(Xây dựng) - Ông Nguyễn Công Tạng (Bình Định) đang thực hiện một dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh. Dự án được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư và UBND tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 10/2015 với tổng mức đầu tư là 300 tỷ đồng; trong đó chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng là 25 tỷ đồng.
Ảnh minh họa (nguồn: TL). |
Dự án được phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công – dự toán xây dựng và khởi công vào tháng 9/2017, tuy nhiên đến tháng 12/2023 mới thực hiện xong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
Theo các quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do UBND cấp huyện phê duyệt từ năm 2018 đến nay thì tổng chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng đến nay là 28 tỷ đồng, tăng 3 tỷ đồng so với chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng được duyệt trong tổng mức đầu tư nhưng không vượt tổng mức đầu tư đã đuyệt. Phần tăng thêm được lấy từ chi phí dự phòng của dự án.
Khi làm thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước thì đơn vị không đồng ý thanh toán với lý do chi phí đền bù đã vượt so với chi phí đền bù được duyệt trong tổng mức đầu tư và đề nghị phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, tăng chi phí đền bù lên theo để có cơ sở thanh toán theo đúng quy định.
Hiện nay, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP không quy định về điều chỉnh cơ cấu các khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư. Ông Tạng hỏi, vậy khi làm thủ tục thanh toán đối với các hạng mục chi phí có giá trị tăng hơn so với giá trị được duyệt trong tổng mức đầu tư (cụ thể ở đây là chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng) thì có cần phải phê duyệt điều chỉnh lại tổng mức đầu tư theo yêu cầu của Kho bạc hay không?
Đối với dự án này thì nội dung thẩm định, thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chi phí đầu tư xây dựng áp dụng theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 44 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng hay áp dụng theo quy định của Nghị định số 32/2015/NĐ-CP tại thời điểm phê duyệt dự án?
Trong trường hợp cụ thể, bắt buộc phải phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư, cập nhập lại chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng (có thể tăng hoặc giảm nhưng không vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt) thì thẩm quyền thẩm định và phê duyệt là của chủ đầu tư hay người quyết định đầu tư?
Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:
Việc áp dụng pháp luật tương ứng thời điểm thực hiện dự án đầu tư và quy định chuyển tiếp.
Các trường hợp điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng được quy định tại Khoản 5 Điều 134 Luật Xây dựng và Điểm đ Khoản 18 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Trường hợp dự án thực hiện theo quy định của Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng thì điều chỉnh tổng mức đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 32/2015/NĐ-CP.
Trường hợp dự án thực hiện theo quy định của Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 9/2/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng thì điều chỉnh tổng mức đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP.
Ngọc Linh
Theo