(Xây dựng) – Báo điện tử Xây dựng nhận được phản ánh của bạn đọc về những dấu hiệu “bất thường”, đặc biệt, có dấu hiệu cài cắm tiêu chí thầu, tạo ra “hàng rào kỹ thuật” nhằm loại bỏ nhiều nhà thầu có năng lực tốt tại Dự án cầu Trần Hoàng Na thuộc gói thầu CT3-PW-2.4 (thành phố Cần Thơ). Ngoài ra, việc chỉ định sử dụng thép do nhà sản xuất Huyndai gây ra nguy cơ chậm tiến độ, tăng giá hoặc việc lựa chọn nhà thầu phụ không đủ năng lực cũng tạo rất nhiều khó khăn cho nhà thầu chính.
Nhịp giữa cầu Trần Hoàng Na khó hoàn thành trong năm 2022. |
Theo phản ánh của bạn đọc Báo điện tử Xây dựng, công trình cầu Trần Hoàng Na là công trình trọng điểm thuộc gói thầu CT3-PW-2.4 - Xây dựng cầu Trần Hoàng Na thuộc Dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị. Cầu có giá trị dự toán xây dựng là 847 tỷ đồng, thi công trong vòng 34 tháng, được kỳ vọng giải quyết kết nối giao thông đô thị giữa quốc lộ 1 với các tuyến trung tâm thành phố Cần Thơ. Đơn vị trúng thầu là Liên danh Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1 (viết tắt là Cienco 1), CTCP – Công ty cổ phần Cầu 14 (gọi tắt là nhà thầu). Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án ODA thành phố Cần Thơ đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật từ hồ sơ mời thầu đến quá trình thực hiện hợp đồng như sau:
Một là: Có dấu hiệu “cài cắm” một số tiêu chí vào hồ sơ mời thầu (HSMT), với những tiêu chí có lợi cho một số ít nhà thầu và chỉ có nhóm này mới có đủ năng lực như tiêu chí HSMT quy định, tạo điều kiện cho nhóm nhà thầu này trúng thầu. Theo đó, về yêu cầu Tiêu chí kinh nghiệm, Ban QLDA đã đưa vào HSMT các yêu cầu cụ thể về hợp đồng tương tự theo hướng có lợi cho số ít nhà thầu. Ban QLDA đã đưa ra tiêu chí xét thầu: “Tối thiểu số hợp đồng tương tự được thực hiện với tư cách nhà thầu, thành viên liên danh hoặc nhà thầu phụ trong giai đoạn 01/01/2013 tới thời điệm nộp thầu phải thỏa mãn các điều kiện sau: Thực hiện ít nhất 01 hợp đồng cầu là tổ hợp dầm thép và bê tông và 2 hợp đồng trong đó có ít nhất 1 hợp đồng bắt buộc phải là dầm thép dạng vòm và 1 hợp đồng cầu là dầm bê tông Super T và trong số đó ít nhất phải có 2 hợp đồng có giá trị tối thiểu 30 triệu USD. Đồng thời các hợp đồng này phải thỏa mãn tối thiểu các yêu cầu sau: (i) Kết cấu nhịp cầu vòm thép, khẩu độ tối thiểu 150m với khối lượng kết cấu thép: 2,900 tấn/hợp đồng hoặc 1,450 tấn/năm; (ii) Kinh nghiệm thi công cầu dẫn có kết cấu dầm super T: 84 dầm/hợp đồng hoặc 42 dầm/1 năm. (iii) Sản lượng cọc nhồi với đường kính D>=1800: 2,800 m/hợp đồng hoặc 1,400m/năm.
Theo phản ánh, với quy định này của HSMT đã loại bỏ được rất nhiều nhà thầu kể cả các nhà thầu đã từng thi công các công trình cầu lớn hơn do không đáp ứng được sự kết hợp các tiêu chí yêu cầu của HSMT. HSMT đã kết hợp các phần công việc độc lập vào một để làm 1 tiêu chí.
Cầu Trần Hoàng Na phía bên bờ Cái Răng. |
Phản ánh của bạn đọc Báo điện tử Xây dựng cho rằng, khi nhà thầu hoàn thành từng công trình cầu có kết cấu dầm thép hoặc bê tông riêng rẽ thì đã có năng lực kinh nghiệm về hợp đồng tương tự nhưng HSMT đã cố tình đưa ra các tổ hợp tiêu chí bất hợp lý (ràng buộc nhau) nhằm làm hạn chế rất nhiều nhà thầu có năng lực tham gia đấu thầu.
Về yêu cầu nhân sự chủ chốt (số vị trí nhân sự chủ chốt, tổng số năm kinh nghiệm tối thiểu, kinh nghiệm tối thiểu trong các công việc tương tự...), HSMT đã đưa ra 1 số yêu cầu cụ thể về năm kinh nghiệm đối với một công việc đặc định, cụ thể tại một khu vực địa lý cụ thể mà tuyệt đại đa số các nhà thầu không thể đồng thời đáp ứng các tiêu chí này. HSMT gói thầu này yêu cầu nhân sự chủ chốt như Chỉ huy trưởng, Phó chỉ huy trưởng, kỹ sư đảm bảo chất lượng... phải có kinh nghiệm thi công 1 hợp đồng như nêu ở mục hợp đồng tương tự. Việc cài bài thầu này đã hạn chế rất nhiều nhà thầu có nhân sự chủ chốt đủ khả năng đáp ứng HSMT.
