(Xây dựng) – Để có đủ nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối với Sân bay Long Thành, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị với cơ quan Trung ương: Cho phép tỉnh này giữ lại tiền đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất tái định cư, cho thuê đất thuộc Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Sân bay Long Thành.
Sơ đồ quy hoạch các tuyến giao thông kết nối Sân bay Long Thành. |
2 tuyến đường kết nối với tổng mức đầu tư hơn 12.300 tỷ đồng
Theo lý giải của UBND tỉnh Đồng Nai, Nghị quyết 53/2017 của Quốc hội khóa 14 quy định toàn bộ khoản thu từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất tái định cư, cho thuê đất thuộc dự án Sân bay Long Thành phải nộp về ngân sách Trung ương.
Ngoài ra, hiện nay mới có duy nhất 1 hướng tuyến kết nối vào sân bay từ đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây. Nếu sau năm 2025, dự án Sân bay Long Thành hoàn thành giai đoạn 1 đưa vào khai thác thì sẽ gây ùn tắc cục bộ vì không đa dạng hướng tuyến. Do đó, Đồng Nai đã quy hoạch nhiều tuyến đường kết nối vào sân bay ở các hướng để thuận lợi cho vận chuyển lưu thông đi miền Trung, Tây Nguyên và các khu vực khác. Để biến các quy hoạch giao thông này thành hiện thực thì đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn, bởi vậy Đồng Nai mong muốn được giữ lại toàn bộ tiền đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất tái định cư, cho thuê đất thuộc dự án Sân bay Long Thành.
Ông Võ Tấn Đức – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: Theo quy hoạch giao thông được duyệt thì thì Sân bay Long Thành cần xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, có kết nối cổng phía Đông của sân bay với các tỉnh miền Trung. Trên tuyến này, Đồng Nai đã quy hoạch và đầu tư dự án nâng cấp mở rộng tuyến đường ĐT.773 (Long Thành - Cẩm Mỹ - Xuân Lộc), với tổng mức đầu tư 4.311 tỷ đồng. Để kết nối đi các tỉnh Tây Nguyên, Đồng Nai cũng đã quy hoạch đường ĐT.770B, đoạn từ đường ĐT.763 (huyện Định Quán) đến Quốc lộ 51 (huyện Long Thành), tổng mức đầu tư khoảng 8.043 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, việc không triển khai dự án thành phần 3 và dự án thành phần 4, cùng với tiết kiệm thông qua đấu thầu một số hạng mục công trình từ dự án Sân bay Long Thành đã tiết kiệm được khoảng 4.136 tỷ đồng. Do đó, Đồng Nai muốn xin khoản ngân sách này để đầu tư mở rộng đường ĐT.773 với 4.311 tỷ đồng, còn thiếu tỉnh sẽ bổ sung từ ngân sách địa phương. Đồng thời, kiến nghị Ủy ban kinh tế của Quốc hội chấp thuận bổ sung dự án nâng cấp mở rộng tuyến đường ĐT.773 vào dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Sân bay Long Thành. Việc bổ sung tuyến đường ĐT.773 cũng không làm tăng tổng mức đầu tư dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Sân bay Long Thành.
Đối với tuyến kết nối từ Sân bay Long Thành đi các tỉnh Tây Nguyên bằng đường ĐT.770B với vốn đầu tư 8.043 tỷ đồng, Đồng Nai đề nghị được sử dụng nguồn từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất tái định cư, cho thuê đất thuộc Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Sân bay Long Thành, nếu thiếu thì bố trí ngân sách địa phương.
Quy hoạch 5 vùng phát triển
Để tận dụng lợi thế từ Sân bay Long Thành, Đồng Nai cũng quy hoạch 5 vùng phát triển xung quanh sân bay, gồm: Vùng 1 là vùng đô thị thị trấn Long Thành (mở rộng) và khu phức hợp công nghiệp đô thị dịch vụ Long Thành nằm ở phía tây Bắc của huyện có quy mô 5.280ha. Tính chất của vùng này là vùng đô thị cửa ngõ, trung tâm kinh tế chính trị văn hóa, khoa học kỹ thuật của huyện. Mô hình phát triển dọc theo các tuyến đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Long Thành Dầu Giây và Quốc lộ 51, kết nối chặt chẽ với Khu công nghiệp Long Thành và Khu công nghệ cao Long Thành.
Vùng 2 là vùng đô thị Bình Sơn nằm ở phía Đông Bắc huyện, có quy mô rộng 12.360ha. Vùng này có tính chất đô thị gắn hoạt động Sân bay quốc tế Long Thành. Là trung tâm thương mại, dịch vụ, tài chính, trung tâm dịch vụ công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, kho vận quốc tế. Các trung tâm này hỗ trợ các đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt và đường hàng không của vùng, của quốc gia và khu vực.
Vùng 3 là vùng dịch vụ thương mại đô thị hỗn hợp phía Tây huyện Long Thành có quy mô 5.300ha. Đây là vùng phát triển không gian đô thị mới gắn kết hài hòa với các khu vực xây dựng hiện hữu và cảnh quan đặc trưng tại khu vực. Vùng này cũng là trung tâm thương mại dịch vụ tài chính, là đô thị gắn với hoạt động cảng biển nhóm 5 của tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Vùng 4 là vùng chức năng đặc thù – Sân bay Long thành có quy mô 9.200ha. Đây là vùng trung tâm của 5 vùng chức năng. Cảng hàng không quốc tế Long Thành có công suất phục vụ 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Do đó, ngoài nhà ga, đường băng và các cơ sở hạ tầng dịch vụ thì vùng này sẽ khai thác tối đa giá trị kinh tế do sân bay mang lại thông qua việc phát triển mạnh các trung tâm dịch vụ cấp quốc tế, khu dân cư, ngành công nghiệp phụ trợ và các ngành công nghiệp liên quan đến hàng không.
Cuối cùng là vùng 5, vùng công nghiệp đô thị dịch vụ công nghiệp công nghệ cao Nam Sân bay Long Thành với quy mô 10.880ha. Vùng này sẽ phát triển cân bằng về công nghiệp và Logistic -ICD, nông lâm nghiệp và dịch vụ hệ thống các khu chức năng hỗ trợ phục vụ phát triển kinh tế như: Khu công nghiệp kèm các dịch vụ, khu dân cư nông thôn, khu tái định cư, dịch vụ kho bãi, hạ tầng… Tất cả phát triển theo mô hình sinh thái thấp tầng, hoàn thiện các hoạt động sản xuất và hệ thống đất canh tác nông nghiệp.
Để nhanh chóng đưa Sân bay quốc tế Long Thành vào khai thác, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có các chỉ đạo nhằm tháo gỡ kho khăn vướng mắc cho dự án nhằm sớm đưa dự án về dịch đúng tiến độ.
Cao Cường
Theo