(Xây dựng) - Đã có một Trường Sa xanh giữa ngàn trùng sóng vỗ, nơi ấy có sự bình yên của một miền thôn quê, có một chút đô thị thời kỳ công nghiệp 4.0 và hơn hết là ý chí và quyết tâm tạo dựng để quần đảo trở thành những chốt tiền tiêu chiến lược của Tổ quốc ở nơi đầu sóng.
Vì một Trường Sa xanh, sạch, chính quy
Một góc doanh trại đảo Phan Vinh. |
Sau mười năm mới trở lại Trường Sa, Đại tá, NSNA Đoàn Hoài Trung, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh thực sự bất ngờ trước sự đổi thay của Trường Sa hôm nay.
Theo ông, sự đổi thay của Trường Sa không chỉ là những công trình bề thế, tiện ích hơn như âu tàu, làng chài, nhà văn hóa đa năng... mà chính là môi trường, chất lượng cuộc sống của quân dân nơi đây đã thực sự “gần” với đất liền hơn. Vì thế, trong bộ sách ảnh mới phát hành về Trường Sa của ông có đến ½ là hình ảnh về Trường Sa xanh, sạch, đẹp, ấm tình quân dân nơi đầu sóng. Câu chuyện bên ấm trà đầu xuân mới, NSNA Đoàn Hoài Trung tâm rất đắc với những việc làm, ý tưởng để cuộc sống quân dân nơi đầu sóng ngày càng tốt hơn.
Xanh hóa Trường Sa là một câu chuyện dài, bởi nó luôn là trăn trở, mong muốn của đất liền suốt những năm qua. Trên nền cát mặn, san hô, nhất là khí hậu khắc nghiệt nên mỗi một cây xanh sinh tồn trên đảo đều thấm đẫm mồ hôi công sức của quân dân nơi đây. Sau bao năm tạo dựng, các đảo như Song Tử Tây, Trường Sa, Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết... đã có màu xanh ngút ngàn, tươi mát. Tuy nhiên, đã có sự thay đổi, ít ra là chủ trương, cách làm sau những trận bão đổ bộ vào quần đảo những năm gần đây. Chỉ riêng trận bão số 9 tháng 12 năm 2021, có hơn 90% cây xanh ở các đảo đã ngãy, đổ, đất bị nhiễm mặn, nhiều đảo đã không còn màu xanh. Bàng hoàng, tiếc nuối rồi cũng qua đi để nhường chỗ cho ý chí quyết tâm và cả bao tâm huyết, công sức để đem lại màu xanh cho toàn quần đảo.
Thượng tá Lương Xuân Giáp, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 146 chia sẻ: Chỉ tính 5 năm trở lại đây đất liền đã ủng hộ quân dân Trường Sa hơn 34.000 cây xanh các loại, chưa kể hàng trăm tấn đất, hàng chục tấn phân bón, giống cây, hàng chục vườn ươm của mô hình “Vì Trường Sa xanh” của quân dân Trường Sa để quần đảo phát triển bền vững hơn. Thay vì phụ thuộc vào cây xanh nguồn gốc tự nhiên trên đảo như phong ba, mù u, bàng vuông, hiện nay các đảo đều được qui hoạch trồng mới các loại cây xanh như dừa Bến Tre, Bình Định, phi lao, tre, keo bạch đàn... Đây là những loại cây xanh sau nhiều năm phát triển có thể khai thác để phục vụ đời sống, sinh hoạt, huấn luyện của quân dân trên đảo.
Theo Đại tá Vũ Văn Hinh, Trưởng phòng Quân nhu Hải quân: Thành công nhất của Ngành hậu cần Hải quân trong vài năm trở lại đây chính là đã có bước đột phá về bảo đảm môi trường sống gắn với nâng cao đời sống cho quân dân Trường Sa, DK1 theo hướng chính qui, bền vững. Trước đây để bảo đảm nguồn thực phẩm cho bộ đội, có thời điểm số lượng đàn heo toàn quần đảo lên đến 300 con. Biết là nuôi nhiều heo thì ô nhiễm nhưng đó là nguồn thực phẩm quan trọng, không dễ gì thay thế ngày một ngày hai. Tuy nhiên, khi Trường Sa ngày càng phát triển thì bất cập của việc nuôi nhiều heo rất dễ nhận thấy đó chính là ô nhiễm môi trường. Ở những khu chăn nuôi mang tính chất tự phát, chưa qui hoạch thì mùi hôi và ô nhiễm từ nuôi heo đã gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe bộ đội.
