Các địa phương ngoài việc công bố sớm thông tin quy hoạch chi tiết cần có các kênh thông tin về đất đai đáng tin cậy để làm chỗ dựa cho thị trường cũng như nhà đầu tư.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: HÙng Võ/Vietnam+) |
Theo giới chuyên gia bất động sản, thời gian qua, tại nhiều địa phương vẫn còn xuất hiện rất nhiều dự án “ma,” tình trạng “sốt” đất, do hệ thống thông tin đến không đầy đủ, nhà đầu tư xuống tiền do phong trào chứ không có sự tính toán kỹ.
“Sốt” đất vì thay đổi địa giới hành chính
Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết làn sóng COVID-19 lần thứ 4 được đánh giá là “hòn đá tảng” tác động mạnh nhất tới thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay và dự báo, thị trường này vẫn còn phải đối mặt với các thách thức lớn hơn trong thời gian tới do... quy hoạch.
Khó khăn đầu tiên được ông Chiến nhắc tới là hệ thống văn bản pháp luật hiện nay đang thiếu hoặc chưa đồng bộ. Khả năng thực thi của các văn bản pháp luật ban hành trong cuộc sống vẫn còn sự đan xen chồng chéo giữa các văn bản pháp luật của các cơ quan với nhau. Thời gian qua, có những sản phẩm bất động sản đã hình thành trong thực tế nhưng văn bản pháp luật vẫn chưa hình thành. Đáng chú ý nhất là còn rất nhiều dự án “ma” và tình trạng “sốt” đất vẫn diễn ra.
Theo ông Chiến, nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này là do hệ thống thông tin đến không đầy đủ, nhà đầu tư xuống tiền do phong trào chứ không có sự tính toán kỹ lưỡng.
Đơn cử như tại khu vực Thủ Đức của Thành phố Hồ Chí Minh, khi có quyết định lên thành phố thì đất ở khu vực này rất “sốt” vì đã có sự thay đổi lớn về mặt hành chính.
Tương tự vậy, đầu năm 2020 vừa qua, việc công bố quy hoạch 17.000ha dự án thành phố mới Hòa Lạc cũng làm cho khu vực phía Tây Hà Nội trở nên “hot” dù rằng khu vực này mới chỉ có một quy hoạch tổng thể, chứ chưa có quy hoạch chi tiết.
“Vì thế cần phải có kênh thông tin về đất đai đáng tin cậy làm chỗ dựa vững chắc cho thị trường,” Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị.
Nhìn nhận ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng khẳng định hiện còn xuất hiện một số tình trạng các dự án bất động sản chưa đủ cơ sở pháp lý vẫn tung ra thị trường, gây ra các rủi ro cũng như các hoạt động kinh doanh không bình thường cho thị trường hoặc có biểu hiện lừa đảo trong hoạt động kinh doanh bất động sản.
Trong khi đó, về tính minh bạch của thị trường, ông Khởi cho biết mặc dù đã có tháo gỡ, yêu cầu cung cấp công khai minh bạch thông tin song tính minh bạch từ các hoạt động đầu tư đến các giao dịch mua bán vẫn còn cần phải tiếp tục nghiên cứu để quy định chặt chẽ, bảo đảm công khai, kịp thời và chính xác hơn.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
“Bên cạnh đó, chúng ta phải có hệ thống thông tin cung cấp cho thị trường bảo đảm minh bạch, kịp thời, nhanh chóng và chính xác, đặc biệt thông tin về quy hoạch, về các bất động sản đủ điều kiện đưa vào kinh doanh,” ông Khởi lưu ý.
Cần sớm công bố quy hoạch chi tiết
Từ thực tế trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết thời gian tới Bộ Xây dựng đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thực hiện nghiêm túc thực hiện trình tự thủ tục đầu tư, nhất là thủ tục giao đất, thủ tục về đầu tư.
Cùng với đó, ông Sinh cho hay Bộ Xây dựng cũng sẽ đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng nhà ở khi kinh doanh phải đảm bảo đồng bộ hạ tầng, đảm bảo tình pháp lý và kinh doanh đúng pháp luật, góp phần tạo nên thị trường bất động sản lành mạnh.
Dẫn lại câu chuyện “sốt” đất ở khu vực phía Tây Hà Nội trong thời gian qua, shark Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị CenGroup đề nghị Viện Quy hoạch và các cơ quan chức năng sớm công bố quy hoạch chi tiết, công khai minh bạch để tránh chuyện các nhà đầu tư gặp rủi ro.
Ngoài ra, ông Hưng cũng cho rằng doanh nghiệp địa ốc mong muốn sớm có Luật Đất đai sửa đổi, trong đó quy định giao quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất để ghi nhận vào trong báo cáo tài sản của doanh nghiệp một cách rõ ràng.
“Đặc biệt, chúng tôi rất lo ngại loại hình bất động sản gắn liền với đất mà đất đi thuê hàng năm, dù là tài sản của doanh nghiệp nhưng rất khó trong việc thế chấp, sử dụng làm tài sản bảo đảm, ghi quyền sử dụng đất đó vào trong tài sản. Việc sử dụng đất trả tiền một lần hay giao đất có thu tiền sử dụng đất khác với tiền sử dụng đất nhưng trả tiền thuế hàng năm,” ông Hưng nêu quan điểm.
Nhìn nhận lạc quan về những thay đổi trong thời gian tới, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng bối cảnh mới hôm nay đặt ra rất nhiều thách thức cho các doanh nghiệp song cũng có nhiều cơ hội để doanh nghiệp và thị trường bất động sản phát triển, với những bước tạo đà quan trọng đến từ các hiệp định thương mại tự do mà Chính phủ ta đã và sẽ ký kết.
Vì thế, ông Tùng tin tưởng rằng tới đây, hệ thống pháp lý sau một thời gian dài bộc lộ những thiếu vắng, hạn chế, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường sẽ được Quốc hội khóa XV xem xét, hoàn thiện với một tư duy mới, tầm nhìn mới phù hợp với quy luật phát triển trong nền kinh tế thị trường như: Luật Đất đai, Luật Đô thị và rất nhiều các văn bản, quy phạm pháp luật khác có liên quan./.
Theo Hùng Võ (Vietnam+)
Link gốc: