(Xây dựng) - Trước những phản ánh liên quan đến việc áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2022/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình, Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn TS. Cao Duy Khôi - Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng). Trước đó, Viện Khoa học công nghệ xây dựng và Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) thuộc Bộ Công an đã phối hợp biên soạn Quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD.
TS. Cao Duy Khôi – Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng. |
PV: Liên tiếp trong các năm 2020, 2021, 2022, QCVN 06 đã được soát xét 3 lần. Vì sao QCVN 06 được cập nhật liên tục như vậy, thưa ông?
TS. Cao Duy Khôi: Ngày 06/4/2020, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BXD về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2020/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình, thay thế QCVN 06:2010/BXD và có hiệu lực thi hành từ 01/07/2020. Trong đó, QCVN 06:2020/BXD mở rộng phạm vi áp dụng đối với các nhà công cộng cao đến 150m (QCVN 06:2010/BXD chỉ áp dụng cho nhà công cộng cao tối đa 50m) và bổ sung nội dung cấp nước chữa cháy (do Cục Cảnh sát PCCC&CNCH biên soạn).
Các yêu cầu an toàn cốt lõi như thoát nạn cho người, bậc chịu lửa của nhà, giới hạn chịu lửa của cấu kiện, bảo vệ chống khói, chống cháy lan, yêu cầu về vật liệu… cơ bản không thay đổi.
Ngày 19/5/2021, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BXD về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2021/BXD. Trong đó, thay đổi chủ yếu là bổ sung đối tượng nhà chung cư cao trên 75m đến 150m.
Thực chất, nội dung này không mới, đã được quy định trong QCVN 04:2019/BXD, chỉ chuyển nội dung này sang QCVN 06:2021/BXD để thống nhất quy định về an toàn cháy cho nhà và công trình vào một quy chuẩn. Các quy định khác về cơ bản giữ nguyên.
Cũng trong năm 2021, Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (thay thế cho Nghị định 79/2014/NĐ-CP) có hiệu lực từ ngày 10/1/2021.
Đồng thời, công tác PCCC tiếp tục được tăng cường theo các chỉ thị của Đảng (Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục tổ chức thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC); Quyết định số 1492/QĐ-TTg ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 02-KL/TW; Chương trình hành động của Bộ Công an. Nhiều giải pháp an toàn cháy, công nghệ, thiết bị, vật liệu PCCC mới được áp dụng tại Việt Nam.
Có thể nói, công tác thiết kế, thẩm duyệt, thi công và nghiệm thu PCCC trong các năm 2021, 2022 có những thay đổi rõ nét. Mặt khác, thời gian này không may đã xảy ra một số vụ cháy để lại hậu quả thảm khốc như vụ cháy Karaoke An Phú ở Bình Dương. Đó là những bài học thực tiễn đau đớn.
Để đồng bộ với các quy định pháp luật mới, tiếp thu các giải pháp công nghệ, thiết bị, vật liệu PCCC tiên tiến, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất kinh doanh trên nền tảng đảm bảo các yếu tố an toàn cháy cho con người, nhà và công trình, ngày 30/11/2022, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 06/2022/TT-BXD về việc ban hành QCVN 06:2022/BXD.
QCVN 06:2022/BXD đã làm rõ, bổ sung thêm nhiều giải pháp, lựa chọn cho các đối tượng công trình cụ thể, nhưng vẫn kế thừa cơ bản về cấu trúc, nguyên lý, các khái niệm và hệ thống chỉ tiêu kỹ thuật.
Có thể nói, các phiên bản quy chuẩn đều có tính kế thừa rõ ràng, các quy định có tính hệ thống và ổn định, có kèm theo các điều khoản chuyển tiếp trên nguyên tắc công trình đã áp dụng phiên bản nào từ đầu thì tiếp tục áp dụng phiên bản đó.
Ngoài ra, trong QCVN 06:2022/BXD có những quy định thuận lợi hơn, Bộ Xây dựng và Bộ Công an đã thống nhất cho phép áp dụng. Như vậy, nếu hiểu và áp dụng đúng các điều khoản chuyển tiếp của QCVN 06 thì các phiên bản tách bạch với nhau về hiệu lực, rất rõ ràng, không lẫn lộn.
Mặt khác, an toàn cháy là vấn đề hệ trọng, liên quan trực tiếp đến an toàn sinh mạng và tài sản. Ngay cả ở các nước tiên tiến với trình độ khoa học và kinh nghiệm hơn Việt Nam, việc thường xuyên rà soát, cập nhật quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn cháy là bình thường.
