(Xây dựng) - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa có công văn gửi các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố, đề nghị tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6), Ngày Đại dương thế giới (8/6) và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2023.
Các địa phương cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa nhằm bảo vệ môi trường (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề cấp thiết cần giải quyết
Ngày Môi trường thế giới năm 2023 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” (Solutions to Plastic Pollution), trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution). Theo đánh giá của UNEP, ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã và đang thực thi nhiều cơ chế, chính sách, đề án để giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, điển hình như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế.
Theo đó, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2023, Bộ TN&MT đề nghị các bộ, ban ngành, đoàn thể và UBND các tỉnh, thành phố tổ chức tuyên truyền và thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa; thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 33/CT-TTg, Đề án “Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam”.
Tổ chức khởi công, xây dựng, bàn giao các công trình bảo vệ môi trường
Cùng với đó, các Bộ, Ban, ngành và các địa phương cần tập trung xây dựng ban hành quy định, cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, doanh nghiệp tái chế; tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến để tái chế chất thải nhựa trở thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường.
Các địa phương cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa; thực hiện phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn; thực hiện nhân rộng các mô hình hiệu quả trong việc tổ chức thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa.
Đối với các tỉnh, thành phố cần có ít nhất 1 mô hình cụ thể về “Chống ô nhiễm nhựa” hiệu quả tại địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ TN&MT đề nghị các bộ, ban ngành, đoàn thể và UBND các tỉnh, thành phố tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, với chủ đề: “Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo”.
Bộ TN&MT cũng yêu cầu các cơ quan truyền thông đại chúng tăng thời lượng, tần suất tuyên truyền về các hoạt động, nhiệm vụ, nội dung, chủ đề về bảo vệ môi trường và các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương thế giới năm 2023.
Cùng với đó, Bộ cũng đề nghị tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, rác thải nhựa ven biển và trên các hải đảo; khuyến khích các nghiên cứu về biển, đảo, hoạt động sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường biển; tổ chức các hoạt động có sự tham gia của cộng đồng; phát động các phong trào cộng đồng, ra quân làm vệ sinh môi trường biển, thu gom xử lý rác thải, không thải rác thải nhựa ra môi trường.
Đồng thời, tại 28 tỉnh, thành phố có biển trên toàn quốc cần phải có các hoạt động ra quân làm sạch bờ biển đáp ứng yêu cầu sau thời gian ra quân hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam không còn tình trạng rác thải trôi dạt bờ biển; tổ chức khởi công, xây dựng, bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích cộng đồng và phát triển bền vững kinh tế biển, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhật Minh
Theo