Cùng với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Tư lệnh Quân chủng, từ năm 2021 Vùng 4 và Lữ đoàn 146 đã quyết tâm khắc phục tình trạng chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, mất vệ sinh bằng việc bảo đảm lương thực, thực phẩm theo hướng chính qui, bền vững, bảo đảm môi trường sống trong sạch cho bộ đội. Sau một năm triển khai thực hiện, có những lúc gặp không ít khó khăn do không ít cán bộ, chiến sĩ vẫn “vương vấn” với việc nuôi heo để thỉnh thoảng còn có bữa ăn tươi. Tuy nhiên với quyết tâm cao, đến nay số lượng heo các đảo hiện chỉ còn trên dưới 60 con, giảm 75% (chỉ nuôi 1-2 con ở đảo nổi, có qui hoạch khu nuôi riêng, 1 con ở đảo chìm), tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc nuôi heo trên đảo. Qua kiểm tra Trường Sa mới đây, đồng chí Tư lệnh Quân chủng rất hài lòng về việc cán bộ, chiến sĩ các đảo tự giác giảm và chấm dứt nuôi gia súc để bảo vệ môi trường sống và sức khỏe cộng đồng.
Tăng gia, chế biến tập trung theo hướng hiện đại
Trước đây, nguồn thực phẩm bảo đảm từ việc tăng gia sản xuất và khai thác nguồn thu từ nuôi gia súc, gia cầm ở các đảo và thịt hộp dự trữ chiếm đến trên 50% nhu cầu thực phẩm hàng ngày của bộ đội. Tuy nhiên do tăng gia tự phát, nhỏ lẻ, chưa được đầu tư chưa đúng mức nên nguồn tự cung tự cấp không ổn định, nhất là về mùa khô, rau xanh khó phát triển nên đời sống bộ đội gặp không ít khó khăn. Cùng với thay đổi mô hình cung cấp nguồn thực phẩm tươi sống, năm vừa qua Quân chủng, Vùng 4 và Lữ đoàn 146 đã huy động các doanh nghiệp, địa phương ủng hộ xây dựng 13 vườn rau, nhà lưới ở các đảo nổi và đầu tư củng cố hàng chục vườn rau tại các đảo chìm. Riêng 2 vườn rau nhà lưới tại đảo Sinh Tồn Đông và Trường Sa Đông với diện tích 240m2 do Viện Nông nghiệp miền Nam, Bộ NN và PTNN hỗ trợ mở ra ý tưởng mới về công nghệ trồng rau nhà kính, bảo đảm nguồn rau xanh quanh năm ở Trường Sa trong thời gian tới.
Quân dân đảo Sơn Ca giao lưu văn nghệ dưới tán cây bàng vuông, phi lao. |
Tham quan các vườn rau được trồng mới, hiệu quả theo mô hình nhà màng ở đảo Nam Yết tháng 5 vừa qua, Thượng tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh “Đây là mô hình phù hợp với điều kiện đặc thù ở đảo, Cục Quân nhu cần nghiên cứu để có hướng đầu tư, nhân rộng trong thời gian tới”. Theo Thượng tá Nguyễn Sĩ Sơn, Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết, nhờ tăng gia tập trung theo mô hình mới, năm vừa qua lượng rau xanh trên đảo đạt đến 13.000 kg, đủ lượng rau xanh cho bộ đội sử dụng hàng ngày trên đảo.
Thiếu tá Nguyễn Hồng Tiến, Chính trị viên đảo Trường Sa Đông và vườn rau thực phẩm sạch cho đảo. |
Cùng với việc đầu tư nhà màng, nhà kính để tăng hiệu quả tăng gia, nét mới trong đảm nguồn thực phẩm cho các đảo là cấp mới hàng chục tủ cấp đông cho các đảo để dự trữ thực phẩm đông lạnh và tăng cường củ quả tươi. Với các đợt vận chuyển hàng cùng với các lần thay quân, Cục Hậu cần, Vùng 4 và Lữ đoàn 146 vẫn bảo đảm đủ nguồn thực phẩm cho các đảo trong điều kiện chăn nuôi gia súc trên các đảo cắt giảm đến 75% trong năm qua. Quân chủng còn chủ động làm việc với Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành có ngư dân đánh bắt gần các đảo (thông qua Công ty TNHH MTV Hải sản Trường Sa) để thu mua gần 15 tấn cá tươi, nhờ đó tăng định mức bảo đảm thực phẩm tươi cho các bếp ăn ở đảo, nhà giàn.
