(Xây dựng) - Sáng ngày 24/9, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp, nhằm trực tiếp lắng nghe các tâm tư, chia sẻ cũng như nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của các Hội, Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng. Những ý kiến phản hồi, góp ý, hiến kế của quý đại biểu sẽ là nguồn tư liệu quan trọng để thành phố có cơ sở nghiên cứu, tìm kiếm những giải pháp hiệu quả hơn, thiết thực hơn để từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phạm vi thẩm quyền; đồng thời nghiên cứu, đề xuất các cơ quan Bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết những vấn đề ngoài phạm vi cho phép.
Đà Nẵng đối thoại doanh nghiệp, tìm giải pháp trong điều kiện dịch bệnh. |
“Không doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau”
Đó là ý kiến phát biểu của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh tại buổi đối thoại doanh nghiệp. Theo ông Chinh, cũng giống như phương châm chống dịch “không để ai bị bỏ lại phía sau”, lãnh đạo thành phố cam kết sẽ nỗ lực để “không doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau”, tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.
Theo dự báo, dịch bệnh sẽ vẫn kéo dài trong thời gian tới, sẽ gây tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, dẫn đến nhiều xáo trộn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp cũng như sự thay đổi thường xuyên các định hướng, chính sách của chính quyền nhưng tôi tin rằng với sự đồng lòng và quyết tâm cao của hai bên, Đà Nẵng sẽ có đủ sức mạnh, sẵn sàng vượt qua mọi trở ngại, dù là khó khăn nhất, sớm phục hồi mạnh mẽ và bước vào trạng thái bình thường mới, phát triển bền vững.
Cũng theo ông Chinh chia sẻ, cũng cần thẳng thắng nhìn nhận rằng các biện pháp mạnh nhằm khống chế dịch bệnh vừa qua đã tác động lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ước giảm 4,16%; nguồn thu ngân sách Nhà nước chỉ đạt 69,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí giải thể. Thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp, chính quyền thành phố đã nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất trong phạm vi thẩm quyền cho phép để hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Mặc dù vậy, nhiều giải pháp khi triển khai trong thực tế vẫn còn lúng túng, gây không ít trở ngại cho doanh nghiệp. Điều này khiến cho chúng tôi, những lãnh đạo thành phố không khỏi trăn trở, suy nghĩ.
Xây dựng các giải pháp thích ứng với dịch bệnh để ổn định sản xuất
Để công tác phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, Đà Nẵng đã xây dựng các giải pháp thích ứng với an toàn dịch bệnh, trên cơ sở đó từng bước ổn định, khôi phục và thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội sau khi kiểm soát được dịch bệnh.
Quan điểm của Đà Nẵng về công tác phòng, chống dịch bệnh, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, phải tiếp tục coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, bảo vệ sức khoẻ và an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết. Triển khai thần tốc, quyết liệt các biện pháp điều tra, truy vết, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm, điều trị, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào thành phố để kiểm soát, phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong trên nguyên tắc “khoanh vùng, cách ly diện hẹp, xét nghiệm, sàng lọc diện rộng”.
Thực hiện mục tiêu kép, tập trung phục hồi kinh tế, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội gắn với phòng, chống dịch; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Quán triệt phương châm “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân ủng hộ quan điểm, chủ trương của thành phố, nỗ lực thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch mà thành phố đang áp dụng.
Về lộ trình mở lại các hoạt động kinh tế, xã hội, dựa trên cơ sở dự thảo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 về thích ứng an toàn với dịch Covid-19 thì hiện nay Đà Nẵng đã đáp ứng được các chỉ số phòng, chống dịch và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội theo cấp độ 1, bình thường mới.
Dự kiến áp dụng biện pháp phòng, chống dịch và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội theo cấp độ 2 theo Chỉ thị 19 từ 01/10/2021 đến 15/10/2021 để đảm bảo đủ thời gian tạo kháng thể đối với người dân đã tiêm mũi 1 sau đó sẽ chuyển sang áp dụng cấp độ 1 khi hướng dẫn được ban hành chính thức.
Trường hợp diễn biến dịch xấu hơn so với dự kiến của ngành Y tế, tùy vào đánh giá mức độ nguy cơ, thành phố sẽ chuyển sang áp dụng trạng thái phòng chống dịch ở cấp độ cao hơn, theo từng khu vực và phù hợp với thực tiễn.
Nhằm phục hồi kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới và đạt được những mục tiêu nêu trên, thành phố xác định một số giải pháp trọng tâm. Đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccin, dự kiến. Hỗ trợ tiền thuê mặt bằng cho các tiểu thương kinh doanh tại các chợ trên địa bàn thành phố trong thời hạn 06 tháng. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng thương mại được tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất sau đầu tư. Hỗ trợ người lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hỗ trợ Hợp tác xã, Hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố. Tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp vay trả lương cho lao động ngừng việc, vay khôi phục sản xuất kinh doanh của Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Trong thời gian tới sẽ tiến đến việc thực hiện Hỗ trợ phí sử dụng hạ tầng trong năm 2021 tại Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung. Hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tín dụng vốn lưu động cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, vận tải, logistic, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hỗ trợ chi phí xét nghiệm người lao động cho doanh nghiệp. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận vay vốn từ Quỹ đầu tư Phát triển thành phố để khôi phục sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ tiêm vaccin ngừa Covid-19 cho người lao động mới tại các doanh nghiệp. Triển khai Chương trình xây dựng nhà ở cho công nhân. Miễn phí kinh phí đào tạo nghề cho người lao động.
Hỗ trợ điều chỉnh giảm hệ số đối với các thửa đất có vị trí đặc biệt, điều chỉnh bổ sung hệ số phân vệt khu đất theo chiều sâu thửa đất (gồm đất ở, đất thương mại dịch vụ và sản xuất kinh doanh). Hỗ trợ cho phép gia hạn thuê đất đối với đối với thuê đất theo hiện trạng sử dụng. Cho phép doanh nghiệp được điều chỉnh giãn tiến độ triển khai dự án đầu tư do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, thành phố sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành trung ương xem xét đối với các quy định vượt quá thẩm quyền cho phép của UBND thành phố. Đề nghị Bộ Y tế tiếp tục ưu tiên bố trí vắc xin phòng Covid-19 cho thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, Đà Nẵng chủ động đăng ký mua nhằm đảm bảo 90% người dân trong độ tuổi quy định được tiêm đủ 02 mũi vắc xin phòng Covid-19, kể cả trẻ em từ 12-18 tuổi.
Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách tín dụng trong thời gian tới. Điều chỉnh Thông tư 14/2021/TT-NHNN ngày 07/9/2021 quy định cơ cấu nợ tối đa 12 tháng, đề nghị kéo dài thành 24 tháng kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại để doanh nghiệp có đủ thời gian khôi phục. Tái cấp vốn để các NHTM có nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp để cho vay đối với nhu cầu cấp bách, trọng điểm nhằm vực dậy nền kinh tế sau khi dịch bệnh được kiểm soát hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để Ngân hàng đảm bảo nguồn vốn phục vụ kinh doanh.
Đề nghị Bộ Tài chính xem xét, đề xuất Chính phủ gia hạn và giảm thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của các doanh nghiệp trong năm 2021. Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế. Giảm thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 01/9/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực.
Đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo Chính phủ có chính sách miễn, giảm lãi chậm đóng tùy theo mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19…
Nguyễn Nam
Theo