(Xây dựng) - Loạt dự án “khủng” gồm: Trung tâm thương mại Hiệp Hòa (phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa); Khu đô thị du lịch Đại Phước River và Khu đô thị du lịch Phong Phú Riverside (xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch) của tỉnh Đồng Nai hiện đã có các nhà đầu tư đăng ký thực hiện.
Cù Lao Phố (phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa) - Nơi dự kiến triển khai dự án Trung tâm thương mại Hiệp Hòa. |
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, dự án Trung tâm thương mại tại phường Hiệp Hòa chỉ có duy nhất 1 doanh nghiệp đăng ký thực hiện dự án đó là Công ty Cổ phần Tập đoàn Việt Phát.
Lãnh đạo Sở này cho biết, sau khi hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư dự án Trung tâm thương mại tại phương Hiệp Hòa, hiện nhà đầu tư đang triển khai các thủ tục tiếp theo về đất đai, đầu tư và xây dựng. Cụ thể, nhà đầu tư cam kết chậm nhất vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/2024 sẽ triển khai dự án.
Dự án Trung tâm thương mại tại phường Hiệp Hòa có quy mô sử dụng đất gần 12ha, công suất thiết kế đón khoảng 10 triệu lượt khách/năm đến tham quan và mua sắm. Tổng mức đầu tư sơ bộ trên 6 nghìn tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng trên 2,2 nghìn tỷ đồng.
Trước đó tháng 8/2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nói trên theo hình thức lựa chọn nhà đầu tư. Tháng 9/2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã phát thông báo mời nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án này.
Về quy hoạch, dự án được chia làm 2 giai đoạn đầu tư, trong đó giai đoạn 1 sẽ hoàn thành các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng (quý IV/2024); đầu tư, xây dựng công trình từ quý I/2025 đến quý I/2027; hoàn thành công tác nghiệm thu, đưa dự án vào hoạt động, vận hành từ quý II/2027. Giai đoạn 2, hoàn tất các thủ tục đầu tư xây dựng hoàn thành trung tâm thương mại giai đoạn 2.
Bên cạnh dự án Trung tâm thương mại tại phường Hiệp Hòa, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai cũng cho biết, hiện 2 dự án gồm: Khu đô thị du lịch Đại Phước River và Khu đô thị du lịch Phong Phú Riverside hiện cũng đã có nhà đầu tư đăng ký thực hiện. Cụ thể, dự án Khu đô thị du lịch Đại Phước River có 1 nhà đầu tư đăng ký thực hiện là liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Hà Phú Riverland, Công ty Thương mại - đầu tư xây dựng Thành Lợi, Công ty Cổ phần HB Grand Land và Công ty Cổ phần Đầu tư G7 - Invest.
Dự án Khu đô thị Đại Phước (Phong Phú Riverside). |
Còn dự án Khu đô thị du lịch Phong Phú Riverside cũng là 1 liên danh đăng ký thực hiện dự án gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Phong Phú, Công ty Thương mại - đầu tư xây dựng Thành Lợi, Công ty Cổ phần HB Grand Land và Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh địa ốc An Phú.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai cho hay, hồ sơ của các liên danh đăng ký thực hiện 2 dự án nói trên đang được cơ quan chức năng đánh giá, thẩm định. Liên quan đến 2 dự án “khủng” này, tháng 1/2024, UBND tỉnh Đồng Nai đã có các quyết định phê duyệt yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư.
Theo đó, nhà đầu tư phải đáp ứng được các yêu cầu về năng lực tài chính cũng như kinh nghiệm thực hiện dự án tương đối cao và khắt khe. Đối với dự án Khu đô thị du lịch Đại Phước River (quy mô gần 50ha), tổng vốn đầu tư dự kiến trên 6,4 nghìn tỷ đồng. Về năng lực tài chính, vốn chủ sở hữu tối thiểu nhà đầu tư phải thu xếp là trên 962 tỷ đồng. Còn dự án Khu đô thị du lịch Phong Phú Riverside (quy mô hơn 75ha), tổng vốn đầu tư dự kiến gần 7,8 nghìn tỷ đồng. Về năng lực tài chính, vốn chủ sở hữu tối thiểu nhà đầu tư phải thu xếp là hơn 1,1 nghìn tỷ đồng.
