(Xây dựng) - Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý đô thị của Việt Nam cũng là một trong những nhóm vấn đề mà Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chịu trách nhiệm trả lời chất vấn chính tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết các địa phương ngày càng quan tâm đến công tác quy hoạch, phát triển đô thị. |
Công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị được quan tâm
Đề cập đến thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý đô thị của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Đến hết tháng 9/2022, cả nước có 883 đô thị, trong đó có 02 đô thị đặc biệt, 22 đô thị loại I, 33 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 93 đô thị loại IV phân bố tương đối đồng đều trong cả nước.
Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 41% (tăng hơn 5,3% so với năm 2015). Tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực đô thị được giảm mạnh từ 6,9% (năm 2010) xuống 1,1% (năm 2021 - theo chuẩn nghèo đa chiều).
Tăng trưởng kinh tế đô thị đạt 12 - 15% trung bình năm. Kinh tế đô thị chuyển dịch theo hướng dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, đóng góp khoảng 70% GDP của cả nước.
Cơ sở hạ tầng đô thị bước đầu đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, chất lượng hạ tầng đô thị được cải thiện. Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung khoảng 92%. Tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm còn 17,2%. Tổng lượng nước thải được thu gom khoảng 15%.
Kiến trúc cảnh quan, diện mạo đô thị đã có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại hơn. Công tác nâng cấp, phân loại đô thị có nhiều đổi mới theo hướng tập trung nâng cao chất lượng và tính đồng bộ của các đô thị.
Các công cụ quy hoạch và quản lý đô thị bằng chính sách, pháp luật nhìn chung đã được ban hành khá đồng bộ, tương đối kịp thời, bao quát trên nhiều lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, cơ bản phù hợp với các thông lệ quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Đến tháng 10/2022, tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đô thị so với diện tích đất xây dựng tại các đô thị trên cả nước đạt khoảng 60%. Trong đó, tại 02 đô thị đặc biệt (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) và các đô thị loại I đạt khoảng 80%; tại các loại đô thị loại II, III, IV đạt khoảng 40 - 50%. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết đô thị đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng. Số lượng Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc được ban hành là 181 Quy chế. Số lượng Thiết kế đô thị là 250 đồ án. Tỷ lệ lập Quy hoạch xây dựng nông thôn mới đạt 99,8%.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, cùng với nỗ lực phủ kín quy hoạch, các địa phương cũng đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung các loại quy hoạch xây dựng, xây dựng Chương trình phát triển đô thị.
Đến tháng 10/2022 đã có 49/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh; 96 đô thị lập Chương trình phát triển từng đô thị; có 17 tỉnh đã phê duyệt 62 khu vực phát triển đô thị; Một số địa phương đã thành lập các Ban quản lý khu vực phát triển đô thị..., tạo cơ sở thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật và tăng cường kiểm soát các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch.
Bộ trưởng nhận định: Việc tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quản lý phát triển đô thị đã được các cấp, các ngành quan tâm, ngày càng đi vào nền nếp. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo điều kiện phát triển đô thị theo hướng hiện đại, văn minh.
Các địa phương chú trọng đẩy nhanh tốc độ lập quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị; chú trọng rà soát, điều chỉnh quy hoạch đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Công tác tổ chức thực hiện quy hoạch, công bố, công khai quy hoạch có nhiều tiến bộ…
Việc điều chỉnh quy hoạch đô thị còn có biểu hiện tùy tiện
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, bên cạnh những thành quả đạt được, công tác quy hoạch và quản lý đô thị của Việt Nam cũng còn một số hạn chế, tồn tại. Một số quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn, một số nội dung thiếu khả thi, chưa tính toán đầy đủ và thiếu các nguồn lực thực hiện; chưa đồng bộ, gắn kết giữa các cấp độ quy hoạch đô thị và giữa quy hoạch đô thị với các quy hoạch khác (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng…); chưa gắn kết giữa việc thực hiện quy hoạch, thực hiện dự án đầu tư với kế hoạch vốn đầu tư trung hạn và hàng năm.
Việc điều chỉnh quy hoạch đô thị (bao gồm cả điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ), nhất là điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại một số địa phương còn có biểu hiện tùy tiện, không tuân thủ quy định pháp luật và yêu cầu của quy chuẩn về quy hoạch xây dựng.
