(Xây dựng) - Điểm d Khoản 3 Điều 41 Luật Đầu tư 2020 quy định, dự án đầu tư kéo dài tiến độ thực hiện mà tổng thời gian đầu tư dự án vượt quá 12 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Ảnh minh họa. |
Điểm b Khoản 2 Điều 43 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định: "b) Khi điều chỉnh nội dung dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 41 của Luật Đầu tư, nhà đầu tư không phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư".
Người dân thắc mắc, dự án đầu tư muốn gia hạn thời gian thực hiện dưới 12 tháng có phải thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án hay không? Cụ thể thủ tục đó như thế nào?
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:
Theo Điểm d Khoản 3 Điều 41 Luật Đầu tư: "Nhà đầu tư có dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
… d) Kéo dài tiến độ thực hiện dự án đầu tư mà tổng thời gian đầu tư dự án vượt quá 12 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu".
Theo Điểm b Khoản 2 và Khoản 3 Điều 43 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư:
Đối với dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, khi điều chỉnh nội dung dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 41 của Luật Đầu tư, nhà đầu tư không phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 41 của Luật Đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có) theo quy định tại Điều 47 của Nghị định này.
Tiến Hào
Theo