(Xây dựng) - Việc xác định doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tham dự thầu đối với gói thầu xây lắp có giá trị không quá 5 tỷ đồng được thực hiện theo quy định tại Điều 10 Luật Đấu thầu năm 2023, Điều 6 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP và các tiêu chí quy định tại Điều 5 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP.
Ảnh minh họa. |
Theo phản ánh của ông Nguyễn Đình Long (Hà Nội), E-HSMT một gói thầu xây lắp có giá trị dưới 5 tỷ đồng phát hành tháng 3/2024 có yêu cầu về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ như sau:
- Số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 100 người. Tài liệu chứng minh là chứng từ nộp BHXH của năm 2022 mà doanh nghiệp nộp cho cơ quan BHXH thể hiện được số lượng lao động tham gia đóng BHXH của doanh nghiệp.
- Tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng. Tổng doanh thu hoặc tổng nguồn vốn được xác định trên báo cáo tài chính của năm 2022.
Theo Điểm đ Khoản 2 Điều 10 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 quy định gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng được dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tham dự thầu. Trường hợp đã tổ chức đấu thầu, nếu không có doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đáp ứng được yêu cầu thì được phép tổ chức đấu thầu lại và cho phép các doanh nghiệp khác được tham dự thầu.
Theo Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa:
- Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
- Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
Theo ông Long hiểu, các doanh nghiệp nhỏ thuộc mọi lĩnh vực như quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP đều có quyền tham gia gói thầu xây lắp giá trị dưới 5 tỷ đồng.
Ông Long hỏi, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại và dịch vụ có quyền tham gia đấu thầu các gói thầu xây lắp giá trị dưới 5 tỷ đồng hay không? Bởi vì, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp được xác định dựa trên ngành nghề chính trong đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và doanh nghiệp có thể hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác.
E-HSMT như tình huống ông đưa ra đang không cho phép các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực thương mại và dịch vụ tham gia, tình huống này có bị coi là hành vi hạn chế trong đấu thầu không?
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:
Theo Điểm đ Khoản 2 Điều 10 Luật Đấu thầu năm 2023, gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng được dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ tham dự thầu.
Trường hợp đã tổ chức đấu thầu, nếu không có doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ đáp ứng được yêu cầu thì được phép tổ chức đấu thầu lại và cho phép các doanh nghiệp khác được tham dự thầu.
Theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định căn cứ vào ngành, nghề kinh doanh chính mà doanh nghiệp đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.
Việc xác định doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tham dự thầu đối với gói thầu xây lắp có giá trị không quá 5 tỷ đồng được thực hiện theo quy định nêu trên và các tiêu chí quy định tại Điều 5 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP.
Việc xác định cấp doanh nghiệp theo lĩnh vực hoạt động của nhà thầu được căn cứ theo ngành, nghề kinh doanh chính của nhà thầu (có thể tra cứu ngành nghề kinh doanh chính mà doanh nghiệp đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp).
Theo đó, đối với gói thầu xây lắp dưới 5 tỷ đồng, nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ được tham dự thầu theo quy định nêu trên.
Vũ Trung
Theo