Thứ 2, việc lựa chọn nhà thầu không đủ điều kiện năng lực để thực hiện hoạt động xây dựng. Ngày 17/09/2020, Hợp đồng thi công xây dựng số 116/HĐ/BQL đã được ký giữa Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn hỗ trợ chính thức, thành phồ Cần Thơ và Liên danh Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1, CTCP – Công ty cổ phần Cầu 14: Gói thầu CT3-PW-2.4: Xây dựng cầu Trần Hoàng Na thuộc Dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị. Tại điều 13.3(d) của hợp đồng, nhà thầu phụ được phê duyệt là: “4. Công ty TNHH Thiết bị Xây dựng Công nghệ Nam Anh: thực hiện phần cung cấp và sản xuất vòm thép, dầm thép, cung cấp và lắp đặt cáp treo, gối cầu, khe Co giãn với giá trị là 32,45% tổng trị giá hợp đồng”
Thực tế Công ty Nam Anh không có nhà máy sản xuất dầm thép và kết cấu thép, không có máy móc thiết bị. Tại thời điểm Chủ đầu tư chấp thuận nhà thầu phụ: Công ty Nam Anh không có năng lực kinh nghiệm chế tạo và lắp đặt cầu vòm mà chỉ có kinh nghiệm thực hiện 3 cầu vượt cho người đi bộ. Ngoài ra, còn có dấu hiệu “gian dối” trong hồ sơ dự thầu: đưa vào năng lực thực hiện dự án cầu Phật Tích trong khi còn đang trong quá trình đàm phán ký kết hợp đồng. Đây là hành vi cung cấp thông tin không trung thực làm sai lệch kết quả phê duyệt nhà thầu – đơn tố cáo nêu rõ.
Ngày 07/6/2021, Cienco 1 có Văn bản số 341/2021/CV-TCT đề nghị thay thế nhà thầu Nam Anh, nhưng không được Ban chấp nhận. Hơn nữa, tại thời điểm thương thảo hợp đồng với Chủ đầu tư (CĐT), thời gian thực hiện hợp đồng là 34 tháng (1.033 ngày) nhưng do Hiệp định vay vốn với WB sẽ hết hạn vào ngày 30/6/2022 nên nhà thầu đã đề nghị xin bổ sung thêm nhà thầu phụ để đảm bảo tiến độ, tuy nhiên cũng không được Ban chấp thuận.
Theo đánh giá tiến độ của dự án mới thực hiện được 50% và không thể hoàn thành vào ngày 30/6/2022. Hiện giá cả của các loại vật tư đều tăng đột biến và chưa có dấu hiệu dừng lại. Hợp đồng ký kết là loại hợp đồng điều chỉnh giá, việc chậm tiến độ và kéo dài thời gian thi công có thể sẽ dẫn đến thiệt hại cho nhà nước do phải thanh toán giá trị gói thầu lớn hơn vì giá cả vật tư tăng.
Cầu Trần Hoàng Na phía bờ Ninh Kiều "án binh bất động". |
Thứ 3, vấn đề thép sử dụng cho dự án, Chủ đầu tư đã chỉ định sử dụng duy nhất thép của Nhà sản xuất Huyndai trong khi quy định của thiết kế và hợp đồng chỉ yêu cầu chủng loại thép theo tiêu chuẩn kỹ thuật chứ không quy định sử dụng một nhà sản xuất thép cụ thể.
Việc Ban QLDA yêu cầu phải dùng thép từ một nhà sản xuất thép cũng như chế tạo dầm thép phải do một nhà máy sản xuất đã gây nhiều khó khăn trong quá trình thi công dự án. Do hợp đồng điều chỉnh giá nên việc chỉ Hyundai mới cấp được thép dẫn tới giá thép độc quyền sẽ bị tăng cao và rủi ro về tiến độ.
Theo Luật sư Lê Hữu Linh (Đoàn Luật sư Hà Nội), nếu phản ánh này là đúng thì cần đặt ra câu hỏi có hay không việc cố tình tạo ra những “rào cản” bởi “hàng rào kỹ thuật” nhằm “bảo kê” cho số ít các nhà thầu để loại bỏ những nhà thầu thậm chí năng lực còn tốt hơn những nhà thầu được lựa chọn, nhưng không đáp ứng được tiêu chí trong HSMT? Việc này có thể dẫn tới sự cạnh tranh kém công bằng, giảm hiệu quả đầu tư, thậm chí có thể gây thiệt hại ngân sách nhà nước. Mặt khác, việc lựa chọn nhà thầu phụ kém năng lực, không có cơ sở sản xuất như hợp đồng yêu cầu, việc chỉ định lựa chọn thép của một nhà sản xuất duy nhất cũng là những vấn đề dẫn tới nguy cơ chậm tiến độ, đội vốn, ảnh hưởng ít nhiều tới dự án, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư, đấu thầu và làm giảm đi hình ảnh, uy tín của Việt Nam trong con mắt các nhà tài trợ vốn nước ngoài. Từ đó, dẫn tới hệ lụy rất lớn cho các dự án khác, cần phải thanh lọc, loại bỏ để răn đe các chủ đầu tư, nhà thầu khác.
Từ những nội dung phản ánh trên, để làm sáng tỏ sự thật, đảm bảo công bằng trong lựa chọn nhà thầu và tránh thất thoát, lãng phí tài sản công, chúng tôi nhận thấy cần sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Đỗ Lê
Theo