(Xây dựng) – Có một nghịch lý đang hiển hiện tại thành phố bên sông Hàn đó là Đà Nẵng có thể làm những điều mà nhiều địa phương khác không làm được nhưng đồng thời lại không làm được những điều mà nhiều nơi khác vẫn làm.
Đà Nẵng sau hơn 20 năm phát triển. |
Giải tỏa và thực hiện tái định cư, đền bù, hỗ trợ cho non một phần ba tổng số hộ dân toàn thành phố, liệu đã có mấy nơi dám làm? Thường xuyên tổ chức cho hàng nhiều vạn người xem trình diễn pháo hoa trong bầu không khí vui tươi, an toàn và thân thiện, thử hỏi mấy nơi làm được? Đăng cai Hội nghị APEC 2017 với sự hiện diện của 21 nguyên thủ quốc gia an toàn tuyệt đối mà hầu như không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, thử hỏi bao nhiêu tỉnh thành làm được? Dập dịch Covid-19 thành công trong bầu không khí dũng cảm, trách nhiệm và sự tương thân tương ái vô bờ, liệu có phải chuyện dễ dàng không? Xây dựng nếp sống văn hóa văn minh khiến du khách đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác về mức độ thân thiện, có nhiều nơi giống như thế không. Ấy thế mà có nhiều điều mà chính những người Đà Nẵng phải giật mình khi nhìn lại.
Những điều trông thấy
Là một trong những địa phương đi đầu trong công tác quy hoạch nhưng đến nay, Đà Nẵng chưa có một khu đô thị nào mang dáng dấp hiện đại và quyến rũ. Chưa cần nhìn ra quốc tế, chỉ cần so với Ecopack ở Hưng Yên, thậm chí là những Nam Hội An, Casamia ở Quảng Nam cũng thấy một sự khác biệt quá lớn. Đó là sự khác biệt giữa một bên là xây dựng - khai thác và một bên chủ yếu là chuyển quyền đất nền.
Là thành phố du lịch nhưng đến nay, tại Đà Nẵng vẫn chưa thấy đâu một trung tâm mua sắm tầm cỡ. Đành rằng du khách vẫn có thể mua hải sản ở chợ Hàn, đồ khô ở chợ Cồn và những thứ hàng khác ở nhiều tuyến phố nhưng để lạc vào một thế giới mua sắm cuồn cuộn và choáng ngợp vẫn chỉ là giấc mơ xa. Những Big C, Vincom chỉ là những cơ sở bình thường trong hệ thống rải khắp cả nước.
Về công nghiệp, dù đã hình thành 6 khu công nghiệp với quy mô hơn 1500ha nhưng cho đến nay vẫn chưa xuất hiện một đối tác nào đủ sức tạo nên cú bật vọt về kinh tế. Chưa kể đến Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương, chỉ chứng kiến sự vươn mình mạnh mẽ của Quảng Nam, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang trong lĩnh vực công nghiệp, Đà Nẵng cũng thấy chạnh lòng.
Về giáo dục đào tạo, Đại học Đà Nẵng là trung tâm đào tạo của miền Trung với quy mô trên 60.000 sinh viên, đó được xem là một trong những niềm tự hào của Đà Nẵng. Tuy nhiên đó là sự thành công về đào tạo, còn về mặt quy hoạch vẫn vô cùng manh mún với những cơ sở rải rác trong đô thị. Trong khi đó dự án Đại học Đà Nẵng với quy mô 300ha, qua hơn 20 năm triển khai vẫn còn quá ì ạch để có thể hoàn thiện. Kể cả khi dự án hoàn thiện, phần diện tích trên địa phận Đà Nẵng cũng quá nhỏ để có thể bố trí cho các cơ sở hiện có của Đại học Đà Nẵng. Khi đó, sự cát cứ tại các địa điểm cũ trong đô thị sẽ còn là câu chuyện kéo dài.
