(Xây dựng) – Vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn đã chủ trì Hội thảo “Lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Kiến trúc” tại thành phố Hồ Chí Minh.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc bao gồm 8 chương và 49 điều, trong đó đáng chú ý 6 nội dung chính là: Quy định công trình kiến trúc có giá trị và ứng xử với công trình đó như thế nào. Đây là nội dung mới trong văn bản pháp luật, nhưng rất thực tiễn với cuộc sống đang đặt ra; quy chế quản lý kiến trúc là một trong những công cụ để quản lý kiến trúc và sẽ thay thế quy chế quy hoạch kiến trúc trước đây; thi tuyển phương án kiến trúc; quy tắc ứng xử nghề nghiệp; sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc, gia hạn, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Và dội dung cuối cùng là quy định hành nghề kiến trúc của người nước ngoài tại Việt Nam.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng mong muốn nhận được các ý kiến, thảo luận từ cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, các hội nghề nghiệp góp ý để hoàn thiện nội dung Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc. Trong đó tập trung vào những vấn đề gắn liền với thực tiễn cuộc sống hiện nay nhằm tháo gỡ những tồn tại, bất cập trong quản lý kiến trúc, tạo điều kiện cho người hành nghề kiến trúc, tránh phát sinh thêm những thủ tục hành chính.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đánh giá rất cao nội dung chất lượng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc mà ban soạn thảo đưa ra. Nội dung của Dự thảo Nghị định đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước hiện nay về kiến trúc. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định cần phân biệt rõ quản lý hành nghề kiến trúc với quản lý hành nghề kiến trúc sư. Riêng yêu cầu bản sắc kiến trúc thì chỉ cần quy định khung những yêu cầu mang tính bắt buộc, còn lại sẽ tùy vào điều kiện thực tế ở mỗi địa phương và do chính địa phương đó quyết định…
Bên cạnh những góp ý về chuyên môn thì các chuyên gia cũng thẳng thắn góp ý thêm về phạm vi điều chỉnh, xây dựng quy chế quản lý kiến trúc, xây dựng quy tắc ứng xử nghề nghiệp, thi tuyển cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc, tác giả công trình kiến trúc…
Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn cho biết: Nghị định là văn bản có tính pháp lý, là công cụ để quản lý và thực hiện Luật Kiến trúc. Trước tình hình phát triển kiến trúc đang rất cần đến các công cụ pháp lý để quản lý và phát huy tính sáng tạo của kiến trúc sư. Chúng ta phải thận trọng, khẩn trương để xây dựng các công trình kiến trúc, nâng cao dân trí, trình độ quản lý ở các cấp độ.
Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIV, Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14 đã được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020. Luật Kiến trúc có 5 chương với 41 điều quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc.
Cao Cường
Theo