(Xây dựng) – Mục tiêu đến năm 2035, tỉnh Ninh Bình sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. Đây được xem là thời cơ và cũng là thách thức rất lớn đối với ngành Du lịch Ninh Bình.
Mục tiêu đến năm 2035, tỉnh Ninh Bình sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ. |
Thời cơ, thuận lợi
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết: Ninh Bình có vị trí địa lý thuận lợi, địa hình đa dạng, chiều sâu văn hóa, lịch sử và là địa phương có tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, hấp dẫn có thể phát triển nhiều loại hình du lịch. Hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng, vật chất phục vụ du lịch có bước phát triển vượt bậc trong những năm gần đây, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông du lịch đến các trọng điểm du lịch trên địa bàn khá đồng bộ và phát triển. Ninh Bình có nhiều điều kiện thuận lợi về tài nguyên và hạ tầng du lịch để phát triển du lịch, hình ảnh thương hiệu du lịch Ninh Bình trong những năm qua ngày càng vững chắc, là nhân tố quan trọng đảm bảo cho du lịch phát triển.
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình quyết tâm chỉ đạo phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, chính vì vậy đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, chương trình… cho phát triển du lịch. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định đầu tư phát triển hạ tầng du lịch là một trong 3 khâu đột phá chiến lược. Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045 đề ra mục tiêu, định hướng và 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp phát triển du lịch.
Ngoài ra, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ thúc đẩy thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đang từng bước được hoàn thiện cùng với việc quan tâm đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao, tích cực đổi mới công tác xúc tiến quảng bá du lịch đã tạo dựng nền tảng, cơ hội cho du lịch phát triển mạnh mẽ.
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với những thành tựu công nghệ mới tạo cơ hội để du lịch tỉnh Ninh Bình phát triển theo hướng hiện đại. Quan hệ ngoại giao tích cực, hợp tác, hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng là cơ hội để Ninh Bình thu hút đầu tư phát triển, học hỏi kinh nghiệm trong quản lý, kinh doanh du lịch và phát triển điểm đến, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch, mở rộng thị trường. Nhiều nhà đầu tư chiến lược tiếp tục đầu tư phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình, trong đó có nhiều nhà đầu tư đã và đang hoạt động có hiệu quả cao.
Khó khăn, thách thức
Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, bên cạnh những thuận lợi đó, đến năm 2035 tỉnh Ninh Bình sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, là một trong những trung tâm lớn, có giá trị thương cao về du lịch, công nghiệp văn hoá, kinh tế di sản của cả nước và khu vực thì ngành Du lịch tỉnh nhà còn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức cần phải tháo gỡ.
Ngành Du lịch Ninh Bình đang có nhiều thời cơ để phát triển những cũng có không ít thách thức cần phải tháo gỡ. |
Đó là giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội; khai thác hài hòa giữa bảo tồn với phát triển di sản, giữ gìn cảnh quan môi trường, nguyên gốc của di sản để phát triển du lịch.
Hơn nữa, hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch chưa đồng bộ đặc biệt còn thiếu khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 4 - 5 sao, các dịch vụ vui chơi giải trí, các dịch vụ bổ sung, hỗ trợ khách, các khu mua sắm, chợ đêm, phố đi bộ nội thị…
Cạnh tranh giữa các điểm đến du lịch ở khu vực và thế giới ngày càng gay gắt, trong khi đó khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng còn hạn chế, chưa có những sản phẩm du lịch đặc thù chất lượng cao, mang dấu ấn văn hóa, thương hiệu Việt Nam và thương hiệu tỉnh Ninh Bình để cạnh tranh và hấp dẫn khách du lịch trên thế giới.
Cùng với đó là thiếu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, chuyên sâu về ngành Du lịch; tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết bất lợi như lụt bão cũng là một thách thức đối với quá trình quy hoạch, đầu tư công trình du lịch.
Đặc biệt, du lịch tỉnh Ninh Bình phát triển trong bối cảnh chịu sức ép lớn về trách nhiệm bảo tồn các giá trị di sản, tài nguyên môi trường du lịch. Môi trường du lịch ở tỉnh Ninh Bình có nguy cơ bị ảnh hưởng và ô nhiễm bởi các hoạt động dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội và của các hoạt động du lịch. Chính vì vậy, cần phải có kế hoạch phát triển du lịch xuyên suốt, dài hạn gắn với bảo tồn di sản và các giá trị văn hóa, bởi nếu di sản văn hóa mất đi, sẽ rất khó khôi phục các giá trị văn hóa đó, ông Bùi Văn Mạnh cho biết thêm.
Anh Tú
Theo