Về thể thao, và đặc biệt là thể thao đỉnh cao, các cơ sở luyện tập và thi đấu vẫn còn khá hạn hẹp. Ở môn bóng đá, nếu chỉ nhìn nhận theo lối cũ, có thể tạm yên tâm khi đã có sân vận động Hòa Xuân 20.000 chỗ tạm thời thay thế sân Chi Lăng. Nhưng nếu hướng tầm nhìn ra quốc tế, thủ đô London của Anh quốc có diện tích gấp khoảng 1.7 lần phần đất liền của Đà Nẵng nhưng có đến 14 đội bóng chuyên nghiệp và hơn 60 giải nghiệp dư. Ai đó có thể nói về sự chênh lệch về tiềm lực kinh tế nhưng đây là sự tham chiếu về quy hoạch. Nếu không dành sẵn vị trí thì các thế hệ sau phải phá bỏ các khu dân cư để làm sân bóng đá chăng?
Dù là thành phố rất thân thiện và nhân văn và dù đã phát triển mở rộng đến hơn bốn, năm lần so với hai mươi năm trước nhưng đến nay, Đà Nẵng vẫn chỉ có một công viên đúng nghĩa, đó là Công viên 29 Tháng 3 đã hình thành từ gần nửa thế kỷ trước. Đáng nói thêm, công viên này cũng chỉ rộng hơn 20ha. Trong khi Công viên Đường 2 tháng 9 đến giờ không thực chất là công viên công cộng, Công viên Khuê Trung chỉ tạm xứng là công viên cấp quận. Đây chỉ là một ví dụ trong tổng thể vấn đề về cây xanh đô thị.
Còn rất nhiều những bất cập khác có thể chỉ ra thuộc nhiều lĩnh vực khác. Có thể nói trong lĩnh vực nào, Đà Nẵng cũng đã quan tâm và đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách sâu xa, đa phần là những thành công ngắn hạn, thiếu tính bền vững.
Vì sao lại thế?
Tất cả những bất cập kể trên có thể đến từ nhiều nguyên nhân, nhưng tựu trung là hai nguyên nhân chính. Đó là tư duy về khai thác quỹ đất và tư duy về đầu tư phát triển.
Thái quá về khai thác quỹ đất
Có thể nói Đà Nẵng đã đi lên bằng khai thác quỹ đất và đến lúc cũng chững lại vì khai thác quỹ đất. Giai đoạn đầu phát triển, Đà Nẵng là một hiện tượng của cả nước với sự đổi thay nhanh chóng đến kinh ngạc. Các khu nhà chồ ven sông, các cụm dân cư thưa thớt nhanh chóng được giải tỏa và biến thành các khu đô thị mới. Các tuyến đường lớn liên tục trải ra khắp hướng, các cây cầu nối tiếp bắc qua sông. Các khu đô thị cũ liên tục được cải tạo nâng cấp. Cả thành phố như một công trường đầy hào khí và niềm tin. Chỉ chưa đầy 10 năm, Đà Nẵng đã đổi thay hoàn toàn diện mạo, nhiều địa phương tìm đến học tập kinh nghiệm.
Đằng sau những thành công chóng vánh ấy không thể không kể đến chính sách khai thác quỹ đất rất hiệu quả lúc bấy giờ. Trong tổng sản phẩm địa phương (GRDP), nguồn khai thác quỹ đất đóng vai trò chủ lực. Từ nguồn thu khai thác quỹ đất, thành phố tái đầu tư vào phát triển và cải tạo đô thị, nâng cấp hệ thống hạ tầng xã hội, đầu tư cơ sở vật chất phát triển các ngành, các lĩnh vực… Nhờ đó đô thị Đà Nẵng lớn mạnh cả về lượng và chất.
Nhưng nhìn nhận một cách căn cơ, đó thực chất chỉ là phương thức khai thác quỹ đất thô sơ. Song song với những thành công ấy là những nguy cơ tiềm ẩn được dự báo trước.
Rất nhiều các khu vực trong đô thị thiếu các chỉ tiêu hạ tầng, tiêu biểu nhất là đất trường học và đất cây xanh. Theo số liệu tại Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung năm 2020, hiện trạng toàn thành phố có 287ha đất cây xanh các loại, bình quân 2,53m2/người. Như vậy so với quy chuẩn 6.0m2/người, toàn thành phố đang thiếu gần 400ha đất cây xanh công cộng, tức khoảng 20 lần Công viên 29 tháng 3. Đất trường học không thiếu quá nhiều nhưng phân bổ không đều về bán kính phục vụ.
Khi chưa phát triển mở rộng, Đà Nẵng rất nhỏ bé, chỉ khoảng 5.600ha, chủ yếu thuộc quận Hải Châu và các khu vực lân cận. Nay diện tích đô thị khoảng 20.000ha. Điều đó cũng có nghĩa phần diện tích mở rộng với hơn 14.000ha vốn gần như tờ giấy trắng. Vậy tại sao với tờ giấy trắng ấy mà khi vẽ ra và xây dựng lên lại để mất cân bằng sử dụng đất? Nguyên nhân không gì khác là do ưu tiên thái quá việc khai thác quỹ đất.
Các công viên bị cắt xén dần, các khu vực ven sông, ven biển cũng tràn lan những dãy chia lô. Vệt ven sông từ Cổ viện Chàm đến cầu Trần Thị Lý theo Quy hoạch chung năm 2002 là công viên ven sông, nay là vệt đô thị vắng bóng đất trường học. Rất nhiều các lô đất lớn trong khu vực đông dân được chấp thuận cho xây dựng căn hộ cao tầng… Hậu quả nhãn tiền là sự gia tăng dân số đột biến, các chỉ tiêu hạ tầng như giao thông, cấp điện, cấp nước, trường học, cây xanh… ngày càng thiếu hụt. Các dự án trên trục đường mới như đường Võ Văn Kiệt phần nhiều gắn với chức năng căn hộ đang có xu hướng không tự lo được hạ tầng cho chính mình mà phải huy động quỹ đất trong các khu dân cư lân cận. Khu cũ phục vụ hạ tầng cho khu mới, đó là nghịch lý khó chấp nhận.
Đầu tư cho đất ở nhiều nhưng nhu cầu xây dựng không tương xứng. Hình ảnh quá rõ là lượng đất trống chưa xây dựng trong đô thị quá lớn. Những bạt ngàn lô đất trống này đều có chủ nhưng hầu hết là “của để dành” của cả người dân Đà Nẵng và các địa phương khác.
Theo kết quả khảo sát, chỉ tiêu đất đơn vị ở tại Đà Nẵng là 67,76m2/người, cao hơn hẳn quy chuẩn xây dựng là 15 - 28m2/người. Nhẩm tính cũng thấy lượng đất ở vượt hơn 2.000ha so với quy chuẩn. Nếu đem 2.000ha đất này làm trường học, công viên, bệnh viện, văn hóa, thể thao… thì chắc chắn mọi chuyện sẽ khác. Đó là chỉ dấu của sự mất cân bằng về đầu tư phát triển.
Quá chú trọng các dự án phát triển đất ở, nhà ở
Mặc dù đã có sự khủng hoảng thừa về đất ở nhưng hiện nay sức hút lớn nhất với các nhà đầu tư vào Đà Nẵng vẫn tiếp tục là các dự án phát triển đô thị, bao gồm cả việc mở rộng đô thị và việc xen cấy các cao ốc căn hộ trong khu vực đông dân cư.
Trước hết bàn về các dự án căn hộ. Xét về nhu cầu ở, như trên đã dẫn, chỉ tiêu đất ở bình quân tại Đà Nẵng hiện đã dư thừa, tuy thế, nhà ở xã hội lại là đối tượng còn thiếu. Đây là loại hình nhà ở phục vụ công nhân, sinh viên, cán bộ có thu nhập thấp và trung bình, các đối tượng chính sách… Giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội là yêu cầu cấp bách cần quan tâm đặc biệt. Hiện nay nhiệm vụ này còn gặp khó khăn bởi nhiều nguyên nhân.
Thế nhưng thực tế là các nhà đầu tư lại hướng nhiều sự quan tâm đến các dự án cao ốc căn hộ thương mại. Ven biển, ven sông, các trục đường chính và nhiều vị trí đan xen trong đô thị đều có các đề xuất hình thành các dự án căn hộ thương mại và không ít trong số ấy đã được cho phép.
Nhiều dự án mang những cái tên rất kêu, đại loại như “thung lũng phần mềm”, “công viên khởi nghiệp”, “thế giới sáng tạo” hay “thiên đường tài chính” nhưng lại thường “kẹp” thêm vài trăm, vài ngàn căn hộ, biệt thự? Nhiều nhà đầu tư khi mới tiếp cận thì đưa ra những ý tưởng táo bạo và lãng mạn với những cống hiến lớn lao nhưng sau vài vòng đàm phán lại dần “bẻ lái” sang đầu tư căn hộ thương mại.
