(Xây dựng) – Tại phiên họp chiều 28/5 về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận, làm rõ thêm nhiều nội dung, đề xuất cụ thể việc tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý một số điều, khoản quy định cụ thể trong dự thảo Luật, nhằm bảo đảm tính khả thi, nâng cao chất lượng, hiệu quả cao khi thi hành Luật. Đáng chú ý, việc cần bổ sung, làm rõ quy định về môi trường, đảm bảo đồng bộ về pháp luật bảo vệ môi trường... là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.
Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chiều 28/5. (Ảnh: Quốc hội) |
Một số quy định chưa đồng bộ
Đại biểu Phạm Văn Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và đánh giá đây là dự thảo Luật đã tiếp thu ý kiến các ĐBQH một cách rất chất lượng. Với cơ chế, chính sách như vậy, Đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng: Hà Nội sẽ có bước phát triển rất đột phá...
Liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 28, đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị bổ sung thêm khoản 5 quy định giao cho UBND Thành phố Hà Nội quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của HĐND Thành phố Hà Nội.
“Tại điểm b Điều 54, đối với diện tích đất đã được đầu tư hạ tầng, nhưng chưa cho thuê đất, UBND Thành phố Hà Nội thực hiện việc thu hồi đất và cho thuê đất trực tiếp với các nhà đầu tư. Nếu quy định như trên sẽ dễ dẫn đến hiểu nhầm và đề nghị cân nhắc sửa lại”, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho hay.
Tương tự, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An nhận thấy, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội lần này đã tiếp thu rất nhiều nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, qua rà soát vẫn còn một số quy định trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chưa đồng bộ, chưa đột phá, chưa thực sự huy động được nguồn lực để giải quyết các vấn đề cấp bách về môi trường Thủ đô.
Đề cập đến vùng phát thải thấp quy định tại Điều 3 và Điều 28, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, quy định về vùng phát thải thấp tại khoản 6 Điều 3 và tiêu chuẩn môi trường tại khoản 3 Điều 28 không đồng bộ về pháp luật bảo vệ môi trường, do đó, đại biểu đề nghị trong trường hợp vẫn quy định như dự thảo Luật cần có báo cáo về cơ sở khoa học xác định thế nào là mức phát thải thấp để đảm bảo tính khả thi trong quy định này.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cũng đề nghị, cần có chính sách đột phá so với pháp luật hiện hành đó là phân quyền cho Hà Nội về điều chỉnh phân luồng môi trường. Do đó, đại biểu kiến nghị sửa lại điểm 3 khoản 3 Điều 28 đó là: HĐND Thành phố Hà Nội quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự thủ tục, xác định điều chỉnh vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải và lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với từng phân luồng môi trường.
Đồng thời cần rà soát, bổ sung quy định phù hợp để tránh vướng mắc trong thực tiễn khi áp dụng Luật này và Luật Quy hoạch.
Thủ đô Hà Nội. (Ảnh minh họa) |
Về huy động nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường quy định tại Điều 34 và Điều 37, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị sửa đổi khoản 5 Điều 34 thành: Ngân sách Thành phố Hà Nội được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí quy định tại khoản 4 Điều này để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội và chi hoạt động kinh tế, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường. Sửa đổi khoản 1 Điều 37 theo hướng tăng cường phân quyền cho Hà Nội trong việc phê duyệt các dự án trọng điểm về bảo vệ môi trường.
Đảm bảo môi trường sống trong lành
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đưa ra một số ý kiến góp ý liên quan.
Cụ thể, về quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô tại Điều 17, đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị bổ sung cụm từ “môi trường sống trong lành” tại khoản 1 và viết lại khoản này thành: “Quy hoạch chung Thủ đô phải đảm bảo xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, môi trường sống trong lành, phát triển bền vững, nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân được sống trong môi trường xanh, sạch, thuần khiết, chất lượng với hệ sinh thái cân bằng, không có những sự cố môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và hoạt động thường ngày của người dân”.
Đồng thời, đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị bổ sung tại khoản 1 Điều 28 quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô nguyên tắc xây dựng môi trường sống trong lành và các quy định về cơ chế thực hiện đảm bảo môi trường sống trong lành của Thủ đô được nghiêm túc thực thi.
Về vấn đề quản lý, sử dụng không gian ngầm quy định tại Điều 19, theo đại biểu Nguyễn Hải Anh, năm 2022, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 913/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chung không gian ngầm đô thị trung tâm Thành phố Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, trở thành đô thị đầu tiên trong cả nước phê duyệt quy hoạch không gian ngầm, mở ra một giai đoạn phát triển của Thủ đô theo chiều ngang, chiều cao và cả chiều sâu, tạo một hế thống không gian đô thị đồng bộ, góp phần khai thác đô thị hiệu quả nguồn lực tài nguyên đất đai, năng lực cơ sở hạ tầng, giữ gìn cảnh quan văn hóa, tăng diện tích xanh, giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông… hướng tới phát triển đô thị hiện đại, bền vững. Do đó, các chính sách ưu tiên phát triển không gian ngầm cũng cần được quy định rõ hơn trong dự thảo Luật này.
Bên cạnh đó, Hà Nội phải đặt trọng tâm vào việc giữ gìn và phát triển hơn nữa diện tích đất trồng rừng và coi việc nâng tỷ lệ che phủ rừng của Hà Nội là vấn đề cốt lõi. Đại biểu Nguyễn Hải Anh cũng đề nghị hạn chế tối đa các dự án có mục đích chuyển đổi đất rừng, sản xuất đồng thời có giải pháp tăng thêm diện tích cây xanh trong khu vực đô thị trung tâm thành phố...
Linh Đan
Theo