(Xây dựng) – Để ngành VLXD phát triển mạnh mẽ và bền vững, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ phải xây dựng những cơ chế và chính sách hợp lý nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp được tiếp cận và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nghe giới thiệu về một số VLXD tiêu biểu (Ảnh: VGP/Nhật Bắc). |
Trong những năm gần đây, Bộ Xây dựng và Bộ Khoa học Công nghệ đã thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp tăng cường tiềm lực, nâng cao trình độ cán bộ nghiên cứu trong lĩnh vực VLXD, cập nhật được các công nghệ mới, tiên tiến của các nước phát triển.
Nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong nước làm chủ công nghệ và chế tạo thành công nhiều chủng loại vật liệu mới với chất lượng không hề thua kém các sản phẩm nhập ngoại, đáp ứng một phần nhu cầu của thị trường trong nước và thậm chí có thể xuất khẩu ra nước ngoài.
Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực vật liệu xây dựng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Hầu hết các kết quả nghiên cứu mới được áp dụng ở quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp đa quốc gia có vai trò dẫn dắt thị trường.
Ngoài ra, các hạn chế về cơ chế, chính sách còn khiến số lượng doanh nghiệp thực sự chú trọng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và đổi mới công nghệ là rất ít. Phần lớn các doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư cho khoa học công nghệ khá hạn chế. Trong khi đó, cơ chế tài chính hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, bảo lãnh vốn vay và các hỗ trợ khác vẫn chưa tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các doanh nghiệp Việt Nam chậm đổi mới công nghệ so với các doanh nghiệp nước ngoài.
Các doanh nghiệp rất cần hỗ trợ về cơ chế, chính sách để tiếp cận, tham gia nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất VLXD (Ảnh: Hữu Mạnh). |
Đứng trước tình hình này, các nhà khoa học đã kêu gọi Đảng và Chính phủ khẩn trương nghiên cứu và ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận và ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất VLXD.
Ngày 18/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1266/QĐ–Ttg phê duyệt Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050. Trong đó, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất để thực hiện thành công Chiến lược là hoàn thiện về thể chế, chính sách.
Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh nhiệm vụ rà soát sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí, hỗ trợ công tác nghiên cứu, thiết kế, chế tạo phụ tùng thay thế nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thiết bị, máy móc trong khai thác, chế biến nguyên liệu và sản xuất VLXD.
Mặt khác, Quyết định số 1266/QĐ–Ttg cũng xác định rõ 2 nhiệm vụ rất quan trọng của các nhà đầu tư và các doanh nghiệp sản xuất để góp phần vào công cuộc phát triển ngành VLXD trong thời gian tới.
Một là thường xuyên nâng cao năng lực cạnh tranh; nghiên cứu áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tiết kiệm năng lượng, sử dụng tối đa phế thải công nghiệp, chất thải đô thị và nông thôn, giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, giảm thiểu phát thải gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất VLXD để phát triển ngành theo hướng bền vững, thân thiện môi trường.
Hai là đầu tư công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, mức độ tự động hoá cao, từng bước áp dụng công nghệ thông tin và các giải pháp công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào quy trình sản xuất và hệ thống quản lý.
Nhưng để thực hiện tốt 2 nhiệm vụ nêu trên, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ về cơ chế, chính sách để có điều kiện thuận lợi được tiếp cận, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất.
Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam Võ Quang Diệm cho biết: “Hiện nay, chính sách cho phát triển VLXD nói chung vẫn còn nhiều lỗ hổng, ví dụ như chính sách về sử dụng amiăng trắng có kiểm soát vẫn chưa ổn định. Tình hình này khiến các doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng mà không dám đầu tư đổi mới công nghệ. Chính vì vậy, Nhà nước cần sớm có sự phân loại rõ ràng từng loại VLXD được phép và không được phép sản xuất, tiêu thụ để doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất”.
Kiến trúc sư Trần Hoàng đến từ Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cũng khẳng định: “Cơ chế, chính sách sẽ là đòn bẩy cho quá trình phát triển của ngành VLXD”.
Việc cải thiện cơ chế, chính sách sẽ là đòn bẩy cho quá trình phát triển của ngành vật liệu xây dựng trong thời gian tới (Ảnh: VnExpress). |
Để giải quyết vấn đề cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong thời gian tới, các cơ quan quản lý cần chú ý 3 vấn đề sau.
Thứ nhất, là cải thiện các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Trong đó, các cơ quan chức năng cần phải đảm bảo hiệu quả thực thi từ khâu ban hành chính sách đến khâu xét duyệt hồ sơ, đồng thời cắt giảm những thủ tục, giấy tờ không cần thiết nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn và công nghệ hỗ trợ nhanh nhất.
Thứ hai, là xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ mới, công nghệ tiên tiến và lực lượng chuyên gia công nghệ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khai thác tiến bộ khoa học ứng dụng vào sản xuất.
Thứ ba, là hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, ứng dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất sản phẩm mới và thay đổi quy trình công nghệ.
Về phía doanh nghiệp, họ sẽ phải tự nâng cao tiềm lực tài chính của mình thông qua các nguồn vốn vay từ ngân hàng, vốn hỗ trợ từ Nhà nước và các nguồn vốn khác để nghiên cứu, đầu tư những công nghệ thích hợp phục vụ cho quá trình sản xuất.
Các doanh nghiệp cũng nên xem xét việc áp dụng đổi mới công nghệ theo từng giai đoạn nhằm giảm sức ép về vốn đầu tư. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tăng cường hợp tác tốt với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thuận lợi hơn trong việc tiếp cận tri thức và công nghệ tiên tiến mới của thế giới.
Dịch Phong
Theo