Việc hình thành hàng loạt các dự án căn hộ kéo theo nhiều hệ lụy. Dân số gia tăng đột biến gây áp lực về hạ tầng. Việc thiếu đất cây xanh, trường học, bãi đỗ xe, khả năng cấp điện, cấp thoát nước… có sự tác động không hề nhỏ của các dự án này. Điều dễ thấy là nhu cầu mua căn hộ tại các dự án này của người dân Đà Nẵng không hề cao.
Về các dự án mở rộng đô thị thì sao? Ngay trước và sau khi Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã có rất nhiều nhà đầu tư có nguyện vọng được làm chủ đầu tư các dự án phát triển đô thị với hàng ngàn ha đất, chủ yếu trên địa bàn huyện Hòa Vang. Đó vừa là tín hiệu tích cực cho môi trường đầu tư nhưng cũng chính là những bài toán thách thức các nhà quản lý.
Những câu hỏi cần đặt ra là có cần phải ồ ạt phát triển đô thị tại Hòa Vang? Hình thành được các dự án ấy, Hòa Vang sẽ trở thành mô hình gì, có tốt lên không? Ai sẽ ở hết hàng nhiều ngàn ha đất ấy và sống bằng nghề gì?
Những câu hỏi như thế luôn tạo ra những tranh luận bất tận, nhưng có những mẫu số chung không thể chối cãi. Một đô thị muốn phát triển bền vững trước hết phải đảm bảo sự hài hòa giữa quy mô phát triển và nội lực phát triển. Ai cũng biết quy mô đô thị không quyết định chất lượng đô thị. Chất lượng sống ở Delhi (Ấn Độ) hay Mexico City (Mexico) không thể so với Oslo (Na Uy) hay Reykjavik (Iceland) được.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. |
Việc đô thị hóa ồ ạt sẽ khiến Hòa Vang nói riêng và đô thị Đà Nẵng nói chung có hình ảnh của gã khổng lồ chân đất sét. Các khu đô thị mới có thể khá khang trang với rất nhiều đất ở. Thị trường bất động sản sẽ nóng lên, các nhà đầu tư sẽ nhanh chóng thanh khoản. Dòng tiền cũng sẽ đi qua hệ thống tài chính Đà Nẵng nhưng chủ yếu vẫn là tiền khai thác quỹ đất khi giao dự án cho nhà đầu tư. Ai cũng biết nếu phát triển đô thị chỉ để ở thì rõ ràng là thất sách. Nó giống như việc hộ thu nhập thấp mà xây nhà thật to. Đó thực chất vẫn chỉ là hình thức khai thác quỹ đất thô sơ hay nói một cách dân dã là hưởng trước phần của thế hệ con cháu.
Trong khi đó, một đô thị muốn phát triển cần phải có các động lực để thúc đẩy. Đó là sân bay, bến cảng, hệ thống giao thông, các khu công nghiệp, công nghệ cao, logicstic, mạng lưới dịch vụ… Đó còn là việc nâng cấp chất lượng đô thị trên mọi lĩnh vực giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, văn hóa, tinh thần…
Thực tế thì các dự án nâng cấp sân bay quốc tế, cảng Liên Chiểu và các loại hình dự án kể trên vẫn được quan tâm và thức đẩy. Vấn đề là nguồn lực, tiến độ và mức độ quyết liệt chưa tương xứng như đối với các dự án đầu tư đất ở, nhà ở.
Nghị quyết 43-NQ/TW đặt mục tiêu: “…đến năm 2030 là xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, phát triển thành phố Đà Nẵng là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế…”.
Các quy hoạch chung luôn nêu “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ. Là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước…”.
Nhìn lại những định hướng trên để thấy rằng việc tập trung quá nhiều cho các dự án phát triển về nhà ở và đất ở không thể là những bước đi phù hợp để đạt được các mục tiêu lớn lao ấy. Nếu không tập trung phát triển các động lực kinh tế, Đà Nẵng sẽ chỉ có thể trở thành một đô thị lớn chứ không mạnh.
