(Xây dựng) - Trong báo cáo mới đây của Bộ Giao thông Vận tải, Việt Nam phấn đấu hoàn thành đầu tư toàn tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam trong năm 2035. Dự án này, không chỉ tạo cú hích phát triển kinh tế - xã hội mà còn mở ra cơ hội để tiếp nhận, chuyển giao, làm chủ công nghệ và phát triển công nghiệp đường sắt; tạo đột phá trong các ngành cơ khí, chế tạo, tự động hóa…
Ảnh minh hoạ. |
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy việc đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 33,5 tỷ USD. Tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường về xây dựng khoảng 75,6 tỷ USD; phương tiện, thiết bị khoảng 34,1 tỷ USD (đầu máy, toa xe khoảng 9,8 tỷ USD; hệ thống thông tin tín hiệu và thiết bị khác khoảng 24,3 tỷ USD) và hàng triệu việc làm.
“Ngoài việc nắm bắt, làm chủ toàn bộ công tác vận hành, bảo trì và từng bước sản xuất một số linh kiện, phụ tùng thay thế đối với đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, dự án đường sắt tốc độ cao sẽ là cơ hội không thể tốt hơn cho ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam có bước chuyển mình mạnh mẽ,” Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc về tình hình triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, ngày 25/9, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu lựa chọn kỹ lưỡng công nghệ, mô hình quản lý, vận hành tiến tới xây dựng ngành công nghiệp, dịch vụ đường sắt hoàn chỉnh và tự chủ.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, một số doanh nghiệp lớn xây dựng và triển khai lộ trình tiếp nhận, chuyển giao, làm chủ công nghệ và phát triển công nghiệp đường sắt từ sản xuất trang thiết bị, vận hành, quản trị; bảo đảm đồng bộ, thống nhất về công nghệ, quy chuẩn, tiêu chuẩn.
"Lấy phát triển đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, đường sắt Việt Nam nói chung tạo cú hích cho các ngành cơ khí, chế tạo, tự động hóa… và các ngành công nghiệp khác phục vụ quốc kế, dân sinh", Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Dự án triển khai sẽ tạo cơ hội và động lực để phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ. Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đánh giá, dự án đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam sẽ trở thành một trọng điểm trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông của quốc gia.
Với mục tiêu kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm, giảm thời gian di chuyển và tăng cường năng lực vận tải, dự án này không chỉ giúp hiện đại hóa hệ thống giao thông mà còn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp liên quan. Công nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp vật tư, thiết bị và công nghệ để hoàn thành dự án này. Trong đó, ngành công nghiệp xây dựng và chế tạo đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các loại vật liệu cần thiết cho việc xây dựng đường sắt, bao gồm bê tông, thép, các cấu kiện hạ tầng như cầu, cống, đường hầm.
Ngoài ra, ngành công nghiệp sản xuất thiết bị kỹ thuật cao như đầu máy, toa xe, hệ thống điện và tín hiệu cũng cần phát triển mạnh mẽ. Những thiết bị này không chỉ đòi hỏi công nghệ tiên tiến mà còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế.
Ngành công nghiệp sản xuất phần mềm và các giải pháp công nghệ sẽ có cơ hội phát triển khi tham gia cung cấp các giải pháp quản lý và vận hành thông minh, giúp tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu suất hoạt động của hệ thống đường sắt.
Cả nước hiện có 33 cơ sở, xí nghiệp sản xuất lắp ráp, bảo dưỡng sửa chữa đầu máy, toa xe. Các đoàn tàu đã lần lượt được khai thác vận hành dọc tuyến Bắc Nam. Các sản phẩm được các công nhân, kỹ sư đường sắt trong nước thi công, tỷ lệ nội địa hóa lên đến hơn 80%. Gần 10 năm qua, ngành đường sắt gần như đã không còn phải nhập khẩu toa xe và dần hình thành nên hệ sinh thái công nghiệp đường sắt.
Đối với đường sắt tốc độ cao, yêu cầu các thiết bị và công cụ đặc thù để thi công, lắp đặt và bảo trì. Điều này tạo điều kiện cho ngành cơ khí và chế tạo máy móc trong nước phát triển, khi các nhà thầu và doanh nghiệp phải sản xuất hoặc nhập khẩu các thiết bị phù hợp với yêu cầu kỹ thuật cao của dự án. Việc nội địa hóa các sản phẩm cơ khí cũng giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế và tạo việc làm cho người lao động.
Riêng đối với ngành thép, tại hội nghị của Chính phủ với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước diễn ra cuối tháng 9 vừa qua, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng mức đầu tư 70 tỷ USD, đánh giá đây sẽ là công trình hạ tầng chiến lược của quốc gia trong trung và dài hạn.
Ông Trần Đình Long cũng khẳng định, Tập đoàn Hòa Phát đủ năng lực để sản xuất thép cho đường ray tốc độ cao và sẵn sàng tham gia đấu thầu cung cấp thép cho dự án này. Ở góc độ doanh nghiệp, dự án có giá trị trên 70 tỷ USD, trong đó riêng phương tiện, thiết bị lên tới 34,1 tỷ USD sẽ là thị trường rất lớn và vô cùng hấp dẫn cho các doanh nghiệp có thế mạnh về sản xuất đầu máy, toa xe.
Đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nhận định, Việt Nam phải nghiên cứu dần, chuyển giao dần, tiếp quản dần công nghệ. Đồng thời, bản thân các doanh nghiệp cũng phải chủ động đề xuất những chính sách ưu đãi để hình thành và phát triển được một cơ khí công nghiệp, nền cơ khí công nghiệp của đường sắt.
Trong đề án đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, theo tính toán, riêng phương tiện, thiết bị của dự án đã lên tới 34,1 tỷ USD. Nếu được chuyển giao công nghệ, đây sẽ là thị trường rất lớn và hấp dẫn đối với các doanh nghiệp có thế mạnh về sản xuất đầu máy khi nhiều năm qua họ chưa có cơ hội để thể hiện mình. Và cũng là cơ hội để lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo, vốn được coi là xương sống của nền kinh tế.
Quỳnh Hoa
Theo