(Xây dựng) – Ngày 26/3, Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) phối hợp cùng Viện Kiến trúc quốc gia và Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức Hội thảo Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam trong bối cảnh mới.
Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc Bộ Xây dựng Trần Thu Hằng phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 112/2002/ QĐ-TTg phê duyệt Định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam đến năm 2020 (Định hướng), trong đó đề ra những mục tiêu, quan điểm, giải pháp cụ thể phát triến kiến trúc đô thị, nông thôn và kiến trúc công trình.
Sau gần 20 năm triển khai thực hiện Định hướng, kiến trúc đô thị và nông thôn Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng vẫn còn tồn tại một số bất cập, chưa đáp ứng được xu hướng phát triển nhanh của xã hội, chưa đạt được một số mục tiêu về quản lý và phát triển kiến trúc.
Trong bối cảnh kinh tế – xã hội trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi, Việt Nam cần xác định thêm những mục tiêu mới và giải pháp mới để nền kiến trúc phát triển bền vững trong quá trình hội nhập với kiến trúc khu vực và thế giới.
Hơn nữa, ngày 13/6/2019, Luật Kiến trúc đầu tiên được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 7 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Sự ra đời của Luật Kiến trúc cho thấy, việc xây dựng định hướng phát triển kiến trúc của Việt Nam là rất quan trọng và cần thiết.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Để tiếp nối Định hướng kiến trúc Việt Nam đến năm 2020 và thực thi Luật Kiến trúc, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng tổ chức triển khai Định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Trên cơ sở đó, Vụ Quy hoạch Kiến trúc đã phối hợp cùng Viện Kiến trúc quốc gia và Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức Hội thảo Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam trong bối cảnh mới.
Nhận định về những thách thức trong phát triển kiến trúc Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc Trần Thu Hằng cho biết: Trong quá trình đô thị hóa, kiến trúc của Việt Nam còn phát triển tự phát, bị lai tạp khiến mất dần bản sắc địa phương, vùng miền. Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên công nghệ số, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và toàn cầu hóa ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển kiến trúc của Việt Nam và thế giới.
Hơn lúc nào hết, các vấn đề phát triển đô thị bền vững, đô thị thông minh, đô thị xanh với các xu hướng kiến trúc sinh thái, chú trọng sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tiết kiệm tài nguyên nguyên thiên, bảo vệ môi trường… trở thành những mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong sự phát triển các quốc gia. Các ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng không ngừng phát triển và ngày càng được ứng dụng sâu rộng.
Bên cạnh đó, kiến trúc vẫn có quan hệ chặt chẽ với các yếu tố bản địa như khí hậu, môi trường, tự nhiên và cộng đồng con người ở nơi được xây dựng. Kiến trúc cần sự phát triển đa dạng nhưng không hỗn tạp, cần sự phong phú nhưng vẫn phải mang những yếu tố bản sắc đặc trưng riêng.
Các đại biểu, chuyên gia chụp ảnh lưu niệm. |
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đóng góp ý kiến xây dựng nội dung Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam trong thời gian tới. Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam TS. KTS Phan Đăng Sơn trình bày tham luận “Tiến tới xây dựng định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam phù hợp phát triển kinh tế - xã hội đất nước và hội nhập quốc tế”. Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam KTS Trần Ngọc Chính chia sẻ tham luận “Nhận diện những vấn đề trong định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam: Những thay đổi phù hợp với bối cảnh mới”.
Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia Đỗ Thanh Tùng trình bày tham luận Quản lý và phát triển bản sắc, văn hóa dân tộc và kế thừa kiến trúc truyền thống trong kiến trúc Việt Nam. Ủy viên Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam TS. KTS Lê Đình Tri chia sẻ việc Hướng tới một giá trị kiến trúc Việt Nam đổi mới. Trong khi đó, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc Việt Nam ThS. KTS Hồ Chí Quang trình bày tham luận Chuyển đổi số và định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam.
Nhiều đại biểu khác cũng đã đóng góp ý kiến xây dựng Định hướng cũng như phát triển kiến trúc Việt Nam trong tình hình mới.
Hữu Mạnh
Theo