Ngoài những nguyên nhân chính là sự thái quá về khai thác quỹ đất và tư duy về đầu tư phát triển, cũng có thể chỉ ra những nguyên nhân khác có ảnh hưởng không hề nhỏ đến sự chững lại của quá trình phát triển đô thị tại Đà Nẵng.
Thiếu tuân thủ kịch bản phát triển
Để một đô thị phát triển hài hòa, bền vững và đúng định hướng luôn cần một chương trình phát triển mang tính khoa học và tính thực tế. Chương trình phát triển đô thị chính là một kịch bản điều phối các sự phát triển riêng trong tổng thể phát triển chung. Nó giống như cây gậy của nhạc trưởng chỉ huy một giàn nhạc giao hưởng. Không có chương trình phát triển, đô thị sẽ phát triển bất định và để lại những hậu quả khó lường. Nạn kẹt xe, thiếu hạ tầng xã hội, thiếu động lực phát triển, các khu vực hạ tầng kém, các khu nhà ổ chuột… đều có nguyên nhân vì phát triển mất kiểm soát.
Về tổng thể, có thể thấy kịch bản phát triển đô thị đã bị phá vỡ nhiều lần. Ví dụ, Quy hoạch chung năm 2002 xác định đến năm 2020 đô thị chỉ phát triển đến ranh giới đường sắt quy hoạch, tức là tương ứng với đường Vành đai phía Tây 2 hiện nay nối Hòa Cầm đến Hòa Liên. Thế nhưng đến trước năm 2010, các khu vực xã Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Ninh đã đô thị hóa rất nhiều. Cũng theo Quy hoạch chung năm 2002, rất nhiều các khu vực phát triển theo hướng sinh thái, mật độ thấp, ưu tiên cây xanh, mặt nước, thể thao. Trên thực tế đến giờ, các khu vực này đã trở thành các khu phố liền kề dày đặc.
Trước đây đã xác định tuyến đường 45m nối Nguyễn Phan Vinh đến Hồ Xuân Hương và trên thực tế đã triển khai một số đoạn. Đây là tuyến bổ trợ cho tuyến đường ven biển để chia sẻ chức năng vận tải, ưu tiên hoạt động du lịch cho tuyến đường ven biển. Thế nhưng sự thiếu kiên định đã biến tuyến đường huyết mạch thành từng đoạn chắp nối cho từng khu vực.
Đó chỉ là một số trong rất nhiều ví dụ về sự sai lệch với kịch bản phát triển. Có thể thấy những sự sai lệch về kịch bản luôn gắn với sự ưu tiên thái quá cho khai thác quỹ đất và phát triển các khu ở.
Thiếu phản biện và giám sát
Trước đây, các cuộc họp về quy hoạch, kiến trúc và chủ trương đầu tư luôn được thực hiện công khai với sự có mặt của các đơn vị báo chí. Diễn biến các cuộc họp thường rất sôi nổi với những tranh luận rất khoa học và khách quan. Khi ấy, các đồ án thường được góp ý rất sâu về chuyên môn. Cũng có những dự án phải dừng lại ở phút chót bởi những ý kiến phản biện.
Từ khoảng 5 năm trở lại đây, báo chí không còn tiếp cận các cuộc họp này nữa. Mặc dù không thể phủ nhận tâm huyết của các cơ quan, đơn vị tham gia cuộc họp nhưng cũng xuất hiện không ít những ý kiến tham mưu khó có thể gọi là vô tư, trong sáng.
Vì sao có những khu đô thị mới lại thiếu đất trường học, cây xanh, bãi đỗ xe? Vì sao một số cao ốc căn hộ lại được phép mọc chen giữa khu dân cư đang thiếu chỉ tiêu hạ tầng? Vì sao có đề xuất những dự án đường giao thông chỉ để giải ngân, bất chấp quy hoạch? Vì sao có những nhà đầu tư đề xuất những dự án rất tích cực lại không được chấp thuận?
Một môi trường tham mưu thiếu giám sát ấy sẽ là cơ hội để xuất hiện những kiểu tham mưu có thể gọi là “tham mưu đen”. Với những thủ thuật ngụy biện, đánh tráo khái niệm, lý sự dông dài, không thiếu trường hợp những ý kiến “tham mưu đen” lại thắng thế.