Ví dụ như Singapore, Fire code ban hành năm 2018, đến nay đã có 12 lần ban hành Thông tư sửa đổi (mới nhất 1/3/2023) và hàng trăm sửa đổi nhỏ khác (có danh mục thống kê đầy đủ trên website chính thức ).
Hệ thống NFPA của Mỹ mặc dù rất đồ sộ nhưng liên tục được rà soát, cập nhật (ví dụ NFPA 5000-2021, ban hành trong năm 2021, nhưng ngay trong năm 2021 đã có chương trình nghiên cứu, cập nhật. Đến nay đã có hàng trăm báo cáo rà soát để chuẩn bị cho phiên bản 2023).
Luật An toàn cháy cho nhà và công trình của Liên bang Nga số 123-FZ từ khi ban hành cũng được sửa đổi nhiều lần. Trong các năm từ 2012 đến 2018, mỗi năm Luật được cập nhật 1 lần và tiếp tục cập nhật trong các năm 2021, 2022.
Việc hiểu và áp dụng đúng QCVN 06:2022/BXD rất quan trọng. |
PV: Như ông vừa đề cập, nhìn chung, nguyên lý và các yêu cầu an toàn cốt lõi của QCVN 06 sau 3 lần soát xét, cập nhật không thay đổi. Tuy nhiên QCVN 06:2022/BXD hiện đang được cho là có yêu cầu quá cao. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
TS. Cao Duy Khôi: Khi biên soạn dự thảo QCVN 06:2022/BXD, Ban biên soạn đã so sánh, đối chiếu các quy định cốt lõi của quy chuẩn với một số quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn cháy trên thế giới (Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Indonesia) về các yêu cầu đối với diện tích khoang cháy, giới hạn chịu lửa của kết cấu, cấu kiện, khoảng cách thoát nạn, vật liệu… Một số so sánh cụ thể đã được công bố.
Mặt khác, Ban biên soạn cũng tiếp xúc trực tiếp với hàng nghìn chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, thi công PCCC, Cảnh sát PCCC&CNCH các địa phương thông qua các hội thảo, hội nghị, tập huấn, làm việc, tiếp nhận và giải trình các văn bản góp ý từ các tổ chức, cá nhân, nên có được góc nhìn tương đối tổng hợp về thực tiễn Việt Nam.
Nhìn chung, các quy định cốt lõi của QCVN 06:2022/BXD không cao nếu so sánh với một số nước trên thế giới. Về số lượng các quy định, yêu cầu của QCVN 06:2022/BXD còn khiêm tốn nếu so với các nước khác (QCVN 06:2022/BXD 181 trang; NFPA 5000-2021 của Mỹ có 677 trang, mỗi trang 2 cột; Fire Code Singapore 2018 khoảng 500 trang; Luật An toàn cháy và các tiêu chuẩn cốt lõi của Nga hàng nghìn trang…).
Mặt khác, rõ ràng các quy định về an toàn cháy có mối liên quan mật thiết với nhau. Ví dụ để đánh giá về diện tích khoang cháy cần xem xét tương quan cả yêu cầu về bảo vệ chịu lửa cho kết cấu và một số yêu cầu khác. Do vậy, cần có cái nhìn tổng hợp về các yêu cầu an toàn cháy và sự tương quan trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam và thế giới.
Như vậy, các ý kiến bình luận QCVN 06:2022/BXD yêu cầu quá cao là cảm tính, không có căn cứ so sánh cụ thể. Ví dụ, QCVN 06:2022/BXD không hề quy định về sơn chống cháy, nhưng một số ý kiến lại nói quy chuẩn này quy định quá cao về sơn chống cháy.
Hoặc một trường hợp khác cũng khá phổ biến là khi thiết kế tự nâng thêm định mức so với yêu cầu của quy chuẩn. Ví dụ lựa chọn cửa chống cháy EI 70, trong khi quy chuẩn chỉ yêu cầu có 3 mức là EI 60, EI 30 và EI 15 tùy từng vị trí cụ thể. Hoặc chọn màn ngăn cháy EI 150 trong khi tại vị trí đó chỉ yêu cầu EI 45. Như vậy là ngay từ khi thiết kế đã tự làm khó mình và phát sinh những chi phí không đáng có.
QCVN 06:2022/BXD không cào bằng quy mô, loại hình hoạt động của công trình. |
QCVN 06:2022/BXD bản chất là để phục vụ thiết kế an toàn cháy cho nhà và công trình, cần được sử dụng ngay từ giai đoạn thiết kế ban đầu để có các giải pháp kỹ thuật phù hợp. Vấn đề quan trọng là hiểu và áp dụng đúng quy chuẩn.
