(Xây dựng) – Báo cáo mới nhất của Tổ chức nghiên cứu năng lượng Ember cho biết, lượng phát thải của ngành Điện toàn cầu ổn định trong nửa đầu năm 2023, tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả này là điện gió và điện mặt trời tiếp tục phát triển mạnh.
Điện gió và điện mặt trời tiếp tục phát triển mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023 (ảnh: Internet). |
Báo cáo của Tổ chức nghiên cứu năng lượng Ember đã phân tích dữ liệu điện năng của 78 quốc gia (chiếm khoảng 92% nhu cầu điện toàn cầu) trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2023.
Theo đó, điện gió và điện mặt trời là 2 nguồn điện duy nhất tăng đáng kể thị phần điện toàn cầu, chiếm tổng cộng 14,3% điện năng toàn cầu trong nửa đầu năm 2023. Đặc biệt, năng lượng mặt trời đang tăng trưởng nhanh chóng với 50 quốc gia lập kỷ lục mới về sản xuất năng lượng mặt trời trong nửa đầu năm 2023. Trung Quốc tiếp tục là quốc gia dẫn đầu về sản xuất năng lượng mặt trời, chiếm 43% mức tăng trưởng toàn cầu về sản xuất năng lượng mặt trời. Trong khi đó, các nước Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Ấn Độ chiếm khoảng 12% mỗi nước.
Nhưng bất chấp sự tăng trưởng về năng lượng mặt trời và năng lượng gió, các điều kiện thủy điện bất lợi đã cản trở tốc độ suy giảm của lượng khí thải. Trong nửa đầu năm nay chứng kiến sự sụt giảm lịch sử về sản lượng thủy điện do hạn hán, giảm khoảng 177 TWh, tương đương 8,5%. Kết quả là sản lượng điện sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch đã tăng nhẹ để đáp ứng sự thiếu hụt do thủy điện tạo ra. Theo phân tích của Ember, lượng phát thải của ngành Điện sẽ giảm 2,9% nếu sản lượng thủy điện toàn cầu ở mức tương đương năm ngoái.
Trong bối cảnh sản lượng thủy điện gặp khó khăn, nhu cầu điện tăng trưởng thấp đã giúp hạn chế mức tăng phát thải. Nhu cầu điện toàn cầu chỉ tăng 0,4% trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức trung bình lịch sử 10 năm. Nhu cầu giảm ở một số nền kinh tế lớn dẫn đến sản lượng điện than sụt giảm đáng kể, đáng chú ý nhất là ở các nước EU, giảm khoảng 23%. Kết quả là lượng khí thải đã giảm ở EU (-17%), Nhật Bản (-12%), Mỹ (-8,6%) và Hàn Quốc (-3%).
Nhu cầu điện tăng trưởng thấp đã giúp hạn chế mức tăng phát thải trong năm 2023 (ảnh: Internet). |
Bà Malgorzata Wiatros-Motyka, nhà phân tích điện năng cao cấp tại Ember cho biết: “Tình hình vẫn khá mong manh nếu lượng phát thải của ngành Điện giảm vào năm 2023. Mặc dù chứng kiến sự tăng trưởng đáng chú ý của năng lượng gió và năng lượng mặt trời, nhưng chúng ta không thể bỏ qua thực tế rõ ràng về các điều kiện thủy điện bất lợi ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu.
Thế giới đang đứng trước đỉnh điểm phát thải của ngành Điện và chúng ta cần tạo động lực cho sự suy giảm nhanh chóng của sản xuất điện bằng nhiên liệu hóa thạch. Một trong những giải pháp hiệu quả nhất là đảm bảo một thỏa thuận toàn cầu nhằm tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo trong thập kỷ này”.
Phương Trang
Theo