(Xây dựng) - Vừa qua, UBND tỉnh Đồng Tháp có văn bản gửi Bộ Xây dựng kiến nghị một số nội dung nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Công nhân đang thi công trên công trường một dự án tại Đồng Tháp (Ảnh minh họa: Tapchigiaothong.vn). |
Thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước nói chung, tỉnh Đồng Tháp nói riêng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt đồng đầu tư xây dựng bị ảnh hưởng lớn, làm chậm tiến độ dự án từ khâu chuẩn bị đầu tư đến thực hiện đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt là biến động giá vật liệu xây dựng, thiếu hụt nhân lực, không huy động được chuyên gia tư vấn, người quản lý của nhà thầu, chậm tiến độ cung cấp thiết bị, vật tư, vật liệu về công trường.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Phạm Thiện Nghĩa, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, UBND tỉnh có kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét trình Thủ tướng Chính phủ một số nội dung. Theo đó, Trung ương có chủ trương cho phép điều chỉnh giá vật liệu xây dựng đối với các Hợp đồng trọn gói, Hợp đồng theo đơn giá cố định bị ảnh hưởng bởi biến động bất thường của giá thép xây dựng và giá của một số vật liệu xây dựng chủ yếu khác trong thời gian qua; xem xét, đưa vào pháp luật quy định trường hợp biến động giá bất thường nằm ngoài tầm kiểm soát (làm cho giá hợp đồng tăng trên 10% bao gồm cả dự phòng) thì được xử lý như là trường hợp bất khả kháng.
Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng về kiến nghị này thì pháp luật hiện nay đối với hợp đồng xây dựng không có quy định điều chỉnh giá vật chủ yếu trong trường hợp có biến động bất thường do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Vì vậy, Bộ Xây dựng không có cơ sở để hướng dẫn điều chỉnh giá vật liệu do biến động bất thường như kiến nghị của UBND tỉnh Đồng Tháp. Đồng thời, về kiến nghị đưa vào quy định pháp luật trường hợp biến động giá làm tăng trên 10% giá hợp đồng được xem là bất khả kháng thì phải căn cứ đánh giá theo quy định tại khoản 1, Điều 156, Bộ luật Dân sự và khoản 2, Điều 51, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng đối với sự kiện bất khả kháng.
UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đề xuất cho phép hỗ trợ chi phí phát sinh do thực hiện kế hoạch đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 trên công trường xây dựng; giao Bộ Xây dựng xem xét, hướng dẫn bổ sung chi phí này vào khoản mục chi phí gián tiếp trong chi phí xây dựng để làm cơ sở thực hiện, đảm bảo tính thống nhất.
Theo Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), về nguyên tắc, đối với các khoản chi phí phải bổ sung do áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 (như chi phí xét nghiệm, chi phí khử khuẩn, khẩu trang, đi lại, ăn ở, trợ cấp trong thời gian giãn cách, cách ly, phong tỏa; chi phí tạm thời giải thể và huy động lại lực lượng lao động, máy móc thi công;...) theo yêu cầu của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, các bên xem xét bổ sung vào giá hợp đồng theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 143, Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và khoản 2, Điều 15, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, đảm bảo phù hợp với nội dung hợp đồng đã ký và quy định pháp luật.
Tỉnh Đồng Tháp trước đó cũng đề xuất việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp hoạt động xây dựng có thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điều 1, Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và giảm thuế giá trị gia tăng.
Chính sách hỗ trợ về thuế đã được Chính phủ triển khai bằng việc ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, nổi bật là giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% áp dụng từ ngày 01/2/2022 đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ, trong đó có lĩnh vực xây dựng.
Trong thời gian tới đây, Chính phủ tiếp tục triển khai những chính sách, giải pháp hỗ trợ khả thi, kịp thời, hiệu quả với lộ trình thích hợp để nâng cao năng lực phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Hà Khánh
Theo