(Xây dựng) – Đó là nội dung chính trong cuộc làm việc giữa Bộ Xây dựng với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an về chính sách phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang diễn ra ngày 27/3.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại buổi làm việc. |
Xây dựng 10.000 nhà ở cho lực lượng vũ trang trong năm 2024
Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Trong số những điểm mới của Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, có những điểm liên quan đến nhà ở công vụ, phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang.
Cụ thể, Luật Nhà ở năm 2023 đã quy định về đất để phát triển nhà ở công vụ (Điều 40); kế hoạch phát triển nhà ở công vụ (Điều 41); quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và quyết định lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ và dự án mua nhà ở thương mại làm nhà ở công vụ (Điều 42, Điều 43); đối tượng và điều kiện thuê nhà ở công vụ (Điều 45), trong đó có quy định về nhà ở công vụ thuộc lực lượng vũ trang.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đã dự thảo các Nghị định để hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, trong đó có nội dung hướng dẫn liên quan đến hồ sơ, trình tự thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và quyết định lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ và dự án mua nhà ở thương mại làm nhà ở công vụ và điều kiện thuê nhà ở công vụ của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Bộ Xây dựng cũng đang dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 03/2022/QĐ-TTg ngày 18/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức nhà ở công vụ. Do đó, trong thời gian tới, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cần nghiên cứu ban hành quy định về tiêu chuẩn, đinh mức nhà ở công vụ thuộc lực lượng vũ trang trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến phát biểu tại buổi làm việc. |
Bên cạnh đó, Luật Nhà ở năm 2023 cũng bổ sung 1 mục quy định về phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân tại chương VI: Chính sách về nhà ở xã hội, trong đó có các quy định cụ thể về đối tượng, hình thức, điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, việc phát triển và quản lý nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân. Ngoài ra, Luật Nhà ở năm 2023 còn quy định một số trách nhiệm của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an như ban hành mẫu giấy tờ chứng minh đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội và nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân thuộc phạm vi quản lý, xác định nhu cầu nhà ở đối với đối tượng quy định thuộc phạm vi quản lý...
Để đảm bảo chính sách hỗ trợ về nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân triển khai có hiệu quả khi Luật Nhà ở năm 2023 và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành, Bộ Xây dựng đã đề nghị Bộ Quốc phòng và Bộ Công an khẩn trương thực hiện một số công việc quan trọng. Trước tiên, 2 Bộ cần khẩn trương rà soát, xác định nhu cầu về nhà ở của các đối tượng thuộc phạm vi quản lý gửi UBND cấp tỉnh để tổng hợp trong kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh.
Sau đó, mỗi Bộ phải nghiên cứu, xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn về mẫu giấy tờ chứng minh đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; mẫu giấy tờ chứng minh đối tượng được hưởng chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; các yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cũng đề nghị Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nhà ở năm 2023, làm rõ thêm về cơ chế chính sách, bố trí quỹ đất, trình tự đầu tư dự án nhà ở cho lực lượng vũ trang…
Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Bộ Quốc phòng Hà Như Lợi kiến nghị xây dựng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân. |
Về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Hội nghị về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội diễn ra vào ngày 16/03/2024, trong năm 2024, mỗi Bộ (Bộ Công an và Bộ Quốc phòng) đầu tư xây dựng 5.000 căn nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.
Thứ trưởng nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ quan trọng nên các Bộ sẽ phải cùng nhau phối hợp để triển khai thực hiện theo đúng quy định pháp luật về nhà ở, trọng tâm là chính sách về phát triển nhà ở xã hội.
Các Bộ cần khẩn trương rà soát, xác định nhu cầu về nhà ở của các đối tượng thuộc phạm vi quản lý gửi UBND cấp tỉnh để tổng hợp, phối hợp chặt chẽ với các địa phương chuẩn bị quỹ đất, đồng thời chuẩn bị các nguồn lực về tài chính, con người... để triển khai hiệu quả các dự án nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân sau khi Luật Nhà ở năm 2023 và Nghị định hướng dẫn của Luật có hiệu lực thi hành.
Cung không đủ cầu, thủ tục còn nhiều vướng mắc
Đóng góp ý kiến tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến cho rằng, Luật Nhà ở năm 2023 đã có những điểm quy định cụ thể hơn về nhà ở cho lực lượng vũ trang, là cơ sở pháp lý quan trọng; tạo hành lang pháp lý tốt cho lực lượng công an nhân dân, đặc biệt là cán bộ chiến sỹ trẻ, cán bộ chiến sỹ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.
Hiện nay, nhu cầu về nhà ở của lực lượng công an nhân dân là rất lớn. Theo thống kê mới đây tại các địa phương, có hơn 45.000 cán bộ, chiến sỹ có nhu cầu đăng ký mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng nhu cầu này còn hạn chế. Một số nhà đầu tư đã tham gia đầu tư xây dựng, nhưng nguồn cung vẫn còn ít so với nhu cầu thực tế… Do đó, Bộ Công an sẽ nhanh chóng tiến hành khảo sát chi tiết về nhu cầu, đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện mua nhà ở; xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện những nội dung này.
Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Bộ Xây dựng Hoàng Hải báo cáo tình hình Bộ Quốc phòng và Bộ Công an triển khai nhiệm vụ được giao tại Luật Nhà ở năm 2023. |
Ngoài ra, Thứ trưởng Lê Văn Tuyến đánh giá thủ tục về nhà ở xã hội còn rườm rà, mất nhiều thời gian để thực hiện; trong quá trình triển khai tại địa phương sẽ phát sinh nhiều vướng mắc. Vì vậy, Bộ Công an mong muốn có thể xây dựng một cơ chế ưu đãi phù hợp để thúc đẩy nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội; thủ tục phải thông thoáng và cần có quy định để các địa phương chủ động dành quỹ đất hợp lý phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang. Về nội dung liên quan đến tiêu chuẩn, định mức nhà ở công vụ, Bộ Công an sẽ sớm tham gia góp ý, ban hành Thông tư quy định cụ thể.
Đối với việc chuyển đổi công năng một số công trình trong quỹ đất của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng sang nhà ở công vụ, Thứ trưởng kiến nghị nên tăng cường phân cấp cho hai Bộ triển khai thực hiện.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng đang có 8 dự án nhà ở xã hội không triển khai thực hiện được do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu phải đưa các khu đất của 8 dự án này vào phương án tổng thể sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; các Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vì vậy, để có thể đầu tư xây dựng được 5.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024, Bộ Quốc phòng kiến nghị Chính phủ phải ban hành cơ chế đặc thù như cho mua nhà ở thương mại làm nhà ở cho lực lượng vũ trang.
Công ty Cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân kiến nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách cụ thể; đơn giản hóa trình tự, thủ tục đầu tư. |
Đối với các khu đất quốc phòng đã có chủ trương về chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, phù hợp với quy hoạch của địa phương, Bộ Quốc phòng đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thu hồi và giao cho các doanh nghiệp quân đội lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang nhân dân.
Đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở năm 2023, Bộ Quốc phòng đề nghị chỉnh sửa nội dung chỉ quy định xin ý kiến của địa phương về quy hoạch đấu nối hạ tầng kỹ thuật; bỏ quy định lấy ý kiến bằng văn bản về một số nội dung có liên quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nơi có dự án nhà ở công vụ để cắt giảm thủ tục hành chính.
Đối với Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Bộ Quốc phòng đề nghị cơ quan chủ trì nghiên cứu theo hướng không quy định điều kiện về thu nhập đối với những đối tượng thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
Cần tạo cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp
Để phát triển nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang nhân dân, ngoài vai trò của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, khối doanh nghiệp cũng giữ một vai trò rất quan trọng. Đóng góp ý kiến tại buổi làm việc cùng Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, đại diện lãnh đạo một số doanh nghiệp đã bày tỏ cam kết sẽ đồng hành cùng các Bộ để hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng giao về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đánh giá, trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc, lãi suất chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư.
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an về phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân. |
Vì vậy, các doanh nghiệp đều có kiến nghị chung là Chính phủ và các Bộ, ngành cần phải nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách cụ thể; xây dựng quy định riêng về nhà ở cho lực lượng vũ trang; đơn giản hóa trình tự, thủ tục đầu tư; ưu tiên bố trí quỹ đất sạch; đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư.
Kết luận cuộc làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đánh giá cao những ý kiến đóng góp của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các doanh nghiệp. Thứ trưởng khẳng định, đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm đảm bảo nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân. Thứ trưởng đề nghị Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tăng cường phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, sớm bố trí được quỹ đất thực hiện dự án. Thứ trưởng đề nghị 2 Bộ làm việc cụ thể với UBND các tỉnh, thành phố để xác định rõ nhu cầu về nhà ở của từng địa phương, từ đó bố trí quỹ đất phù hợp.
Về nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng 5.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024, hai Bộ cần ngay lập tức bắt tay vào công việc để hoàn thành mục tiêu đề ra. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an nên tổ chức những cuộc họp chuyên để bàn bạc cụ thể việc triển khai các vấn đề này. Sau buổi làm việc, Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu và tổng hợp các ý kiến đóng góp để chỉnh lý, hoàn thiện các Nghị định hướng dẫn về nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang nhân dân.
Hữu Mạnh – Yến Mai
Theo