Cả 2 dự án này đều có thời hạn hoạt động 50 năm theo quy định của Luật Đầu tư (kể từ ngày nhà đầu tư được cấp văn bản chấp thuận nhà đầu tư). Về tiến độ, các dự án có thời gian thực hiện 6 năm, kể từ khi nhà đầu tư được lựa chọn, công nhận và giao thực hiện dự án.
Phường Hiệp Hòa nằm ở cửa ngõ phía Đông thành phố Biên Hòa với nhiều lợi thế phát triển kinh tế, xã hội. |
Ngoài 3 dự án đã có nhà đầu tư đăng ký thực hiện, mới đây, dự án Khu đô thị Hiệp Hòa - được mệnh danh là “siêu dự án tỷ đô” tại thành phố Biên Hòa cũng đã được UBND tỉnh Đồng Nai quyết định phê duyệt yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư.
Theo đó, về năng lực tài chính, tỉnh Đồng Nai đưa ra yêu vầu về vốn chủ sở hữu tối thiểu nhà đầu tư phải có con số hơn 10,8 nghìn tỷ đồng và không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô diện tích đất trên 20ha.
Cụ thể, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định trên cơ sở các số liệu tài chính của nhà đầu tư trong báo cáo tài chính của nhà đầu tư năm 2022 đã được cơ quan kiểm toán độc lập kiểm toán và báo cáo tài chính giữa niên độ theo quy định của pháp luật đã được kiểm toán.
Nếu nhà đầu tư là liên danh thì vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư liên danh bằng tổng vốn chủ sở hữu của các thành viên liên danh. Bên cạnh đó, từng thành viên liên danh phải đáp ứng yêu cầu tương ứng với phần vốn chủ sở hữu theo thỏa thuận liên danh. Nhà đầu tư đứng đầu liên danh phải có tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu tối thiểu là 30%, từng thành viên liên danh có tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu tối thiểu 15%.
Trước đó, tháng 3/2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị Hiệp Hòa với tổng diện tích hơn 293ha, quy mô dân số dự kiến 31.600 người. Theo dự kiến, Khu đô thị Hiệp Hòa sẽ được triển khai trong thời gian 12 năm (giai đoạn 2023-2035) và được phân kỳ giai đoạn theo 5 dự án thành phần. Tổng vốn đầu tư dự án hơn 72 nghìn đồng (tương đương gần 3 tỷ USD), thời gian hoạt động là 50 năm.
Mục tiêu của dự án là hướng đến hình thành khu đô thị, khu phức hợp dịch vụ mới, khang trang, hiện đại, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Bên cạnh đó, là mục tiêu phát triển du lịch bền vững, kết hợp đa dạng hóa các loại hình nhà ở, kết hợp với trung tâm thương mại dịch vụ phục vụ du lịch, dịch vụ công cộng.
Về quy hoạch, Khu đô thị Hiệp Hòa dự kiến bố trí trên 84ha đất ở (chiếm gần 29% tổng diện tích dự án); đất cây xanh trên 110ha; đất hỗn hợp gần 35ha; đất công trình dịch vụ công cộng trên 14ha; đất giao thông 43ha và đất hạ tầng kỹ thuật 3,8ha.
Cuối năm 2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã đề nghị các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án Khu đô thị Hiệp Hòa.
Được biết, phường Hiệp Hòa, nơi triển khai thực hiện dự án có tổng diện tích gần 700ha. Đây là nơi giao thoa của nhiều tuyến giao thông trọng điểm, là cửa ngõ phía Đông thành phố Biên Hòa. Đây cũng là địa phương được bao bọc bởi sông Đồng Nai và sông Cái (một nhánh sông Đồng Nai) với nhiều lợi thế phát triển về kinh tế, giao thương.
Thìn Nguyễn
Theo