(Xây dựng) - Hệ thống chiếu sáng công cộng là một hạng mục trong tổng thể hệ thống các công trình kỹ thuật hạ tầng đô thị, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn giao thông, trật tự an ninh đô thị, làm đẹp cảnh quan môi trường về đêm. Tuy nhiên hàng năm nguồn ngân sách dành cho việc duy trì chiếu sáng đô thị cũng không nhỏ.
Công tác giám sát thay thế đèn LED trên các tuyến đường (ảnh: CTV). |
Để đảm bảo chất lượng chiếu sáng đem lại diện mạo, cảnh quan đô thị khang trang và thực hiện việc tiết kiệm điện, tiết kiệm nguồn năng lượng, trong những năm qua thành phố Đà Nẵng đã quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống điện chiếu sáng công cộng, trong đó lưu ý đến việc đầu tư, thay thế từ đèn Sodium thành đèn LED nhằm tiết kiệm điện năng, giảm thiểu khí thải CO2.
Trong 06 tháng đầu năm 2022, thành phố đã thực hiện thay thế, cải tạo gần 667 bộ đèn LED đường phố theo các cấp công suất. Phấn đấu đến cuối năm 2022 sẽ tiến hành cải tạo, thay thế thêm khoảng 550 bộ đèn LED đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch được giao, đảm bảo chất lượng, an toàn. Việc thay thế từ đèn Sodium thành đèn LED đã nâng cao rõ rệt chất lượng chiếu sáng đường phố, đem lại diện mạo, cảnh quan đô thị về đêm, giảm thiểu điện năng tiêu thụ, tiết kiệm được nguồn ngân sách và được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Theo đó toàn bộ đèn chiếu sáng trước khi thay thế phải được nghiệm thu đảm bảo theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, chất lượng sản phẩm đã được nhà thầu cam kết và bảo hành theo đúng quy định. Hàng tuần, Tổ giám sát đều xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ, kiểm tra, giám sát, đôn đốc đơn vị triển khai thi công an toàn, đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng. Công tác đảm bảo an toàn giao thông luôn được chú trọng vì hầu hết các vị trí thay thế đèn LED diễn ra trên các dãi phân cách, trên vỉa hè và dưới lòng lề đường của các tuyến đường có mật độ phương tiện lưu thông.
Tuy nhiên, việc đầu tư, thay thế thành đèn LED tiêu tốn khá lớn ngân sách thành phố, do vậy cần phải thực hiện theo lộ trình, tùy thuộc vào nguồn lực ngân sách thành phố. Trong đó cần phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm không dàn trãi, tập trung vào các tuyến đường trung tâm, tuyến đường có kiến trúc, cảnh quan cao để tạo điểm nhấn, phát triển du lịch địa phương đó.
Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị thành phố Đà Nẵng chia sẻ: Theo nhiệm vụ được giao, Trung tâm đã xây dựng và ban hành Quy trình giám sát công tác vận hành và duy trì hệ thống điện chiếu sáng công cộng trong đó có quy định cụ thể công tác thay thế đèn Sodium thành LED. Bên cạnh Quy trình giám sát đã ban hành, theo khối lượng đặt hàng hàng năm và phương án thi công do Công ty Cổ phần chiếu sáng công cộng lập, Trung tâm cũng đã xây dựng, ban hành Đề cương giám sát, các nội dung Đề cương giám sát đã được lãnh đạo Trung tâm quan tâm phổ biến, quán triệt sâu sắc đến từng cán bộ giám sát theo từng địa bàn đảm bảo việc triển khai thực hiện kiểm tra, giám sát trên hiện trường đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng và nội dung giám sát.
Trong thời gian tới, Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm Quy trình, Đề cương giám sát và nghiên cứu, đề xuất ứng dụng kịp thời, có hiệu quả tiến bộ khoa học trong lĩnh vực chiếu sáng đô thị. Nâng cao hiệu quả mục tiêu chiếu sáng đô thị góp phần tạo nên sức sống động, hấp dẫn về đêm của thành phố qua đó sẽ thu hút được du khách đến với Đà Nẵng.
Nguyễn Nam
Theo