(Xây dựng) - Trường hợp công ty mẹ và công ty con là hai pháp nhân độc lập và công ty mẹ tham dự thầu thì chỉ dùng báo cáo tài chính của pháp nhân công ty mẹ để chứng minh năng lực tài chính của công ty mẹ.
Ảnh minh họa. |
Năm 2022, công ty A và công ty B có tự nguyện liên kết thành viên xác lập mối quan hệ công ty mẹ - công ty con (việc xác lập này được thông qua bằng một thỏa thuận tự nguyện liên kết thành viên – được ký giữa 2 công ty A và B). Công ty A là công ty mẹ, công ty B là công ty con. Hai công ty này có cùng lĩnh vực hoạt động là xây lắp.
Tại thời điểm tháng 4/2023, công ty A có báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 (báo cáo tài chính hợp nhất của công ty A và công ty B). Khi công ty A tham gia đấu thầu 1 gói thầu, có yêu cầu nộp báo cáo tài chính của 3 năm gần nhất 2020, 2021 và 2022.
Bà Đỗ Thị Ngân (Hà Nội) hỏi, như vậy, tại thời điểm kể từ tháng 4/2023 công ty A đấu thầu thì có sử dụng được báo cáo tài chính năm 2020 (báo cáo tài chính riêng lẻ của công ty A), báo cáo tài chính năm 2021 (báo cáo tài chính riêng lẻ của công ty A) và báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 hay không?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:
Theo Khoản 1 Điều 3 Luật Đấu thầu quy định hoạt động đấu thầu phải tuân theo quy định của Luật này và các quy định của pháp luật có liên quan.
Tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định việc đánh giá hồ sơ dự thầu phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và các yêu cầu khác trong hồ sơ mời thầu để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm và giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu.
Việc liên kết, hình thành công ty mẹ - công ty con thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Việc đánh giá năng lực tài chính của nhà thầu căn cứ các yêu cầu nêu trong hồ sơ mời thầu và trên cơ sở quy định của pháp luật đấu thầu. Trường hợp công ty mẹ và công ty con là hai pháp nhân độc lập và công ty mẹ tham dự thầu thì chỉ dùng báo cáo tài chính của pháp nhân công ty mẹ để chứng minh năng lực tài chính của công ty mẹ.
Khánh Diệp
Theo