Tỷ lệ đô thị hóa đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020, còn khoảng cách khá xa so với tỷ lệ bình quân của khu vực và thế giới.
Chất lượng đô thị hóa chưa cao, nhiều nơi còn tình trạng phát triển đô thị theo chiều rộng, mức độ tập trung kinh tế còn thấp. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị.
Đô thị chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn, còn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, ngập lụt tại các thành phố lớn. Năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới.
Pháp luật về quản lý phát triển đô thị chưa hoàn thiện
Phân tích các nguyên nhân của các hạn chế, tồn tại nói trên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững chưa đầy đủ và chưa được quan tâm đúng mức.
Pháp luật về quy hoạch đô thị còn bất cập. Pháp luật về quản lý phát triển đô thị chưa hoàn thiện. Công tác quy hoạch đô thị còn chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chất lượng chưa theo kịp yêu cầu. Việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế. Nhiều nơi việc điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện. Thể chế, chính sách về đô thị và phát triển đô thị còn thiếu đồng bộ và ổn định. Công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện pháp luật, cơ chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị còn thiếu quyết liệt, chưa đồng bộ.
Quản lý đô thị chưa chuyên nghiệp, có nơi còn lỏng lẻo. Sự phân công, phối hợp nhiệm vụ quản lý Nhà nước về phát triển đô thị chưa rõ ràng, thiếu chặt chẽ và thống nhất. Trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức quản lý đô thị còn yếu.
Một nguyên nhân nữa là đến nay chưa xây dựng được mô hình chính quyền đô thị phù hợp, thống nhất trong cả nước. Việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền đô thị còn hạn chế. Đầu tư còn dàn trải, thiếu đồng bộ, chưa phát huy và khai thác tốt các nguồn lực của chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị.
Tập trung xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị
Khắc phục các tồn tại, hạn chế nói trên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đưa ra một số giải pháp. Theo đó, cần tập trung nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý đô thị.
Về nâng cao chất lượng quy hoạch, cần hoàn thiện thể chế pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa pháp luật về quy hoạch, phát triển đô thị với pháp luật khác.
Bộ trưởng cho biết: Bộ Xây dựng hiện đang tập trung xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, trong đó dự kiến sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng còn tồn tại, hạn chế, bất cập.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, rà soát, bổ sung hoàn thiện lý luận, phương pháp luận về quy hoạch và quản lý đô thị. “Bộ Xây dựng hiện đã tổ chức nghiệm thu đề tài cấp Bộ “Đổi mới công tác lý luận, phương pháp luận về phát triển đô thị, quy hoạch đô thị” và sẽ tổ chức ứng dụng kết quả nghiên cứu này trong việc hoàn thiện các công cụ chính sách về quy hoạch và quản lý đô thị trong thời gian tới” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết.
Cùng với đó, nâng cao năng lực quản lý và đội ngũ làm công tác quy hoạch đô thị; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch đô thị…
Về nâng cao công tác quản lý đô thị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng cần tập trung quyết liệt tổ chức thực hiện “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị” sau khi được ban hành.
Tập trung công tác nghiên cứu, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý, công cụ để quản lý công tác phát triển đô thị; Tập trung xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị.
Nghiên cứu các công cụ để quản lý các đô thị hiện hữu, phát triển mới, các quy định về tái thiết, cải tạo khu vực đô thị cũ, xuống cấp; Tập trung triển khai công tác lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tiếp tục tích cực triển khai hiệu quả các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030 và Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến 2030.
Cùng với đó, đẩy mạnh nghiên cứu các mô hình phát triển đô thị gắn với vị trí địa lý, chức năng, vai trò và đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội để tạo điều kiện phát huy tối đa các lợi thế phát triển của mỗi đô thị; Tăng cường, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về phát triển đô thị tại các địa phương.
Tiếp tục thực hiện đào tạo, bồi dưỡng 08 nhóm đối tượng cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn về xây dựng và quản lý đô thị; Chuẩn hóa tiêu chuẩn khung năng lực cán bộ quản lý đô thị; Đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế, tham gia có trách nhiệm các diễn đàn quốc tế nhằm trao đổi kiến thức, kinh nghiệm ở các cấp và thúc đẩy đối thoại chính sách để nắm bắt, cập nhật tình hình, tranh thủ sự ủng hộ và nguồn lực quốc tế…
Quý Anh
Theo