Theo nhiều chuyên gia, bên cạnh việc sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các cơ quan liên quan cần rà soát lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí như quản lý đất đai, tài sản công.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 tại phiên họp thứ 33, chiều 15/5/2024, (Ảnh: An Đăng/TTXVN) |
Giải pháp thứ ba mà Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra trong bài viết “Chống lãng phí” là tập trung giải quyết triệt để nguyên nhân lãng phí tài sản công, tài nguyên với trọng tâm đổi mới việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật; xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực, giải quyết, khắc phục điểm nghẽn, mở rộng không gian, tạo đà cho phát triển.
"Điểm mặt" lãng phí
Báo cáo của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội từng chỉ ra: Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực, song vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, là nguy cơ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực như: công tác quản lý, sử dụng ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế dẫn tới lãng phí nguồn lực; việc sử dụng tài sản công chưa tiết kiệm; còn nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản, tài nguyên rừng, tài nguyên nước.
Các chính sách, pháp luật quản lý kinh tế-xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ, chưa phù hợp với thực tiễn. Một số bất cập trong cơ chế, chính sách tuy đã được phát hiện nhưng còn chậm được sửa đổi, bổ sung, chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống định mức kinh tế, kỹ thuật và tiêu chuẩn, chế độ trong việc sử dụng vốn và tài sản công đã được cập nhật, sửa đổi, bổ sung khá thường xuyên tuy nhiên vẫn còn chưa sát với thực tế dẫn đến ý thức chấp hành còn hạn chế, thực hiện chưa nghiêm, gây lãng phí vốn và tài sản nhà nước trong nhiều lĩnh vực.
Theo báo cáo Chính phủ, trong việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 có 91 trong tổng số 115 bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước; có đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 10 % kế hoạch vốn.
Hiện nay còn 404 trong tổng số 908 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích là khoảng 18.308hecta.
Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhiều địa bàn để xảy ra tình trạng thất thoát khoáng sản, không những làm lãng phí tài nguyên mà còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Theo Bộ Tài chính, việc cắt giảm thủ tục hành chính có lúc, có nơi còn chậm, chưa kịp thời, quyết liệt; thủ tục hành chính một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; việc sắp xếp, kiện toàn tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn một số bất cập; nhiều công trình công cộng còn bị hoang hóa.
Phương thuốc đặc trị
Trong năm 2023 Bộ Tài chính được Chính phủ giao trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phải hoàn thành trong thời gian sớm nhất.
Bộ Tài chính đề xuất 5 nhóm chính sách thực hiện, trong đó có việc hoàn thiện các quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm xác định rõ mối quan hệ giữa luật này và các luật chuyên ngành; hoàn thiện các quy định về khái niệm “tiết kiệm,” “lãng phí”; hoàn thiện các quy định để tạo cơ chế khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hành tiết kiệm; hoàn thiện các quy định về xử lý đối tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm - tập trung xử lý trách nhiệm người đứng đầu và bổ sung quy định các trường hợp miễn trừ việc xử lý đối với cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Đất đai là một trong những lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí. (Nguồn: TTXVN) |
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội, bên cạnh việc sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì các cơ quan liên quan cần tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn.
Cần tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực như quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tín dụng, quản lý tài sản công, đầu tư công, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; sửa đổi, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế-kỹ thuật, đơn giá, chế độ chi tiêu công.
Cần rút gọn hơn nữa thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý thông thoáng đối với các doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, xử lý triệt để các dự án dở dang, chậm tiến độ.
Phải nâng cao chất lượng công tác thanh, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các khoản chi ngân sách nhà nước, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý như sử dụng tài sản công, xử lý tốt đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến quản lý thực hiện cơ chế, chính sách của Nhà nước; kịp thời biểu dương và khen thưởng những điển hình tiên tiến thực hiện các biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí.
Phải tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản một cách công khai, minh bạch; cương quyết xử lý cán bộ trên địa bàn để xảy ra hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép, kéo dài mà không xử lý./.
Theo Trần Quang Vinh/(TTXVN/Vietnam+)
Link gốc: