(Xây dựng) - Cao Bằng là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc của Tổ quốc, trong những năm qua đã có nhiều bước tiến quan trọng trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng của Cao Bằng còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do vậy, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới.
Trung tâm hành chính tỉnh Cao Bằng mới được đầu tư xây dựng. |
Hạ tầng còn hạn chế
Theo Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng (giao thông, du lịch, cửa khẩu, đô thị, hạ tầng số) trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2025 được Tỉnh ủy Cao Bằng ban hành ngày 11/11/2021, trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 6.000km đường bộ. Trong đó có 714km đường quốc lộ, hơn 1.000km đường tỉnh, 1.400km đường huyện và hơn 3.500km đường xã. Tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường quốc lộ, tỉnh lộ là 100%, đường huyện là 76%, đường xã, thôn xóm là 74%, đường trục chính nội đồng là 55%.
Mạng lưới đường bộ trên địa bàn tỉnh khá lớn, tuy nhiên hầu hết các tuyến đường được đầu tư đã lâu, một số tiêu chuẩn kỹ thuật không còn đáp ứng được sự an toàn khi tham gia giao thông của các phương tiện có kích thước và tải trọng lớn. Hệ thống quốc lộ phần lớn được thiết kế với tải trọng và lưu lượng xe hạn chế, vẫn còn đến 49% tổng chiều dài là đường cấp V.
Cùng với đó, từ năm 2015 đến nay, hệ thống đường quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh không được đầu tư cải tạo, nâng cấp. Nhiều tuyến đường tỉnh được đầu tư đã lâu, quy mô kỹ thuật thấp, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân. Hầu hết các tuyến đường huyện thiết kế với quy mô kỹ thuật thấp, kết cấu mặt đường mỏng, hệ thống thoát nước còn thiếu nhiều dẫn tới nền mặt đường bị xói lở trong mùa mưa.
Về mặt hạ tầng du lịch, tỉnh Cao Bằng đánh giá, du lịch của tỉnh những năm qua có bước phát triển khá mạnh, nhiều dự án đầu tư phát triển hạ tầng du lịch được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa và đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, hạ tầng du lịch vẫn là một trong những điểm yếu của du lịch địa phương. Hệ thống giao thông nội vùng tại các điểm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, khám phá vùng biên chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Số lượng cơ sở lưu trú du lịch chất lượng cao có mức độ tăng trưởng chậm. Hệ thống nhà hàng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của khách du lịch, các khu vui chơi giải trí phục vụ du lịch còn thiếu, chưa có các hoạt động thu hút, kéo dài thời gian lưu trú, tham quan, giải trí cho du khách.
Với trên 333km đường biên giới trên đất liền tiếp giáp với Trung Quốc, phát triển kinh tế cửa khẩu được xem là tiềm năng, thế mạnh của địa phương, kết cấu hạ tầng cửa khẩu đã và đang được đầu tư xây dựng. Giai đoạn 2016 - 2020, khu kinh tế cửa khẩu được lựa chọn là 1 trong 9 khu kinh tế trọng điểm, việc đầu tư cơ sở hạ tầng và hoạch định chính sách phát triển khu kinh tế cửa khẩu là trọng tâm trong chương trình phát triển kinh tế đối ngoại của tỉnh. Tuy nhiên, Tỉnh ủy Cao Bằng nhận định, hiện các dự án đầu tư chủ yếu tập trung cho cửa khẩu Tà Lùng, Trà Lĩnh, còn các cửa khẩu Lý Vạn, Pò Peo, Hạ Lang và các lối mở biên giới khu vực này vẫn chưa được quan tâm đầu tư. Nguồn ngân sách địa phương còn hạn chế, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn ngân sách Trung ương, chưa đảm bảo được nhu cầu vốn cho đầu tư.
Về hạ tầng đô thị, tỉnh có 15 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại III (thành phố Cao Bằng); 14 đô thị loại V, gồm 14 thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 23,91%. Nhìn chung các đô thị trên địa bàn tỉnh còn có quy mô nhỏ, mật độ tập trung dân số chưa cao, khả năng cân đối thu chi ngân sách nhiều đô thị chưa đảm bảo. Mặt khác, hệ thống quy hoạch xây dựng chậm được điều chỉnh, quy hoạch của một số đô thị chưa được lập. Ngoài ra, thiếu quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị tại các đô thị, tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết toàn tỉnh còn thấp. Hệ thống giao thông đô thị chưa đồng bộ, hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt đô thị chưa được đầu tư, việc triển khai thực hiện các dự án phát triển đô thị, dự án nhà ở tại các đô thị còn nhiều vướng mắc.
Đối với hạ tầng số, Tỉnh ủy Cao Bằng cho rằng, việc phát triển và xây dựng hạ tầng số đồng bộ, hiện đại phục vụ chính quyền số là xu hướng phát triển của thế giới nói chung và sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam nói riêng trong giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, trung tâm dữ liệu tỉnh được trang bị đã lâu, đến nay không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của một trung tâm dữ liệu cấp tỉnh. Hệ thống máy tính nhiều đơn vị chất lượng không đảm bảo. Kinh phí chi cho hoạt động công nghệ thông tin còn thấp so với mức bình quân các tỉnh, thành. Chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin của tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.
Tăng nguồn lực đầu tư
Từ thực trạng trên, tỉnh Cao Bằng xác định phát triển kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của tỉnh. Trong đó, tỉnh xác định đến năm 2025 sẽ tập trung phát triển một số công trình trọng điểm về giao thông, hạ tầng cửa khẩu, đô thị, du lịch trên địa bàn nhằm từng bước khắc phục điểm nghẽn, nút thắt về kết cấu hạ tầng, phát huy thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ đó, nâng cao đời sống nhân dân, mở ra không gian phát triển, tạo quỹ đất, nuôi dưỡng nguồn thu, thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia nghiên cứu, đầu tư tại tỉnh. Đồng thời, xây dựng hạ tầng thông tin hiện đại, chuẩn hóa, đồng bộ nhằm kết nối các cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu đề ra, Cao Bằng hiện đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo ông Hoàng Xuân Ánh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng tỉnh, khó khăn đầu tiên là về nguồn vốn đầu tư. Tổng nhu cầu vốn đầu tư thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU là hơn 45,7 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay tổng nguồn vốn đã được phân bổ để thực hiện chương trình mới đạt hơn 9,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 19,92% tổng nhu cầu vốn. Trong khi đó, công tác thu hút đầu tư ngoài ngân sách còn hạn chế, số lượng nhà đầu tư đến tìm hiểu về môi trường đầu tư và thực hiện đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Mặc dù tỉnh đã tích cực triển khai công tác xúc tiến, thu hút đầu tư nhưng chỉ thu hút được một số dự án có quy mô vừa và nhỏ.
Ông Hoàng Xuân Ánh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng tỉnh chủ trì cuộc họp. |
Bên cạnh đó là khó khăn về cơ chế, chính sách. Hiện nay, một số quy định của pháp luật còn chồng chéo, gây khó khăn cho địa phương trong triển khai thực hiện. Đặc biệt là các quy định về chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang đất xây dựng dự án; trình tự, thủ tục phức tạp, thời gian kéo dài, ảnh hưởng lớn đến đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án nói chung. Đặc biệt là dự án đầu tư xây dựng đường giao thông do trải dài theo tuyến nói riêng; một số quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng bất cập, chưa tạo được sự ủng hộ và đồng thuận cao của người dân. Mặt khác, ảnh hưởng của tình hình kinh tế - xã hội chung của cả nước thời gian qua, các nhà đầu tư bất động sản gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh đang chững lại nên các dự án phát triển đô thị được quan tâm nhưng các nhà đầu tư mạnh dạn đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, làm tiến độ các dự án phát triển đô thị còn chậm.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên bố trí vốn đầu tư từ ngân sách của tỉnh để đầu tư các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm. Tiếp tục đề xuất với Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương xem xét, ưu tiên bổ sung nguồn vốn cho tỉnh Cao Bằng để triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 và dự án cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng. Song song với đó, chỉ đạo tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung danh mục thu hút đầu tư vào các lĩnh vực giao thông, du lịch, cửa khẩu, đô thị, hạ tầng số. Xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng có quy mô lớn, có tính chất lan tỏa nhằm thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, đề xuất với Bộ, ngành Trung ương về việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như tỉnh Cao Bằng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật còn chồng chéo, chưa phù hợp; tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương triển khai thực hiện. Tiếp tục chỉ đạo tăng cường phối hợp giữa các Chủ đầu tư với các Sở, Ban ngành, UBND các huyện, thành phố Cao Bằng trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc các chủ đầu tư, các nhà thầu thi công tổ chức triển khai thực hiện các đề án, dự án đầu tư để đảm bảo kế hoạch, tiến độ đề ra; kịp thời khắc phục, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm (nếu có).
Đinh Vũ – Nguyễn Sơn
Theo