PV: Có ý kiến cho rằng QCVN 06:2022/BXD đang cào bằng quy mô, loại hình hoạt động của công trình. Ý kiến này có đúng không, thưa ông?
TS. Cao Duy Khôi: QCVN 06:2022/BXD phân loại, phân nhóm các công trình rất chi tiết. Đối với loại hình hoạt động, QCVN 06:2022/BXD phân chia thành 5 nhóm lớn (từ F1 đến F5) và 21 nhóm nhỏ theo tính nguy hiểm cháy theo công năng (ví dụ bệnh viện nhóm F1.1, khách sạn F1.2, chung cư F1.3, cơ quan F4.3…).
Các yêu cầu an toàn cháy được gắn cụ thể với từng nhóm nguy hiểm cháy theo công năng này, trên nguyên tắc nguy hiểm cháy thấp thì yêu cầu thấp và ngược lại.
Đối với nhóm nhà xưởng sản xuất, nhà kho còn chia nhỏ nữa theo hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ (5 hạng A, B, C, D, E theo tính nguy hiểm giảm dần) và các yêu cầu an toàn cháy quy định tương ứng cho từng hạng.
Về quy mô, QCVN 06:2022/BXD phân chia chi tiết với hàng trăm con số cụ thể về diện tích khoang cháy, chiều cao, số tầng tương ứng với từng nhóm nguy hiểm cháy theo công năng nêu trên, cũng với nguyên tắc là công trình quy mô càng nhỏ thì yêu cầu càng thấp và ngược lại.
Ngoài ra, QCVN 06:2022/BXD còn có các phân loại cụ thể về cấu kiện, vật liệu, bộ phận ngăn cháy, cầu thang, buồng thang, mật độ người… Đối với các công trình nhỏ, QCVN 06:2022/BXD cũng có những quy định riêng về thoát nạn, cấp nước chữa cháy, tiếp cận chữa cháy, vật liệu…
Như vậy, ý kiến cho rằng QCVN 06:2022/BXD đang cào bằng quy mô, loại hình hoạt động của công trình là không chính xác. Cần hiểu và áp dụng đúng quy chuẩn cho các trường hợp cụ thể.
PV: Hiểu một cách đơn giản, các công trình hiện hữu được xây dựng theo quy chuẩn cũ có phải đầu tư cải tạo để đạt tiêu chuẩn của quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD không, thưa ông?
TS. Cao Duy Khôi: Công trình được thiết kế, xây dựng và nghiệm thu PCCC theo quy định tại thời điểm nào thì tuân thủ quy định tại thời điểm đó. Nguyên tắc của quy chuẩn là không hồi tố và đã được quy định rõ ràng trong điều khoản chuyển tiếp của QCVN 06 mọi phiên bản. Gần đây, Cục cảnh sát PCCC&CNCH Bộ Công an và Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) đã có văn bản hướng dẫn rõ ràng nội dung này.
PV: Đối với trường hợp công trình được thẩm định thiết kế về PCCC từ trước khi Quy chuẩn 06:2022/BXD được ban hành nhưng đến nay mới hoàn thành công tác đầu tư xây dựng thì sẽ được nghiệm thu PCCC như thế nào, thưa ông?
TS. Cao Duy Khôi: Theo Luật PCCC thì nghiệm thu PCCC thuộc thẩm quyền của Bộ Công an, không nằm trong quy định của QCVN 06:2022/BXD.
Theo tôi hiểu thì nguyên tắc nghiệm thu PCCC cũng giống như đã nói ở trên, nghĩa là thẩm duyệt theo quy định tại thời điểm nào thì nghiệm thu theo quy định tại thời điểm đó.
PV: QCVN 06:2022/BXD được cho là “đánh đố” khi quy định vật liệu xây dựng phải đáp ứng các tiêu chí về chống cháy nhưng không hướng dẫn chi tiết làm thế nào để đạt tiêu chí. Điều này nên hiểu như thế nào cho chính xác, thưa ông?
TS. Cao Duy Khôi: Yêu cầu an toàn cháy đối với vật liệu là một trong những yêu cầu cơ bản và đã được quy định từ QCVN 06:2010/BXD cho đến nay.
