(Xây dựng) - Sau hơn 10 năm, huyện Chương Mỹ đã về đích nông thôn mới với những thành tích nổi bật. Đây là kết quả của sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương trong xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân.
Quá trình xây dựng nông thôn mới tại huyện Chương Mỹ đã làm thay đổi diện mạo các xã (Ảnh: Q.T). |
Những thành quả xứng đáng
Trong giai đoạn 2010 - 2020, tổng nguồn lực huy động thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên toàn huyện Chương Mỹ là hơn 7.560 tỷ đồng; riêng người dân tự nguyện đóng góp hơn 1.245 tỷ đồng và hơn 98 nghìn ngày công lao động, hiến 2.300m2 đất thổ cư, 58ha đất nông nghiệp để mở rộng làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng.
Quá trình triển khai, huyện không phát sinh nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Toàn bộ 30/30 xã đều đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt, huyện đã hoàn thành tất cả 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới với thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 62,5 triệu đồng/năm.
Theo đại diện lãnh đạo huyện, thời gian qua huyện đã tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành Nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp; áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và cơ giới hóa trong ngành Trồng trọt.
Chủ động phòng chống thiên tai, phòng chống dịch bệnh. Khuyến khích đầu tư phát triển các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh liên kết, liên doanh theo chuỗi phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững.
Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở nông thôn (như đường giao thông, điện, viễn thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, thủy lợi nội đồng) của huyện được đầu tư nâng cấp toàn diện. Hệ thống chính trị được xây dựng vững mạnh, tình hình an ninh, trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong huyện được nâng cao.
Có thể thấy rằng, Chương Mỹ đã thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo; nâng cao công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, chất lượng công tác y tế. Đặc biệt, chú trọng tạo việc làm ổn định, cải thiện môi trường lao động, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng sống cho người lao động.
Theo ông Nguyễn Đình Hoa, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ: Thời gian tới đây, huyện cũng sẽ tập trung khai thác các tiềm năng lợi thế về đất đai, lao động, cơ sở vật chất kỹ thuật để phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế; khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Phát triển vùng sản xuất lúa chuyên canh tập trung, nâng cao tỷ trọng diện tích lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ. Mở rộng diện tích sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, hữu cơ.
Đồng thời, mở rộng các hình thức dịch vụ của doanh nghiệp, HTX trong cung ứng dịch vụ nông nghiệp. Đẩy mạnh xây dựng thị trường, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Hoàn thiện hạ tầng, kết nối giao thông
Trong giai đoạn 2010 - 2020, để tạo ra sự đột phá về hạ tầng giao thông, thúc đẩy các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới, huyện đã đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng xây mới, cải tạo nâng cấp 582,675km đường giao thông nông thôn.
Cụ thể, xây mới 11km (0,205km đường trục xã, liên xã, 10,795km đường trục thôn, liên thôn), kinh phí đầu tư 842.000 triệu đồng và cải tạo, nâng cấp 571,675km (34,908km đường trục xã, liên xã 117,926km đường trục thôn, liên thôn; 418,841km đường ngõ xóm), với kinh phí đầu tư 638.955 triệu đồng. Năm 2021 huyện tiếp tục đầu tư 206.000 triệu đồng cải tạo, nâng cấp 19,5km đường giao thông (8,3km đường huyện; 6,2km đường xã; 5km đường ngõ xóm).
Tổng nguồn vốn đã bố trí thực hiện chương trình giai đoạn từ năm 2010 đến hết năm 2021 là 7.559.948 triệu đồng. Với nguồn vốn lớn này, hạ tầng nông thôn của huyện tạo được sự đột phá lớn trên toàn Thành phố Hà Nội.
Giai đoạn 2021 - 2025, huyện tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới 69 dự án giao thông, thủy lợi với tổng kinh phí 1.414.359 triệu đồng. Là cửa ngõ phía Tây của thành phố, trong năm 2022 huyện Chương Mỹ được UBND Thành phố Hà Nội đầu tư dự án cải tạo Quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai có chiều dài 23,1km (riêng đoạn qua huyện Chương Mỹ khoảng 20km), vốn đầu tư 8.113 tỷ đồng. Đây được coi là dự án quan trọng kết nối Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc, cùng với các dự án giao thông khác đã và đang được triển khai trên địa bàn, góp phần thay đổi bộ mặt hạ tầng nông thôn huyện Chương Mỹ.
Cấp ủy, lãnh đạo huyện luôn xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ “chỉ có điểm khởi đầu - không có điểm kết thúc”. Vì vậy, Chương Mỹ đã và đang tiếp tục phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới phát triển năng động; phấn đấu đến giai đoạn 2020-2025 có cơ sở hạ tầng hiện đại.
Trong tương lai, việc Hà Nội đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đi qua địa bàn huyện như: Đường trục phát triển kinh tế Bắc - Nam, đường Tố Hữu kéo dài, đường Hà Đông - Xuân Mai và đẩy nhanh tiến độ dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 được coi là động lực để Chương Mỹ thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2021 - 2025.
Xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) với hệ thống đường giao thông được bê tông hóa ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn (Ảnh: H.H). |
Với những kết quả đạt được, ngày 25/8/2022, huyện Chương Mỹ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 (theo Quyết định số 634/QĐ-TTg).
Trong thời gian tới, huyện Chương Mỹ tiếp tục trao đổi kinh nghiệm với các quận, huyện, địa phương trong phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, Hà Nội sớm ban hành Bộ tiêu chí xã, huyện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở để huyện để sớm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Đến hết năm 2020, toàn bộ 30/30 xã của huyện Chương Mỹ đều đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; huyện cũng đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Trong đó nhiều nhóm tiêu chí đạt kết quả cao như: 100% đường trục xã, liên xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện đã được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% đường trục thôn liên thôn, đường ngõ xóm đã được bê tông hóa và đạt chuẩn theo quy định; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 90,1% (tăng 39,64% so với năm 2010)...
Minh Khánh
Theo