(Xây dựng) – Thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Thời gian qua, quận Đống Đa luôn chú trọng trong công tác chỉnh trang, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, định hướng nâng cao chất lượng quy hoạch, chỉnh trang đô thị, phát triển đồng bộ, hướng tới nhân rộng những tuyến phố văn minh trong tương lai.
Tuyến phố Tây Sơn được đầu tư chỉnh trang đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, định hướng trở thành tuyến phố điểm văn minh đô thị của quận Đống Đa nói riêng, Thủ đô Hà Nội nói chung. |
Thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”; Chương trình số 05 ngày 30/11/2020 của Quận ủy về “Phát huy mọi nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng, chỉnh trang phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội từng bước đồng bộ, hiện đại; tăng cường quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự văn minh đô thị, bảo vệ và cải thiện môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn quận Đống Đa giai đoạn 2020-2025”. Những năm qua, quận Đống Đa đã đạt nhiều thành tích nổi bật như phát triển hệ thống đường giao thông theo quy hoạch, chỉnh trang đồng bộ hè đường, hạ tầng kỹ thuật các tuyến phố. Trong đó, rà soát về cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, thương mại và các yếu tố khác để xây dựng các tuyến phố văn minh đô thị.
Quận Đống Đa có 80 tuyến phố, trong đó có 2 tuyến đường vành đai và 5 trục phố xuyên tâm, hạ tầng kỹ thuật cơ bản chưa đáp ứng được yêu cầu so với sự phát triển về kinh tế xã hội. Hiểu rõ vấn đề này, chính quyền UBND quận Đống Đa đã nhanh chóng xây dựng và triển khai hàng loạt kế hoạch cải tạo và chỉnh trang nhiều tuyến phố. Điển hình, giai đoạn 2017- 2021 quận Đống Đa đã tổ chức cải tạo, chỉnh trang đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hè, vỉa, cây xanh, chiếu sáng, cấp thoát nước, biển hiệu, biển quảng cáo và mặt tiền kiến trúc các công trình giáp các tuyến phố: Tôn Đức Thắng, Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng, Văn Miếu, Nguyễn Khuyến, Quốc Tử Giám, Khâm Thiên, Chùa Láng, Chùa Bộc, Thái Hà, Huỳnh Thúc Kháng.
Năm 2022, quận Đống Đa tiếp tục tổ chức chỉnh trang tuyến phố trọng điểm khác là Nguyễn Chí Thanh, tuyến phố sẽ được đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hè đường, cây xanh, chiếu sáng, thiết kế biển hiệu, biển quảng cáo. |
Ngoài ra, nhằm thực hiện đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, văn minh đô thị và đảm bảo văn minh thương mại, năm 2022, quận Đống Đa đang tiếp tục tổ chức chỉnh trang 04 tuyến phố trọng điểm khác là Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ, Đặng Văn Ngữ, Trịnh Hoài Đức. Đây đều là những tuyến phố điểm, có mật độ giao thông dày đặc, việc cải tạo, sửa chữa, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật là phương án cấp thiết nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, đạt được sự đồng thuận, ủng hộ từ phía nhân dân.
Ông Trương Minh Quang - Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa cho biết: Đến nay, quận đã hoàn thành chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, hạ ngầm hệ thống đường dây điện, cáp viễn thông và lát đá hè phần lớn tuyến phố trọng điểm. Sau khi được cải tạo, chỉnh trang đã mang diện mạo đô thị đổi mới, khang trang, văn minh, thông thoáng.
“UBND quận Đống Đa luôn xác định rõ nhiệm vụ cốt lõi trong chỉnh trang đô thị chính là chỉnh trang, đồng bộ được toàn diện về hạ tầng kỹ thuật, từ đó mới xây dựng, nhân rộng được nhiều tuyến phố văn minh, nhằm góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Nhưng chỉnh trang được là một phần, mà phát huy, giữ gìn được mới là một thách thức lớn trong công tác quản lý của chính quyền” - Ông Trương Minh Quang nhấn mạnh.
Ngoài ra, công trình cầu vượt nhằm nâng cao năng lực giao thông qua ngã tư Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch - Tôn Thất Tùng - Đông Tác hứa hẹn sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc và hình thành hạ tầng giao thông khung của Hà Nội. Dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2024. |
Nhằm phát huy, nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự đô thị, quận Đống Đa đã áp dụng nhiều biện pháp mới như tăng cường kiểm tra, giám sát sau chỉnh trang tại các tuyến phố, áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm tra, thông báo vi phạm và công tác xử lý vi phạm trật tự đô thị để kịp thời nắm bắt, xử lý, không để vi phạm kéo dài. Qua đó, các vi phạm được xử lý trực tiếp, giảm bớt các khâu trung gian, đảm bảo kịp thời, chính xác, đồng thời nâng cao ý thức của nhân dân.
Hưởng ứng Ngày Đô thị Thế giới và Ngày Đô thị Việt Nam 8/11, giai đoạn tới, quận Đống Đa tiếp tục tổ chức chuẩn bị đầu tư chỉnh trang 08 tuyến đường/phố đã được thông qua tại Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Quận là: Ô Chợ Dừa, Tôn Thất Tùng, Lương Định Của, Cát Linh, Đào Duy Anh, Hoàng Cầu, Giảng Võ, Nguyễn Như Đổ. Giai đoạn này sẽ từng bước thực hiện đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, văn minh đô thị, văn minh thương mại và đảm bảo các tiêu chí công nhận tuyến phố văn minh đô thị trong tương lai.
Có thể thấy, với những nỗ lực và quyết tâm của hệ thống chính trị từ quận tới cơ sở mà thời gian qua, công tác chỉnh trang đô thị tại quận Đống Đa đã đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần xây dựng mỹ quan đô thị, từng bước xây dựng văn minh đô thị trên địa bàn quận nói riêng và thành phố nói chung. Phấn đấu sớm nhân rộng được những tuyến phố văn minh ra toàn địa bàn quận, từng bước đi đến mô hình đô thị thông minh, hiện đại.
Thảo Phương
Theo