Trong các phiên bản QCVN 06 đều có đầy đủ hướng dẫn chi tiết về cách xác định tất cả tiêu chí đặc tính kỹ thuật về cháy và có nêu rõ cả các tiêu chuẩn liên quan (phụ lục B), đồng thời quy định rõ các đặc tính kỹ thuật về cháy của một số loại vật liệu phổ biến như bê tông, gạch, gốm, kim loại, khối xây, vữa trát, thạch cao... Ngoài ra, trên thị trường hiện nay có rất nhiều vật liệu đa dạng đã được nhà sản xuất thử nghiệm và công bố đặc tính kỹ thuật.
Một số ý kiến cho rằng QCVN 06:2022/BXD cần đưa tên cụ thể của tất cả các vật liệu hoàn thiện và các chỉ tiêu tương ứng. Xin khẳng định rằng không một quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn cháy nào làm như vậy. Quy chuẩn chỉ nêu các yêu cầu về an toàn. Chủng loại, mẫu mã của các vật liệu trên thị trường rất phong phú, đa dạng, thay đổi liên tục, đặc tính kỹ thuật của chúng do nhà sản xuất công bố. Do đó, không thể đưa vào quy chuẩn là văn bản pháp luật bắt buộc áp dụng được. Các thông tin này nên được tập hợp dưới dạng các cơ sở dữ liệu được cập nhật hàng năm và nên do hiệp hội các nhà sản xuất công bố.
PV: Đối với quy định yêu cầu kiểm tra PCCC tại công trình, có phải sau khi vật liệu đạt chuẩn từ cơ sở sản xuất đưa vào công trình phải kiểm định lại tại công trình không, thưa ông?
TS. Cao Duy Khôi: Theo quy định tại Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì công tác kiểm định phương tiện PCCC thuộc thẩm quyền của Bộ Công an. Phương thức, quy trình kiểm định được quy định tại QCVN 03:2021/BCA của Bộ Công an và hướng dẫn trên website của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH. Bộ Xây dựng không có quy định nào về việc kiểm định phương tiện PCCC.
Theo tôi biết thì hiện nay Cục Cảnh sát PCCC&CNCH đã có hướng dẫn rất rõ về công tác kiểm định này. Hiểu như trên là không chính xác.
PV: Trước những ý kiến nhiều chiều liên quan đến QCVN 06:2022/BXD, theo ông, đâu là giải pháp hữu hiệu nhằm gỡ các vướng mắc hiện nay?
TS. Cao Duy Khôi: Trước hết, QCVN 06:2022/BXD vừa có hiệu lực từ ngày 16/1/2023, đến nay khoảng 3 tháng. Có lẽ chưa có hoặc có rất ít công trình được nghiệm thu PCCC căn cứ trên QCVN 06:2022/BXD. Như vậy, các vướng mắc, tồn tại của các doanh nghiệp chủ yếu ở thời gian trước QCVN 06:2022/BXD.
Theo tôi, các vướng mắc có thể chia làm hai nhóm. Nhóm 1 là những công trình đã thi công xong, hoặc thậm chí đã được đưa vào sử dụng nhưng còn tồn tại về PCCC chưa được nghiệm thu. Nhóm 2 là những công trình đang trong giai đoạn thiết kế, thẩm duyệt để xây mới hoặc cải tạo sửa chữa.
Đối với nhóm 1, đây là thực tế, tích lũy qua nhiều năm, với các tồn tại khác nhau và không dễ để giải quyết ngay. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 220/CĐ-TTg ngày 5/4/2023 về việc khẩn cấp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC, Bộ Công an chủ trì và Bộ Xây dựng phối hợp đang tích cực rà soát, phân loại các công trình có tồn tại về PCCC và đưa ra hướng dẫn các giải pháp tăng cường, bổ sung đối với các công trình này, trên nguyên tắc là giải pháp khả thi và khai thác sử dụng công trình có điều kiện.
Đối với nhóm 2, theo tôi, trước hết cần hiểu và áp dụng đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn, có ý thức tuân thủ nghiêm túc các quy định về an toàn cháy ngay từ khâu thiết kế, lựa chọn đơn vị tư vấn và thi công có đủ năng lực và kinh nghiệm, không tự làm khó mình bởi các lựa chọn giải pháp, công nghệ, vật liệu không phù hợp.
Trường hợp công trình cụ thể có đặc điểm hoặc yêu cầu về kiến trúc, công nghệ không tuân thủ một số quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn thì có thể lập luận chứng các giải pháp thay thế, bổ sung và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
Đây là điều được QCVN 06:2022/BXD cho phép, để đáp ứng các yêu cầu đa dạng của thực tiễn. Nhiều công trình trên cả nước đã thực hiện theo cách này.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Quý Anh (thực hiện)
Theo