(Xây dựng) - Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc là dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn được triển khai theo tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TW, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị. Để đảm bảo tiến độ triển khai, thực hiện, UBND tỉnh Thái Nguyên luôn chủ động sâu sát, chỉ đạo đảm bảo tiến độ thi công dự án này.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng kiểm tra tiến độ triển khai, thi công dự án đoạn qua thành phố Phổ Yên. |
Đây là dự án trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt theo Quyết định số 3518/QĐ-UBND ngày 12/11/2021. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên làm chủ đầu tư; nhà thầu thi công là liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư năng lượng, xây dựng, thương mại Hoàng Sơn, Tổng Công ty 319 Bộ Quốc Phòng, Công ty TNHH MTV Minh Đăng, được thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.
Dự án thuộc nhóm A, công trình trình giao thông cấp 1 sử dụng vốn đầu tư công với tổng mức đầu tư 4.204 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài 42,55km, gồm tuyến chính dài 36,51km, đoạn nối với tỉnh Vĩnh Phúc và đường tỉnh 216 dài 6,04km. Tuyến đường có điểm đầu là cầu Hòa Sơn, nối với huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, điểm cuối là đường tỉnh 261 tại vị trí giáp ranh với tỉnh Vĩnh Phúc.
Tuyến đường có quy mô thiết kế từ 2-8 làn xe, nền đường rộng 12-47m (tùy đoạn), công trình trên tuyến gồm 11 cầu và 25 hầm chui dân sinh; chạy qua địa bàn 8 xã, phường của thành phố Phổ Yên với gần 2,5 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có khoảng 300 hộ bị giải tỏa hoàn toàn. Tuyến đường cũng chạy qua các xã Cát Nê, Ký Phú và thị trấn Quân Chu (huyện Đại Từ) với hơn 41ha đất được thu hồi, 245 hộ bị ảnh hưởng.
Các đơn vị thi công chủ động tập trung phương tiện, máy móc thiết bị, công nhân đẩy nhanh tiến độ xây dựng. |
Được khởi công xây dựng tháng 5/2022, sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ kết nối trực tiếp với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vào Khu du lịch hồ Núi Cốc, kết nối sang Khu du lịch ATK Định Hóa, tạo quỹ đất cho phát triển công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng khu vực sườn Đông Tam Đảo. Do vậy, tỉnh Thái Nguyên luôn xác định đây là dự án trọng điểm, nên thường xuyên chủ động sâu sát, đốc thúc các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành trước 6 tháng so với kế hoạch đề ra.
Để thực hiện mục tiêu đó, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên thường xuyên, trực tiếp chỉ đạo các địa phương nỗ lực thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, chỉ đạo chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thi công tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ dự án.
Gần đây nhất, UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục ban hành văn bản đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công để đảm bảo tiến độ dự án, trong đó giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan kiểm tra, đôn đốc tiến độ triển khai dự án. Khẩn trương tham mưu, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công dự án đảm bảo hiệu quả, đúng quy định pháp luật, báo cáo UBND tỉnh thường xuyên theo đúng quy định.
Việt Hoan
Theo