(Xây dựng) - Tiết thu êm ả những sớm mai tầng không trong vắt. Chớm hanh hao nắng phía trời đông bảng lảng mây lọc qua rặng tre xanh mướt đầu làng. Tiếng chim cu gù hối hả như trong tầm tay lại như rất xa vời. Cữ gáy đầu hôm như là tiếng chuông báo hiệu gọi bạn. Nhiều giọng gáy thiết tha bồi hồi đáp lại từ những làng mạc xung quanh. Với làng quê Bắc bộ thì tiếng chim cu gáy dường như cũng là một đơn vị phân chia lãnh thổ. Những ngôi làng cổ có lũy tre dày bao bọc và những cổng làng uy nghi bề thế dù nằm không quá xa nhau nhưng phân biệt địa giới rất rõ ràng. Tiếng chim cu gáy như một cầu nối vô hình sẻ chia thương nhớ.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Người Hà Nội vài mươi năm trước chỉ cần quá bộ qua bên kia cầu Long Biên vài ba cây số là đã có thể bắt gặp những ngôi làng cổ kính nằm dọc theo hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống. Những cánh đồng màu ngoài bãi xanh mướt ngô non. Cây lạc, cây đậu, cây vừng trồng xen vào những khoảnh ruộng nhỏ. Cây kê và cỏ hạt cũng chen chân hoang dã không cần gieo trồng. Bên trong đê là những ruộng lúa liền bờ mơn mởn hai vụ chiêm mùa. Thức ăn tự nhiên của chim gáy chỉ có ngần ấy thôi. Loài chim ăn trường chay suốt cuộc đời luôn có đủ lương thực cho cả bốn mùa. Như một lẽ tự nhiên, làng quê suốt bốn mùa được nghe tiếng gáy thân thương của loài chim gần gũi nhất với con người. Loài chim có sức lực bay xa này còn một nơi cư trú khác trên những tàng cây cổ thụ trong thành phố. Những hàng cây gạo ven đê chỗ nhà Bác Cổ. Vườn cây cổ thụ trong khu vực Bệnh viện Hữu Nghị và Bệnh viện 108. Những cây đa cây sưa khổng lồ trên phía vườn Bách Thảo. Vài mươi năm trước thành phố vẫn vang tiếng chim cu gáy nhắc nhở những thời khắc mùa vụ làng quê.
Buổi trưa là lúc giọng cu gáy sung sức nhất. Con trống gù vang. Con mái mềm mại dịu dàng đáp lời. Có lẽ đây cũng là loài chim duy nhất cả con trống và con mái đều cất giọng tình tự. Hình như đó là thói quen nguyên thủy đồng hành với trò chơi hát xướng dân gian của cư dân đồng bằng Bắc bộ. Hát Quan họ, hát Xoan, hát Ghẹo, hát Cửa đình, hát Phường vải… Có khác chăng chỉ là cu gáy suốt đời không đổi giọng và âm. Giọng trơn, giọng một, giọng hai, giọng ba. Âm thổ, âm đồng, âm son, âm kim. Ngày mùa, chim cu gáy no nê kéo về thành phố từ lúc quá trưa sang chiều. Cất tiếng gáy râm ran trong những vòm cây rậm rạp. Thành phố yên tĩnh có thể nghe được tiếng chim gù từ những vùng ô cửa vọng vào mà hình dung ra kích thước phố phường. Người sành chơi nghe tiếng con chim cu hoang dã ở nơi nào đó trong thành phố gáy vài lần là có thể nằm lòng. Nó có thể bỏ đi, nhiều năm sau quay lại vẫn có thể nhận ra đúng giọng con chim cũ.
Thành phố bây giờ đã hoàn toàn vắng tiếng chim cu hoang dã. Dù cho những tàng cây cổ thụ trong phố vẫn còn nguyên. Những người cho chim sành sỏi vẫn ngày một nhiều lên. Quanh bán kính mười lăm cây số thành phố bây giờ không còn ai trồng trọt nữa. Khoảng cách đã trở nên quá sức với loài chim hàng ngày phải ra đồng ruộng kiếm ăn. Tiếng chim cu gọi chiều chỉ còn thảng hoặc trong những chiếc lồng bụi bặm ai đó treo trên gác cao. Tiếng cu gáy trầm bổng xao lòng bị giam hãm trong những khoảng không gian bức bối gạch đá, bê tông, sắt thép và kính. Bị giam hãm trong cái ồn ào bất tận người và xe suốt đêm ngày.
Chiều quê nhung nhớ vời vợi xa…
Đỗ Phấn
Theo