(Xây dựng) - Đây là đề xuất của các đại biểu tại phiên Quốc hội thảo luận toàn thể ở hội trường về dự án Luật Đường bộ, ngày 21/5.
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đường bộ (Ảnh: Quốc hội). |
Đề xuất xem xét việc khai thác, sử dụng gầm cầu đường bộ
Bày tỏ sự quan tâm đến công tác quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ, đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng đề nghị tiếp tục làm rõ các vấn đề quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch về kết cấu hạ tầng đường bộ và hệ thống đường địa phương, đường đô thị.
Theo đại biểu, hiện nay vấn đề giao thông đô thị ở các địa phương đang phát sinh nhiều bất cập, do đó cần bổ sung quy định về tỷ lệ đất tối thiểu dành cho giao thông đường bộ tại các đô thị bao gồm đất dành cho xây dựng đường, vỉa hè, bến xe khách, điểm đỗ dừng đón, trạm trả khách cho xe bus…
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội đề cập đến nội dung tại Khoản 2 Điều 12 quy định về tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị so với đất xây dựng đô thị.
Theo đó, tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị so với đất xây dựng đô thị, nhưng không bao gồm phần công trình đường bộ đi ngầm dưới mặt đất, xây dựng trên sông, hồ, phải bảo đảm quy định sau đây: Đô thị loại đặc biệt: 18% đến 26%; Đô thị loại I: 16% đến 24%; Đô thị loại II: 15% đến 22%; Đô thị loại III: 13% đến 19%; Đô thị loại IV: 12% đến 17%; Đô thị loại V: 11% đến 16%.
Và khoản 3 Điều 12 quy định: Đô thị có yếu tố đặc thù thì tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ so với đất xây dựng đô thị quy định Đô thị có đường biên giới quốc gia, đô thị loại III, loại IV và loại V; Đô thị ở hải đảo, khu vực dự kiến hình thành đô thị loại V là trung tâm hành chính của huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực dự kiến hình thành đô thị và các đô thị trực thuộc…
Đại biểu Nguyễn Thị Phương Thủy cho rằng quy định như vậy là quá chi tiết và có nội dung chưa phù hợp với thực tế của nhiều địa phương trong thời điểm hiện nay cũng như trong tương lai. Do đó, đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật không nên quy định quá chi tiết tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị so với đất xây dựng đô thị.
Liên quan đến quy định về phân loại đường bộ theo cấp quản lý, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh - Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội cho biết theo dự thảo Luật, về phương án phát triển đường bộ đô thị bao gồm đường ngõ ngách, kẹt, hẻm được xác định trong quy hoạch hạ tầng đô thị và quy hoạch khác có liên quan.
Đại biểu đề nghị cân nhắc thêm quy định như dự thảo Luật, không nên quy hoạch phát triển các đường ngõ, ngách, kẹt, hẻm, mà cần quan tâm quản lý hệ thống đường này ở đô thị hiện trạng để đảm bảo an toàn giao thông.
Đại biểu Quốc hội đề xuất việc khai thác, sử dụng gầm cầu đường bộ (Ảnh: Internet). |
Đề cập đến Điều 13 về đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ, đại biểu Hà Phước Thắng - Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ, theo quy định hiện nay của Bộ Giao thông vận tải thì không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác. Tuy nhiên thực tế hiện nay, nhu cầu đỗ xe trên địa bàn thành phố rất lớn, việc thực hiện quy hoạch hệ thống giao thông còn gặp nhiều khó khăn.
Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị bổ sung thêm một khoản tại Điều 13 của dự thảo Luật. Theo đó, cần quy định cụ thể UBND cấp tỉnh quyết định việc khai thác, sử dụng gầm cầu đường bộ, phần không gian dưới gầm cầu cạn đối với các hệ thống đường bộ do địa phương chịu trách nhiệm quản lý, khai thác và bảo trì để làm bãi đỗ xe, đường giao thông, kho chứa vật tư phục vụ bảo trì công trình đường bộ và các hoạt động khác phù hợp với hoạt động thực tế của địa phương.
Thời kỳ quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ phù hợp với thời kỳ quy hoạch mạng lưới đường bộ
Theo đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, dự thảo Luật đang quy định quy hoạch mạng lưới đường bộ là quy hoạch ngành quốc gia, xác định phương hướng phát triển, tổ chức không gian hệ thống quốc lộ làm cơ sở để định hướng lập quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ, phát triển mạng lưới đường bộ.
Nhưng theo đại biểu, quy định như vậy là chưa chính xác, cần chỉnh sửa lại theo hướng quy hoạch hệ thống quốc lộ là quy hoạch ngành quốc gia, xác định phương hướng phát triển, tổ chức không gian hệ thống quốc lộ làm cơ sở để định hướng lập quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ, phát triển mạng lưới đường bộ.
Đại biểu cũng cho biết, hiện dự thảo Luật đang quy định Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập quy hoạch “mạng lưới đường bộ” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên tại điểm a khoản 2 Điều 30 về kết nối giao thông đường bộ quy định: Kết nối các hệ thống đường bộ, các tuyến đường bộ với nhau tạo thành mạng lưới đường bộ.
Theo đại biểu, quy định như vậy thì mạng lưới đường bộ sẽ bao gồm tất cả các hệ thống đường bộ đều do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là không phù hợp.
Dự thảo Luật còn quy định thời kỳ quy hoạch mạng lưới đường bộ là 10 năm, tầm nhìn từ 30 năm đến 50 năm. Thời kỳ quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ là 10 năm, tầm nhìn từ 20 năm đến 30 năm. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy chưa chính xác, vì thời điểm quy hoạch mạng lưới đường bộ và thời điểm quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ không trùng nhau thì sẽ lệch pha nhau và chỉ đúng khi thời điểm quy hoạch trùng nhau.
Đại biểu cho rằng quy định này nên chỉnh sửa lại theo hướng thời kỳ quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ phù hợp với thời kỳ quy hoạch mạng lưới đường bộ.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết: Đây đều là các ý kiến trách nhiệm, trí tuệ, phong phú về thực tế và toàn diện về pháp luật và kỹ thuật lập pháp.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới tiếp thu các ý kiến phát biểu và sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo để nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.
Quý Anh
Theo