(Xây dựng) - Ngày 10/5, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị dẫn đầu Đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Tiền Giang về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị dẫn đầu Đoàn công tác của Chính phủ làm việc với 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Tiền Giang. |
Nhiều kiến nghị của địa phương được giải quyết kịp thời
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, nhiều kiến nghị của các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang đã được Đoàn công tác gửi đến Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan, trong đó, nhiều nội dung về khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội đã được xử lý giải quyết kịp thời.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì buổi làm việc. |
Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023, đến nay, Đoàn công tác đã làm việc trực tiếp 2 đợt vào tháng 5/2023 và tháng 2/2024; trực tuyến 2 lần vào tháng 7/2023 và tháng 10/2023 để tổng hợp, xử lý và tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của địa phương gửi đến và đôn đốc các cơ quan liên quan hướng dẫn, trả lời.
Về cơ bản, các Bộ, ngành đã giải quyết xong kiến nghị của các địa phương gồm: Bộ Xây dựng 85/85 kiến nghị; Bộ Công an 4/4 kiến nghị; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội 3/3 kiến nghị; Bộ Y tế là 4/4 kiến nghị.
Cũng theo Đoàn công tác, một số kiến nghị chưa được các Bộ trả lời như: Bộ Tài nguyên và Môi trường còn 26/51 kiến nghị; Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn 17/30 kiến nghị; Bộ Tài chính còn 6/10 kiến nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá, việc kịp thời tiếp thu các kiến nghị về khó khăn vướng mắc trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và tinh thần khẩn trương, nghiêm túc trong quá trình xử lý tháo gỡ của Đoàn công tác đã góp phần tích cực trong việc thực hiện thành công mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại 3 tỉnh trong năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024.
Còn nhiều kiến nghị về lĩnh vực xây dựng cần được tháo gỡ
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương đã thông tin đến Đoàn công tác một số điểm nổi bật về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn những tháng đầu năm 2024; kiến nghị các khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy hoạch, đầu tư, xây dựng và phát triển đô thị.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức phát biểu tại buổi làm việc. |
Cụ thể, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết, tỉnh có 4/11 đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, đến nay Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung của 4 đô thị gồm thành phố Biên Hòa, đô thị Trảng Bom, đô thị Long Thành, đô thị mới Nhơn Trạch.
Đối với phân khu C4 thành phố Biên Hòa, địa phương này đã cơ bản xây dựng xong phương án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Biên Hòa, hồ sơ hiện đang xin ý kiến Bộ Xây dựng và Hội đồng thẩm định của tỉnh.
Về quy hoạch phân khu đô thị, hiện nay có 3 đô thị đang triển khai lập quy hoạch phân khu đô thị gồm: Thành phố Biên Hòa đã phê duyệt được 10/21; Đô thị mới Nhơn Trạch đã phê duyệt được 2/12 phân khu; thành phố Long Khánh đã được UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 10 phân khu và thành phố Long Khánh đang tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn lập đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết thêm, hiện nay, tại thành phố Biên Hòa đang triển khai 2 dự án tái định cư để phục vụ cho dự án Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (dự án trọng điểm quốc gia); hai dự án đã được Quyết định chủ trương tuy nhiên chưa phê duyệt dự án (trong đó 1 dự án là Khu tái định cư Phước Tân, quy mô 49,32ha đang được Bộ Xây dựng thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi và 1 dự án là Khu tái định cư Tam Phước, quy mô 31,52ha đang được Sở Xây dựng tỉnh thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi. Về vấn đề này, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Đoàn công tác trả lời về việc dự án tái định cư đã được quyết định chủ trương nhưng chưa được phê duyệt dự án thì có được thực hiện chuyển tiếp không?
Cũng theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Phụ lục 1 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật đầu tư công, theo đó xác định Dự án Khu nhà ở gồm: Dự án Khu đô thị và dự án Khu chung cư. Như vậy, dự án Khu chung cư (không phụ thuộc vào việc khu đó có xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội hay không) thuộc nhóm dự án Khu nhà ở.
