(Xây dựng) - Năm 2022, Bình Liêu một huyện miền núi biên giới vùng Đông Bắc Quảng Ninh phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) toàn huyện, trong đó có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, thị trấn huyện đạt chuẩn đô thị văn minh theo bộ tiêu chí quốc gia dự thảo giai đoạn 2021-2025.
Bình Liêu từng bước nâng tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ du lịch. |
Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã đôn đốc các xã, các phòng ban khẩn trương triển khai Kế hoạch xây dựng chuẩn NTM. Về nguồn lực, huyện cân đối, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước từ Chương trình xây dựng NTM, gắn với bảo đảm vững chắc an ninh quốc phòng ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới. Đồng thời, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách theo phương châm xã hội hóa đầu tư cơ cở vật chất, tập trung là cơ sở hạ tầng làm động lực phát triển, tạo sự chuyển biến từ "lượng" sang "chất", phù hợp với thực tế hoàn cảnh của địa phương.
Thị trấn của huyện đạt chuẩn đô thị văn minh theo bộ tiêu chí quốc gia dự thảo giai đoạn 2021-2025. |
Huyện Bình Liêu đã và đang triển khai 33 dự án hạ tầng trong năm 2022 và giai đoạn 2022-2025, trong đó có công trình tuyến cống hộp thay thế đường tràn qua thôn Bản Chuồng (xã Lục Hồn) là điểm xung yếu nhất tồn đọng nhiều năm nay, hiện công trình đang đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa vào sử dụng trước mùa mưa 2022. Huyện còn đầu tư xây dựng đại trà hệ thống cống hộp và đường dẫn thay thế 12 đường tràn ở các đoạn đường trũng, mùa mưa hay bị ngập lụt tại các xã: Đồng Văn, Vô Ngại, Lục Hồn, Húc Động, Đồng Tâm và vùng ven thị trấn huyện với tổng chiều dài trên 2,2km, mức đầu tư trên 56 tỷ đồng.
Bình Liêu đường sá thoáng rộng mở đến đâu thì dân giàu lên đến đấy, bởi giao thương thuận lợi, các khe bản chuyển sang sản suất hàng hóa, nhà nhà chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có giá trị hàng hóa; phát triển lâm nghiệp theo hướng trồng cây lâu năm phù hợp với thổ nhưỡng và cho thu nhập cao như hồi, quế, sở, thông; dưới tán rừng lại trồng được cây dược liệu quý và nhiều loại lâm sản sau gỗ. Đồng thời đổi mới mô hình kinh tế hợp tác xã, như ngành nghề sản xuất miến dong đã có 3 dự án liên kết giữa hợp tác xã, doanh nghiệp và người dân đã chủ động được nhân lực, hợp lực 120ha đất trồng dong cây nguyên liệu chính làm miến dong, nên không còn tình trạng bấp bênh thiếu nguyên liệu sản xuất như trước đây. Chất lượng sản phẩm được nâng cao, thương hiệu OCOP 4 sao miến dong Bình Liêu được củng cố vững chắc lòng tin với thị trường.
Người thiểu số vùng cao làm quen với sản xuất hàng hóa lợi thu. |
Năm 2021, sản lượng hoa hồi (khô) Bình Liêu đạt 786 tấn, bằng 217,7% năm 2020; quế vỏ (khô) 494,2 tấn, bằng 207,6% năm 2020; nhựa thông 780 tấn, gấp trên 3 lần rưỡi năm 2020; hạt sở 657 tấn tăng gấp 5 lần rưỡi so với năm 2020. Qua đó, tạo nguồn thu nhập ổn định, nâng cao mức sống cho người dân. Dự kiến năm 2022, huyện Bình Liêu thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 56 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo chỉ còn 1,31%, hộ cận nghèo chỉ còn 2,63%.
Năm 2022, huyện Bình Liêu xây dựng kế hoạch kích cầu du lịch, nâng hoạt động du lịch lên một tầm cao mới, chất lượng và hiệu quả. Trong đó, lồng ghép các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn riêng về cảnh quan sinh thái vùng núi, biên giới gắn với tiềm năng văn hóa lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, nâng cao mức sống của người dân, để bà con thiểu số vùng cao biên giới yên tâm bám đất, bám khe bản, góp phần bảo về chủ quyền và an ninh vùng biên giới của Tổ quốc.
Vũ Phong Cầm
Theo