(Xây dựng) - Phát triển hệ thống cấp nước, xử lý rác thải và thu gom nước sinh hoạt hoạt, tận dụng mọi nguồn tài nguyên, Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) đã và đang đi đầu tạo môi trường tốt nhất đồng hành cùng tỉnh Bình Dương thu hút dòng vốn “xanh”.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương thăm quan nhà máy phát điện từ rác có công suất 5MW. |
Cơ sở hạ tầng đi đầu để hướng mục tiêu phát triển Thành phố thông minh
Với vị trí chiến lược, tỉnh Bình Dương đang hướng tới mục tiêu phát triển Thành phố thông minh đến năm 2030. Trong đó, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 10%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 15.800 USD; tỷ lệ đô thị hóa 88 - 90% …
Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh Bình Dương vừa công bố Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Bình Dương đặt tầm nhìn đến năm 2050 sẽ trở thành trung tâm đô thị công nghiệp, dịch vụ hiện đại, phát triển bền vững và là điểm đến ưa chuộng của các doanh nghiệp toàn cầu trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ công nghiệp.
Thêm nữa, với mục tiêu trở thành Thành phố thông minh đến năm 2030, tỉnh Bình Dương sẽ tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, công nghiệp, dịch vụ đồng bộ, hiện đại, thông minh để mở rộng không gian phát triển, phát triển hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn; khai thác và sử dụng hiệu quả không gian trên cao, không gian ngầm, không gian sinh thái, không gian số, không gian văn hóa. Đẩy mạnh hình thành các hành lang, vành đai kinh tế, công nghiệp, đô thị, dịch vụ gắn với các hành lang giao thông kết nối liên vùng.
Đồng thời, tỉnh Bình Dương cũng sẽ phải sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững theo xu hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, góp phần thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết.
Được biết, Quy hoạch tỉnh Bình Dương bao gồm toàn bộ diện tích địa giới hành chính của tỉnh, với tổng diện tích tự nhiên là 2.694,64 km². Trong đó, bao gồm 5 thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát; và 4 huyện gồm Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên.
Theo các chuyên gia, một hệ thống điện, nước, xử lý rác thải hoàn chỉnh, hiện đại là yếu tố quan trọng để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong bối cảnh các doanh nghiệp luôn tìm kiếm những địa điểm có cơ sở hạ tầng tốt để đảm bảo hoạt động sản và kinh doanh không bị gián đoạn.
Thêm nữa, với xu hướng biến đổi khí hậu, các doanh nghiệp trong nước và đa quốc gia ngày nay cũng đang chú trọng sản xuất xanh, thân thiện với môi trường để có thể đáp ứng các tiêu chuẩn ngày một khắt khe của chuỗi cung ứng, đồng thời cũng là hành động thiết thực hướng tới bảo vệ môi trường.
Chính vì vậy, việc phát triển hệ thống điện, nước và xử lý rác thải hoàn chỉnh, hiện đại, giảm tác động môi trường đang là điểm cộng đối với các địa phương muốn huy động vốn đầu tư xanh của các doanh nghiệp đa quốc gia.
Biwase cung cấp giải pháp toàn diện hỗ trợ thu hút dòng vốn “xanh”
Thực tế trong nhiều năm qua, Biwase là đơn vị đi đầu trong phát triển kinh tế tuần hoàn, cũng như đã xây dựng được mô hình kinh doanh góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại tỉnh Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung.
Đầu tiên, về vấn đề xử lý rác thải, Biwase đã tạo thành mô hình xử lý rác thải tuần hoàn biến rác thải thành “tài nguyên” để tái chế thành phân bón, gạch, phát điện… Trong đó, đặc biệt kể từ ngày 01/8/2023, Biwase không còn chôn lấp rác trên lưu vực sông Đồng Nai, mà 100% rác thải được Công ty thu gom, phân loại, tái chế làm các sản phẩm như phân compost, gạch lát, gạch xây dựng, tận dụng nguồn nhiệt lò đốt rác thải không thể tái chế để phát điện công suất 5MW.
Việc đưa nhà máy phát điện từ rác thải vào vận hành giúp Biwase xây dựng thành công mô hình xử lý rác thải tuần hoàn, đồng thời còn tạo ra nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường.
Thứ hai, về hệ thống cấp nước, Biwase đã xây dựng đường ống nước sạch toàn tỉnh Bình Dương với diện tích 2.694 km2 và một số địa phương khác với tổng công suất tối đa 1 triệu m3/ngày đêm với 8 cụm nhà máy cấp nước sử dụng nguồn nước mặt từ hai con sông lớn là sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, phủ sóng tới cả vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bình Dương.
Nhà máy xử lý nước thải Dĩ An. |
Hoạt động thành công tại tỉnh Bình Dương, Biwase đang liên tục mở rộng kinh doanh và đầu tư sang các tỉnh như Cần Thơ, Đồng Nai, Long An, Quảng Bình, Vĩnh Long... Điều này cũng đã hỗ trợ nhiều tỉnh thành khác có điều kiện thuận lợi hơn về cơ sở hạ tầng để thu hút vốn đầu tư.
Thứ ba, Biwase cũng đã phát triển hệ thống thu gom xử lý nước thải sinh hoạt, hệ thống thu gom tiên tiến, văn minh, chất lượng xử lý đạt chuẩn cao nhất (loại A).
Hiện Biwase đã hoàn thành đưa vào vận hành 4 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất 87.000m3/ngày/đêm tại Thủ dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên nhằm đảm bảo thu gom xử lý triệt để nguồn nước thải sinh hoạt của người dân. Nước thải sinh hoạt thu gom về nhà máy được xử lý bằng công nghệ hiện đại đạt tiêu chuẩn loại A trước khi thải ra môi trường. Qua đó góp phần giữ an toàn cho nguồn nước lưu vực sông Đồng Nai cũng như đảm bảo sản xuất xanh trong thu hút đầu tư tại Bình Dương.
Như vậy, với hệ thống cung cấp nước sạch, thu gom rác, thu gom nước thải sinh hoạt phát triển đồng bộ, hiện đại bậc nhất trên toàn quốc, Biwase đã và đang là ngọn cờ đi đầu của tỉnh Bình Dương để đảm bảo hệ thống xử lý rác, cung cấp nước sạch luôn theo kịp với khu công nghiệp, khu dân cư, đảm bảo cho doanh nghiệp và người dân sinh sống ổn định và yên tâm phát triển kinh tế.
Duy Bắc
Theo