(Xây dựng) – Trong quý IV/2022, các doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng như Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM)… sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp.
Bộ Xây dựng sẽ tăng cường đẩy mạnh công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp trong quý IV/2022. |
Phục hồi sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp
Trong quý III/2022, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc Bộ đã có chuyển biến tích cực. Hầu hết các doanh nghiệp phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều chỉ tiêu sản xuất kinh doanh tăng so với cùng kỳ, nhất là các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng, bất động sản có kết quả doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng tốt như VICEM, VIGLACERA hay HUD. Tuy nhiên, cũng có một số Tổng công ty vẫn còn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và tài chính như Tổng Công ty Sông Hồng hay Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng (COMA).
Đối với công tác tái cơ cấu, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/03/2022 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2021-2025”, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo các Tổng công ty triển khai rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020; xây dựng Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025.
Đối với công tác cổ phần hóa, Bộ Xây dựng đã phê duyệt Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Tổng Công ty HUD và VICEM theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các quy định của pháp luật mới được ban hành. Bộ cũng tiếp tục chỉ đạo Hội đồng thành viên HUD, VICEM tập trung rà soát, thực hiện phương án sắp xếp các cơ sở nhà, đất của các doanh nghiệp trong thời gian chờ Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về kế hoạch sắp xếp các doanh nghiệp do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu giai đoạn 2021 – 2025.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã triển khai xử lý các vướng mắc để thực hiện quyết toán vốn Nhà nước bàn giao sang công ty cổ phần cho các Tổng Công ty Sông Đà, COMA và FICO (Tổng Công ty Vật liệu xây dựng số 1).
Đối với công tác thoái vốn ở các Tổng công ty, Bộ Xây dựng đang xem xét phương án thoái vốn Nhà nước của các Tổng Công ty LILAMA, Sông Hồng và thực hiện các bước chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước của Bộ Xây dựng tại Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Trong quý IV/2022, Bộ Xây dựng sẽ tăng cường đẩy mạnh công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp với 3 nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc 2 Tổng Công ty HUD và VICEM thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo về điều chỉnh kế hoạch cổ phần hóa VICEM và HUD trong giai đoạn 2021-2025. Sau đó, 2 Tổng công ty sẽ triển khai thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp theo nội dung Đề án/phương án tái cơ cấu đã được Bộ Xây dựng phê duyệt. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ đôn đốc việc triển khai công tác thoái vốn Nhà nước tại các Tổng công ty – Công ty cổ phần (CTCP) có vốn góp của Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu.
Thứ hai, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với SCIC thẩm định, hoàn thiện dự thảo Biên bản, Hồ sơ chuyển giao Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP về SCIC theo đúng quy định; phấn đấu hoàn thành việc thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Sông Hồng.
Thứ ba, Bộ sẽ thẩm định và phê duyệt chấp thuận chủ trương việc tăng, giảm, thoái vốn các khoản đầu tư của các Tổng công ty tại các công ty con, công ty liên kết theo đề án được duyệt.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty HUD Nguyễn Việt Hùng nhận định nhà ở xã hội là cứu cánh cho doanh nghiệp bất động sản trong thời gian tới. |
Nhà ở xã hội trở thành cứu cánh cho doanh nghiệp bất động sản
HUD cơ bản hoàn thành kế hoạch 9 tháng đầu năm và đảm bảo sẽ hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng trong năm nay, đặc biệt là việc khởi công các dự án nhà ở xã hội. Theo dự báo của HUD, trong 3 tháng cuối năm và khoảng đầu năm 2023, thị trường bất động sản sẽ có nhiều khó khăn. Trong hoàn cảnh này, nhà ở xã hội sẽ trở thành cứu cánh cho các doanh nghiệp bất động sản. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, HUD vẫn duy trì thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Xây dựng về việc dành nguồn vốn đầu tư riêng cho nhà ở xã hội. Trong năm 2023, HUD dự kiến khởi công 3 dự án nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ kinh tế của doanh nghiệp.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty HUD Nguyễn Việt Hùng nhận định, ngành Bất động sản có thể gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 và tình hình hiện tại sẽ gây khó khăn trong việc dự báo tăng trưởng của ngành. Chính vì thế, HUD sẽ xây dựng kế hoạch hoạt động tương đối chắc chắn và an toàn.
Sau khi Bộ Xây dựng phê duyệt Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Tổng công ty, HUD đã thực hiện rà soát các văn bản quản trị nội bộ để phù hợp với Điều lệ mới và chờ Thủ tướng phê duyệt Đề án tái cơ cấu. Dự kiến, HUD sẽ thực hiện tái cơ cấu trong cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Doanh nghiệp lắp máy gặp khó khăn, mong muốn sớm tái cấu trúc
Tình hình sản xuất kinh doanh hiện nay của LILAMA đang gặp khó khăn vì nhiều lý do. Một số dự án mới chưa có thiết bị. Một số dự án như nhiệt điện sông Hậu 1 đã khánh thành, đi vào hoạt động nhưng còn gặp khó khăn trong việc quyết toán nên doanh thu chưa đạt, giá trị sản lượng chưa đảm bảo. Thậm chí, một số dự án đã hoàn thành hơn 7 năm nay vẫn chưa thể quyết toán doanh thu như nhiệt điện Vũng Áng 1. Mặc dù Tổng công ty đã thực hiện nhiều biện pháp gỡ rối nhưng đến nay vẫn chưa thể quyết toán thành công.
Cuối năm nay, LILAMA sẽ hoàn thành 2 dự án Nhà máy lọc hóa dầu Long Sơn và nhiệt điện Vân Phong 1. Tổng công ty cũng đang bắt đầu triển các khai dự án mới là Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4, nhiệt điện Vũng Áng 2. Ngoài ra, Tập đoàn ThyssenKrupp đã đặt hàng LILAMA sản xuất 55 module thiết bị điện phân cho dự án nhà máy sản xuất khí hydro với giá trị khoảng 55 triệu USD. Đây là hợp đồng thí điểm đầu tiên LILAMA sản xuất cho đơn vị nước ngoài và hy vọng sẽ mở ra cơ hội mới cho Tổng công ty.
Tổng Giám đốc LILAMA Lê Văn Tuấn đề nghị lãnh đạo Bộ Xây dựng sớm phê duyệt Đề án tái cấu trúc của Tổng công ty. |
Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong tương lai, Tổng Giám đốc Lê Văn Tuấn dự báo LILAMA và các doanh nghiệp lắp máy sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là nhiệt điện than dần dần bị loại bỏ, phát triển thủy điện còn nhiều bất cập. Chính vì thế, LILAMA đề nghị lãnh đạo Bộ Xây dựng sớm phê duyệt Đề án tái cấu trúc của Tổng công ty nhằm đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong bối cảnh mới.
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết, các doanh nghiệp sẽ phải chờ đợi Thủ tướng phê duyệt Đề án tái cơ cấu rồi mới có thể triển khai. Mặt khác, thị trường sẽ có nhiều biến động trong thời gian tới nên các doanh nghiệp sẽ phải nhanh chóng ổn định tổ chức, xác định quy mô doanh nghiệp, nhận định rõ thị trường và tìm cách chuyển đổi phù hợp để thích ứng.
Hữu Mạnh – Yến Mai
Theo