng con người, nhân lực, trí tuệ - yếu tố nhân hoà còn quan trọng hơn cả nguồn lực cần tận dụng và tạo điều kiện trong ứng xử Hà Nội, tinh thần Hà Nội.
Kế hoạch năm 2020, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước và phấn đấu thành thành dự toán ngân sách năm 2020 ở mức 285 nghìn tỷ đồng. |
Ninh Nhi
Theo