(Xây dựng) – Thảo luận tại Hội trường về dự án “1 Luật sửa 7 Luật”, các đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là việc làm cấp thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán, kế toán, kiểm toán độc lập, ngân sách Nhà nước, quản lý tài sản công, quản lý thuế và dự trữ quốc gia, qua đó tạo hành lang pháp lý đầy đủ, kịp thời, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: TTXVN) |
Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, sáng 7/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách Nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia. Thảo luận tại phiên họp, đa số các ý kiến bày tỏ quan điểm nhất trí về sự cần thiết sửa đổi dự án Luật để tháo gỡ các điểm nghẽn, những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực tài chính, ngân sách và trong việc thi hành pháp luật.
Cho ý kiến về việc sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước, đưa một số tồn tại, đại biểu Đinh Thị Phương Lan, Đoàn đoàn biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các Luật liên quan, sửa toàn diện Luật Ngân sách Nhà nước, nghiên cứu nội hàm để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương không mang tính dàn đều mà ưu tiên đặc biệt cho lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội, lĩnh vực kinh tế ngành trọng yếu của quốc gia, lĩnh vực kinh tế có thể khai thác hiệu quả nguồn lực cho ngân sách Nhà nước, phát huy tối đa nguồn lực của địa phương và khu vực ngoài nhà nước, đồng thời tạo điều kiện chủ động cho việc điều hành ngân sách của địa phương. Cùng với đó, cần tiếp tục nghiên cứu các nội dung về chuyển nguồn ngân sách, hệ thống các chính sách đặc thù đã ban hành liên quan đến lĩnh vực kinh tế, tài chính, đầu tư, các quy định về vay vốn nước ngoài, quỹ tài chính trong và ngoài ngân sách để làm cơ sở sửa đổi toàn diện luật, hoàn thiện các chính sách đặc thù.
Đối với việc sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán, đại biểu Nguyễn Hải Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, Luật Chứng khoán 2019 đã cơ bản đáp ứng được những yêu cầu đề ra của thị trường. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cần thiết phải sửa đổi các quy định của Luật, đặc biệt là trong nội dung về những hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Đồng thời, đại biểu nhất trí những quy định để hoàn chỉnh hơn việc quản lý trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Đại biểu cũng nhận định, việc đáp ứng các tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán là rất cần thiết. Thực chất chủ trương về nâng hạng thị trường chứng khoán được Nhà nước quan tâm và đã triển khai từ nhiều năm nay. Tuy nhiên với thực tế hiện nay thì cần chỉnh sửa một số quy định để có thể thực hiện được chủ trương này, nhất là trong bối cảnh đất nước đang cần huy động nhiều vốn cho những dự án quan trọng quốc gia sắp tới, cho chuyển đổi số và phát triển kinh tế xanh…
Góp ý về việc sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 18 của Luật Chứng khoán, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cho rằng, cần phải rà soát rất kỹ lưỡng, bởi việc kiểm toán xác định vốn điều lệ ban đầu là một nội dung rất quan trọng để xác định vốn điều lệ thực góp và tổng số vốn, tổng số cổ phần phát hành ra công chúng và số cổ phần này sẽ được lưu hành tiếp tục ở thị trường thứ cấp. Nếu vốn điều lệ không được xác định chính xác thì đó là sự đánh tráo đối với toàn bộ các nhà đầu tư ngay từ lần mua đầu đến những lần mua tiếp theo.
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật và trình Quốc hội để ban hành. Về Luật Ngân sách Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, Luật Ngân sách Nhà nước được sửa đổi, bổ sung để giải quyết những điểm nghẽn, những khó khăn, vướng mắc trong thời hạn ngắn, còn trong nhiệm kỳ tới sẽ sửa Luật Ngân sách Nhà nước theo hướng tăng cường phân cấp quản lý ngân sách để tăng tính chủ đạo của ngân sách Trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương…
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án Luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cấp thiết cần sửa đổi ngay trong lĩnh vực tài chính, ngân sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, ngân sách Nhà nước và các nguồn lực ngoài Nhà nước. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kế toán, kiểm toán độc lập, quản lý thuế, quản lý thị trường chứng khoán.
Chỉ còn hơn 1 năm để thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng, việc Chính phủ, Bộ Tài chính nỗ lực thực hiện dự án “1 Luật sửa 7 Luật” được kỳ vọng gỡ nhiều nút thắt, góp phần thay đổi những mục tiêu chiến lược trong phát triển kinh tế đất nước.
Kim Thoa
Theo