Theo Đại tá Vũ Văn Hinh, mới đây Bộ Quốc phòng đã nhất trí cho xây dựng khu tăng gia, chế biến tập trung cho Vùng 4 để triển khai ở các đảo, sau khi hoàn thành sẽ có thêm các kho lạnh ở 10 đảo nổi sẽ giải quyết căn cơ việc dự trữ thực phẩm đông lạnh phục vụ tốt đời sống cho quân dân trên đảo và nhiệm vụ SSCĐ. Niềm vui lớn nhất là theo chỉ đạo của Tư lệnh Quân chủng trước Tết này 2 kho lạnh ở Song Tử và Sơn Ca sẽ được lắp đặt, làm cơ sở để triển khai mở rộng trong năm tới.
Và những ước mong...
Dù đất liền và quân dân trên đảo cùng chung tay, góp sức nhưng để xanh hóa Trường Sa nhưng so với nhu cầu hiện nay việc đầu tư để Trường Sa phát triển bền vững rất cần nguồn lực lớn, cả trước mắt và lâu dài. Chỉ riêng 5 năm qua đã có gần 35.000 cây xanh các địa phương, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ, tuy nhiên so với nhu cầu phủ xanh quần đảo thì chỉ mới đáp ứng được khoảng hơn 45%. Tại buổi lễ tiếp nhận 200 tấn phân bón của Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau tặng Trường Sa trị giá 1,8 tỷ đồng mới đây, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đình Hùng, Tư lệnh Vùng 4 khẳng định, đây không chỉ là tấm lòng của 10.000 cán bộ, nhân viên Công ty mà còn là thông điệp có ý nghĩa khi “Hạt ngọc mùa vàng” đã vượt ra ngoài phạm vi đồng lúa, nương rau ở quê hương để vượt biển đem đến màu xanh, “mùa vàng bội thu” cho quân dân ở nơi đầu sóng. Lượng phân bón quí giá này sẽ đem lại rất nhiều màu xanh cho đảo trong những năm tới.
Chiến sĩ đảo Trường Sa chăm sóc cây xanh. |
Nhìn những hàng dừa chỉ mới hơn 2 năm tuổi nhưng phát triển tươi tốt ở đảo Phan Vinh, nhiều khách đất liền không khỏi ngạc nhiên khi cán bộ, chiến sĩ trên đảo thuần hóa, chăm sóc được loại cây vốn không chịu khí hậu khắc nghiệt như ở Trường Sa. Trung tá Nguyễn Quang Trung, Chỉ huy trưởng cho biết, từ kinh nghiệm của một số anh em ra đảo trước, nhất là từng công tác ở Nam Yết- được mệnh danh là đảo dừa nên việc chăm sóc không khó lắm, tuy nhiên điều cần nhất là phải che chắn thật tốt giai đoạn cây mới phát triển, phải tưới nước và bón phân đầy đủ. Mỗi cây dừa khi phát triển cung cấp từ 30-40 quả/năm, đây sẽ là loại cây phục vụ rất thiết thực đời sống bộ đội. Tuy nhiên so với diện tích còn trống hiện tại, rất cần sự chung tay của đất liền để có thêm màu xanh cho đảo.
Hiện nay, bên cạnh việc xanh hóa thì phát triển nguồn năng lượng sạch, có thêm các phương tiện để lọc nước biển thành nước ngọt là những ưu tiên của Ngành hậu cần Hải quân đối với quân dân các đảo. Do khí hậu đặc thù nên chất lượng các hệ thống năng lượng sạch và lọc nước rất nhanh xuống cấp, cần thay thế, bảo dưỡng kịp thời. Chị Nguyễn Xuân Thùy, hộ dân xã đảo Sinh Tồn chia sẻ: Những ngày mưa trên đảo thì mát mẻ nhưng tại vì không có nắng nên pin mặt trời không đủ điện để cung cấp năng lượng cho đảo. Hệ thống điện gió cũng thế, những ngày đảo ít gió thì coi như tối hôm đó cả đảo thiếu điện, vì thế mong ước có điện thường xuyên để sinh hoạt, học tập vẫn là mong ước bình dị nhất của quân dân Trường Sa.
Một mùa xuân mới lại về với quân dân Trường Sa, khát vọng xanh hóa và những ước mong gần với đất liền vẫn đang mong chờ sự chung tay tiếp sức của các bộ, ngành, các nhà hảo tâm và nhân dân cả nước để Trường Sa mãi mãi sắc xuân.
Box: Năm vừa qua số lượng đất màu trồng rau được mang ra đảo lên đến 30 tấn, phân hữu cơ là vi sinh là 19, 1 tấn; hạt rau là 1.800 kg; các đảo nổi tăng gia được 78.950 kg rau xanh, vượt 102% kế hoạch năm; thịt các loại là 17.195 kg. Các đảo chìm cũng tăng gia được 25.390 kg rau củ quả các loại, vượt 105%; tổng giá trị thu được từ tăng gia đạt gần 3 tỷ đồng.
Nhi Nhi
Theo