(Xây dựng) - Chiều 28/10, tại phiên Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã làm rõ một số nội dung liên quan đến công tác phát triển nhà ở xã hội (NƠXH).
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. (Ảnh: Quốc hội) |
Luật Nhà ở năm 2023 cơ bản tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển NƠXH
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, qua báo cáo giám sát và ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội, Bộ Xây dựng thấy rõ trách nhiệm của mình trong thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển NƠXH giai đoạn năm 2015 - 2023.
Báo cáo một số nội dung liên quan đến công tác phát triển NƠXH, Bộ trưởng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển NƠXH trong thời gian qua còn nhiều tồn tại, bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng của công nhân, người lao động và người thu nhập thấp. Nhiều vướng mắc liên quan đến quy định và thực thi pháp luật; vướng mắc liên quan đến quy hoạch đất đai, đầu tư, đấu thầu, xây dựng, tín dụng…; liên quan thủ tục hành chính triển khai thực hiện dự án NƠXH... Chính sách ưu đãi chưa thực sự khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển NƠXH như Báo cáo Giám sát và ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường.
Báo cáo về thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH giai đoạn 2021 – 2030, kể từ năm 2021 đến nay, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Các địa phương đã quy hoạch 9.757ha đất để xây dựng NƠXH, có 622 dự án NƠXH được triển khai, với quy mô 565.177 căn. Trong đó, đã hoàn thành 79 dự án, với quy mô 40.679 căn; đã khởi công xây dựng 131 dự án với quy mô 111.687 căn; đã chấp thuận chủ trương đầu tư 412 dự án, với quy mô 411.076 căn.
“Kết quả này chưa đáp ứng nhu cầu của công nhân, người lao động và người thu nhập thấp. Nhiều địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu phát triển NƠXH” - Bộ trưởng nhận định.
Từ những vướng mắc, khó khăn trong phát triển NƠXH, Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy công tác này. Gần đây nhất, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 34-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển NƠXH trong tình hình mới. Chính phủ đã ban hành Kế hoạch, Đề án và nhiều chỉ đạo phát triển NƠXH. Quốc hội đã ban hành Luật Nhà ở năm 2023, Luật Đất đai năm 2024 và nhiều quy định pháp luật có liên quan để tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho phát triển NƠXH.
Theo báo cáo của Đoàn giám sát, có 60 nội dung vướng mắc trong phát triển NƠXH. “Vướng mắc về pháp luật đã được tháo gỡ thông qua Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Đất đai năm 2024 và các quy định pháp luật khác có liên quan” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị làm rõ.
Đối với Luật Nhà ở năm 2023, Bộ trưởng cho biết, có 5 nội dung, quy định mới liên quan đến NƠXH, góp phần tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong triển khai xây dựng các dự án NƠXH.
Điểm mới thứ nhất, về đối tượng, Luật Nhà ở năm 2023 đã bổ sung đối tượng là doanh nghiệp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp. Đây là một nội dung rất mới, rất tích cực giúp tháo gỡ khó khăn về vốn cho cả chủ đầu tư và cho cả doanh nghiệp sử dụng lao động trong khu công nghiệp. Nội dung này cũng làm rõ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội liên quan đến đối tượng thụ hưởng NƠXH.
Điểm mới thứ hai, về tiêu chuẩn diện tích NƠXH, Luật Nhà ở năm 2023 quy định rõ là NƠXH phải được thiết kế xây dựng khép kín, tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, phù hợp với tiêu chuẩn áp dụng theo quy định của pháp luật. Quy định này nhằm đảm bảo chất lượng của NƠXH.
Điểm mới thứ ba là về quy trình, thủ tục đầu tư NƠXH. Đây là vướng mắc, trong thời gian qua, gây kéo dài thời gian triển khai thực hiện dự án NƠXH. Cụ thể hóa Điều 34 của Luật Nhà ở năm 2023, tại Nghị định 100/2024/NĐ-CP của Chính phủ, đã dành hẳn một chương quy định các giai đoạn đầu tư dự án NƠXH và nhà ở cho lực lượng vũ trang. Đây là điểm mới so với quy định của Luật Nhà ở năm 2014, từ đây tạo điều kiện cho các địa phương tùy tình hình thực tế của địa phương, ban hành hướng dẫn rút ngắn quy trình thủ tục triển khai NƠXH.
Điểm mới thứ tư, về chính sách ưu đãi NƠXH và cắt giảm thủ tục hành chính, Luật Nhà ở năm 2023 đã có nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cũng như cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường ưu đãi, khuyến khích chủ đầu tư cho phát triển NƠXH, được thể hiện ở 6 điểm. Một là, được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án. Chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn và không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Quy định này giúp rút ngắn thời gian triển khai dự án NƠXH.
Hai là, doanh nghiệp được ưu đãi thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định pháp luật về thuế. Ba là, được dành tỷ lệ tối đa 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ thương mại, nhà ở thương mại. Việc đầu tư này được hạch toán riêng, không phải tính chi phí đầu tư xây dựng phần công trình kinh doanh, dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại vào giá thành NƠXH.
Bốn là, doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Trường hợp đầu tư xây dựng NƠXH cho thuê thì được vay vốn với lãi suất thấp hơn và thời gian vay dài hơn so với trường hợp xây dựng NƠXH để bán, cho thuê mua, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ.
Năm là, cắt giảm quy định điều kiện cư trú đối với đối tượng mua, thuê mua nhà. Đối với tượng thuê NƠXH thì không phải xác định về điều kiện cư trú cũng như điều kiện về thu nhập. Sáu là, đối tượng là công nhân, lực lượng vũ trang được thêm các chính sách riêng về nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho lực lượng vũ trang.
Điểm mới thứ năm, về bố trí quỹ đất phát triển NƠXH, Luật Nhà ở năm 2023 đã quy định rõ việc phải bố trí quỹ đất để phát triển NƠXH trong quy hoạch. Việc này, UBND cấp tỉnh phải bố trí thực hiện trong chương trình kế hoạch phát triển nhà ở. Luật Nhà ở cũng bổ sung thêm quy định về loại hình nhà lưu trú công nhân và nhà ở cho lực lượng vũ trang.
“Với những quy định mới này, Luật Nhà ở năm 2023 cơ bản đã tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai phát triển NƠXH như ý kiến của Đoàn giám sát cũng như ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã nêu” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Phải xác định rõ diện tích đất xây dựng NƠXH trong quy hoạch
Đề cập những nhiệm vụ trong thời gian tới, tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát và của các vị đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng cùng với các Bộ, ngành, các địa phương sẽ tập trung thực hiện Chỉ thị 34 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển NƠXH trong tình hình mới, cũng như thực hiện Nghị quyết giám sát của Quốc hội về chuyên đề này và các chương trình, đề án, kế hoạch chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển NƠXH.
Cả nước có 622 dự án NƠXH được triển khai, với quy mô 565.177 căn. (Ảnh minh họa) |
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển NƠXH. Xác định phát triển NƠXH là quyết tâm chính trị, nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; Đưa chỉ tiêu phát triển NƠXH vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm của từng địa phương.
Phát triển đa dạng các loại hình NƠXH để có thể mua, thuê, thuê mua, nhà lưu trú; Tăng tỷ lệ NƠXH cho thuê. Ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn các quy định pháp luật vừa được thông qua liên quan đến phát triển NƠXH. Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến phát triển NƠXH, như Luật Quy hoạch đô thị nông thôn, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu…
Nhằm thúc đẩy triển khai các dự án NƠXH tại các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị: Các địa phương quan tâm rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, ưu tiên bố trí quỹ đất xây dựng NƠXH phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; Phải xác định rõ diện tích đất xây dựng NƠXH trong quy hoạch.
Các địa phương bố trí ngân sách thỏa đáng để đầu tư xây dựng NƠXH, đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài dự án NƠXH; Ban hành theo thẩm quyền các cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng NƠXH.
Bộ trưởng ghi nhận, hiện nay một số địa phương thực hiện rất tốt và HĐND đã thông qua Nghị quyết để có cơ chế hỗ trợ cho phát triển dự án NƠXH ở địa phương, như Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, Tây Ninh, An Giang và một số địa phương khác.
Bộ trưởng đồng thời đề nghị tháo gỡ vướng mắc về nguồn vốn tín dụng cũng như nghiên cứu quỹ phát triển NƠXH; Cải cách thủ tục hành chính, cắt ngắn quy trình thủ tục triển khai dự án NƠXH; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để xử lý kịp thời vi phạm như đề nghị của các đại biểu Quốc hội.
Quý Anh – Linh Anh
Theo