Tuy nhiên, theo khoản 3 mục VII Phụ lục IX Nghị định 15/2023/NĐ-CP định nghĩa: “3. Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở là dự án đầu tư xây dựng cụm công trình nhà ở tại đô thị hoặc khu nhà ở tại nông thôn, được đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch được phê duyệt và không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Mục này”.
Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, đối với các dự án đầu tư xây dựng Khu chung cư chỉ gồm các khối chung cư và hạ tầng kỹ thuật kèm theo (không bao gồm hạ tầng xã hội) thì có thuộc Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở theo quy định tại Nghị định 15/2021/NĐ-CP hay không? Nếu không, thì sẽ thuộc nhóm dự án nào trong các nhóm dự án được nêu tại liệt kê tại Điều 8 Luật Đầu tư công 2019.
Tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn nội dung xác định loại dự án khu chung cư (chỉ bao gồm các block chung cư và hạ tầng kỹ thuật) để làm cơ sở xác định nhóm dự án theo quy định của pháp luật đầu tư công để xác định thẩm quyền thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án và các thủ tục liên quan (phòng cháy chữa cháy, môi trường). Đồng thời, kiến nghị Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, rà soát quy định về dự án khu nhà ở giữa 2 Nghị định nêu trên để đảm bảo đồng bộ, thống nhất làm cơ sở xác định quy mô nhóm của dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh phát biểu tại buổi làm việc. |
Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, địa phương hiện có một số khó khăn liên quan vấn đề quản lý đất đai, xây dựng. Ông Võ Văn Minh đề cập việc xử lý quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của doanh nghiệp khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (có vốn Nhà nước), sau đó thoái toàn bộ vốn Nhà nước (chỉ còn vốn tư nhân) chưa có hướng dẫn cụ thể. Kiến nghị sớm có văn bản hướng dẫn để thực hiện.
Theo Thông tư số 06/2021/TT-BXD ngày 30/6/2021 của Bộ Xây dựng quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng chưa xác định rõ dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp là công trình công nghiệp hay công trình dân dụng do đó ảnh hưởng đến việc xác định cơ quan chủ trì thực hiện công tác kiểm tra nghiệm thu công trình hạ tầng cụm công nghiệp. Lãnh đạo tỉnh này kiến nghị Bộ Xây dựng xác định rõ các dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp là công trình công nghiệp hay công trình dân dụng.
Ngoài ra, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua bán nhà ở xã hội còn phức tạp và kéo dài. Nói thêm về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng, dự án Nhà ở xã hội (NƠXH) được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất để miễn; các đối tượng hưởng chính sách NƠXH phải được các cơ quan có thẩm quyền quyết định về đối tượng, điều kiện…
Bên cạnh đó, việc xác định giá bán, cho thuê, cho mua NƠXH cũng còn nhiều vấn đề như trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với NƠXH đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan Nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng gây kéo dài thời gian do phải chờ kết quả kiểm toán, làm chậm trễ thời gian được huy động vốn cho doanh nghiệp.
Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án NƠXH, nhà ở cho công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn, không thực chất, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư. Nhiều doanh nghiệp lo ngại trong lĩnh vực đầu tư Dự án NƠXH do nhiều thủ tục hơn nhà ở thương mại, khó triển khai, không ra được sản phẩm.
Về đối tượng được mua, thuê, thuê mua NƠXH, Luật Nhà ở hiện hành chưa có quy định cho phép tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc đối tượng được mua, thuê, thuê mua NƠXH trong khi thực tế nhu cầu của các tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã muốn mua, thuê NƠXH để cho người lao động của họ thuê lại để ở là rất lớn…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng phát biểu tại buổi làm việc. |
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng kiến nghị Bộ Xây dựng về suất đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và suất đầu tư nhà máy chế biến nông sản để lập tổng mức đầu tư xây dựng làm cơ sở mời gọi đầu tư. Xem xét ban hành bổ sung một số định mức trong quá trình thi công xây dựng các công trình giao thông do các định mức này có thể xuất hiện ở địa phương khác, không phải đặc thù của tỉnh Tiền Giang. Xem xét ban hành bổ sung định mức chi phí giám sát đối với hoạt động công ích đô thị; các định mức dự toán duy trì cây xanh đô thị, quét rác thảm cỏ, lối đi công viên; nhặt rác dải phân cách; trồng cây xanh; định mức dự toán sản xuất nước sạch và quản lý, vận hành mạng cấp nước cho công tác vận hành trặm bơm tăng áp có công suất lớn hơn 500m3/ngày đêm…
Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai Hồ Văn Hà nêu một số kiến nghị tại buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc này, đại diện các Bộ, ngành và các cơ quan chức năng của Bộ Xây dựng đã trả lời một số nội dung kiến nghị của 3 địa phương theo đúng thẩm quyền.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị ghi nhận những kết quả về phát triển kinh tế-xã hội của 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang trong thời gian qua, đặc biệt, tình hình thị trường bất động sản tại các địa bàn đã có những bước tiến đáng kể.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nêu một số khó khăn mà các địa phương gặp phải về giải ngân vốn đầu tư công, tình hình sản xuất kinh doanh và công tác giải phóng mặt bằng của các dự án trọng điểm quốc gia.
Thành viên Đoàn công tác Chính phủ trả lời một số kiến nghị của các địa phương. |
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, trong việc “gửi gắm” các kiến nghị, đề xuất đến Chính phủ, Bộ, ngành nhằm sớm giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Bộ trưởng đề nghị thành viên Đoàn ở các Bộ, ngành nghiên cứu kỹ, trả lời thật nhanh những vấn đề mà địa phương kiến nghị, cần trả lời trọng tâm, tránh để các địa phương hỏi lại, mất nhiều thời gian; khẩn trương trả lời các kiến nghị còn tồn chưa trả lời ở những hội nghị trước.
Lãnh đạo các Vụ thuộc Bộ Xây dựng trả lời một số kiến nghị của các địa phương. |
Đối với 3 tỉnh, trừ Tiền Giang, đề nghị tỉnh Đồng Nai, Bình Dương quan tâm đến vấn đề quy hoạch, sớm hoàn thiện công bố phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát lại quy hoạch đô thị; quản lý đô thị, trật tự xã hội trên địa bàn; về đảm bảo an toàn lao động và tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan các dự án bất động sản trên địa bàn; phát triển NƠXH...
Cần nhiều hơn nữa các buổi làm việc của Đoàn công tác Chính phủ Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng, các buổi làm việc của Đoàn công tác Chính phủ tại 3 tỉnh, trong đó có Tiền Giang đã giải quyết cho địa phương rất nhiều vấn đề. Đặc biệt, những khó khăn, vướng mắc tại tỉnh Tiền Giang thời gian qua đã được tháo gỡ kịp thời, qua đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển cơ sở hạ tầng. Lấy ví dụ về việc trong lần họp trước, tỉnh đã có những kiến nghị về vấn đề hạn mặn ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của nhân dân, ngay sau đó, Chính phủ đã cử Đoàn công tác vào giải quyết những khó khăn liên quan đến vấn đề hạn mặn. Đồng quan điểm với tỉnh Tiền Giang, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng khẳng định, trên cơ sở các kết quả làm việc với Đoàn công tác Chính phủ, UBND tỉnh thường xuyên tổ chức và cử lãnh đạo tỉnh tham gia các hội nghị, đối thoại, buổi làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm nắm bắt tình hình thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh; tiếp tục thu hút, mời gọi các dự án đầu tư mới; đồng thời, lắng nghe và chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp để tìm giải pháp tháo gỡ giúp các doanh nghiệp phục hồi và phát triển. |
Mai Thanh – Thìn Nguyễn
Theo