Hoạt động phản biện của các tổ chức xã hội cũng còn khá hạn chế. Nhiều năm trước, Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch là tổ chức nghề nghiệp luôn đồng hành với chính quyền và có tiếng nói rất giá trị. Rất tiếc, vì nhiều lý do, hoạt động của Hội đồng này thưa dần và tạm chấm dứt sau Luật Quy hoạch 2017. Năm 2017, Hội đồng được tái thành lập nhưng gần như không hoạt động, sau đó thì chấm dứt hẳn bởi Thông tư 01/2019/TT-BXD của Bộ Xây dựng.
Các hội nghề nghiệp như Hội Kiến trúc sư, Hội Quy hoạch, Hội Xây dựng, Hội Cầu đường tuy không thiếu những những chuyên gia có năng lực và tâm huyết, thế nhưng việc tiếp cận các vấn đề cần phản biện lại khá hạn chế. Có thể các hội này vẫn được lấy ý kiến trong một số trường hợp, nhưng như vậy là chưa đủ.
Các chủ trương đầu tư, việc chọn địa điểm các dự án, chấp thuận phương án kiến trúc công trì vẫn được báo cáo hàng tuần trong các cuộc họp của UBND thành phố với sự tham mưu của các đại diện sở, ngành, các quận huyện.
Thực chất đó là các cuộc họp có tầm quan trọng đối với sự phát triển chung của đô thị, tuy nhiên lại thiếu sự tham mưu của các chuyên gia độc lập, các tổ chức phản biện xã hội và các đơn vị báo chí.
Cần một tâm thế mạnh mẽ
Với những lợi thế về thiên nhiên, nền tảng hạ tầng và yếu tố con người, Đà Nẵng hội đủ lợi thế để vươn tầm khu vực. Trước mắt, Đà Nẵng cũng đang nhận được sự ủng hộ để trở thành đô thị đặc biệt của quốc gia.
Đã đến lúc Đà Nẵng cần nhìn nhận và điều chỉnh lại những phương cách phát triển. Không thể dựa mãi vào những phương cách cũ và tư duy lối mòn. Đất đai cần được khai thác để tạo ra nguồn lợi lâu dài chứ không nên chỉ để thu tiền một lần như bán quặng, bán dầu thô, lúa non…
Các khu đô thị mới chỉ được đầu tư khi thực sự cần thiết và đúng kịch bản, không phát triển tràn lan. Cần đặt yêu cầu cao hơn về tiêu chí cho các khu đô thị mới như mật độ thấp, cây xanh nhiều, chỉ tiêu hạ tầng trên mức quy định, không chia lô bán nền mà xây dựng nhà để khai thác. Việc đặt ra các yêu cầu cao cho các dự án phát triển đô thị cũng là cách để lựa chọn các nhà đầu tư nhiều tâm huyết và giàu tiềm lực.
Để làm được như vậy tưởng dễ những không hoàn toàn thế. Đà Nẵng cần phải có một tâm thế mạnh mẽ hơn, tương xứng với tiềm năng và tiền đồ vốn có. Chỉ với tâm thế mạnh mẽ mới dám thay đổi tư duy lối mòn, xác lập lại vị thế đứng vững vàng, đĩnh đạc. Cũng chỉ với tâm thế mạnh mẽ mới có thể từ chối những dự án đầy cám dỗ nhưng không nhiều lợi ích cộng đồng, có thể lắng nghe những ý kiến phản biện thẳng thắn, gạt bỏ mọi hình thức “tham mưu đen”, mở ra một môi trường phản biện lành mạnh.
Đà Nẵng đã từng có những cá tính lớn để tạo dựng một hình hài đô thị như hôm nay. Thời điểm này chính là cơ hội và thách thức để Đà Nẵng đưa ra lựa chọn quyết định. Trăn trở thì cần nhiều nhưng lựa chọn chỉ nên có một. Phát triển vô định với những lợi ích nhãn tiền hay phát triển bền vững với hoài bão lớn lao và tinh thần cống hiến. Có lẽ không một người dân Đà Nẵng nào không mong muốn lựa chọn thứ hai.
KTS. Huy Trí
Trưởng phòng quản lý quy hoạch kiến trúc (Sở Xây dựng Đà Nẵng)
Theo