(Xây dựng) - Tỉnh Bình Dương hiện có hơn 53,5% trên tổng số gần 2,7 triệu dân của tỉnh là người từ các địa phương khác đến sinh sống, làm việc, học tập; tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp phát triển về giáo dục đào tạo (GDĐT), đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cùng với công tác quản lý giáo dục và nhiều chế độ, chính sách ưu tiên phát triển.
Đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc với tỉnh Bình Dương về thực hiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực GDĐT. |
Trong thời gian qua, cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, duy trì và nâng cao tỷ lệ thu hút đầu tư, tỉnh Bình Dương luôn chú trọng, quan tâm chăm lo đến công tác an sinh xã hội, không ngừng cải thiện; từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Trong đó tỉnh Bình Dương đặc biệt quan tâm, ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều chế độ, chính sách ưu tiên phát triển các lĩnh vực về GDĐT, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thu hút các nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị từ ngân sách để ngành GDĐT phát triển tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh.
Tỉnh Bình Dương hiện có tỷ lệ tăng học sinh bình quân hàng năm ở các cấp học khoảng gần 30.000 em/năm. Tuy nhiên với sự chỉ đạo của UBND tỉnh cùng những nỗ lực của ngành Giáo dục tỉnh Bình Dương, chất lượng giáo dục các cấp học được nâng cao; tỷ lệ kiên cố hóa trường học đạt 100%; đảm bảo trẻ em đủ tuổi đến trường đều được đi học. Kết quả thi tốt nghiệp THPT các năm qua đều đứng thứ hạng cao nằm trong top đầu cả nước, khẳng định chất lượng đào tạo.
Với lộ trình cụ thể, tỉnh Bình Dương đã bố trí đầy đủ nguồn ngân sách thực hiện các đề án, dự án đã được phê duyệt; tích cực đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học trên địa bàn, đảm bảo có đủ phòng học, phòng chức năng, các công trình, thiết bị dạy học theo quy định, đáp ứng tốt cho thực hiện dạy học 2 buổi/ngày và mục tiêu cho thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Bên cạnh việc tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống giáo dục công lập, tỉnh Bình Dương luôn tạo điều kiện thuận lợi và đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa giáo dục. Nhờ đó, mạng lưới giáo dục mầm non (GDMN) ngoài công lập phát triển nhanh, mạnh, góp phần giảm áp lực cho các trường mầm non công lập, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của nhân dân. Theo báo cáo, năm học 2021-2022, số trẻ đến các cơ sở GDMN ngoài công lập chiếm tỷ lệ 70,54% trên tổng số trẻ đến trường lớp mầm non.
Trung tâm dạy nghề tại Bình Dương. |
Theo ông Nguyễn Lộc Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh có chương trình phát triển nguồn nhân lực; riêng ngành Giáo dục cũng có xây dựng đề án nhưng công tác thu hút vẫn còn hạn chế. Hàng năm, tỉnh dành nguồn lực lớn để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, tiếp sức đến trường, chăm lo cho con em công nhân lao động và tiếp tục thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Cùng với phát triển kinh tế, Bình Dương đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Phát biểu kết luận trong buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Dương mới đây, ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ghi nhận những kết quả và nỗ lực cố gắng của Bình Dương trong việc thực hiện các chính sách trên các lĩnh vực văn hóa xã hội. Theo đó, ông Tạ Văn Hạ cũng đề xuất một số nội dung tỉnh Bình Dương cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể, tiếp tục huy động mọi nguồn lực trong xã hội tạo sức mặt tổng hợp để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đề ra. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước tất cả các lĩnh vực, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân; đầu tư cho nguồn nhân lực đáp ứng các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể cho giáo dục. Ưu tiên quỹ đất phát triển cho giáo dục, thể thao, văn hóa, khu vui chơi cho thiếu nhi. Tăng cường đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho đối tượng yếu thế, trẻ em và thanh niên.
Trường Đại học quốc tế Việt Đức, tỉnh Bình Dương. |
Với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững đòi hỏi tỉnh Bình Dương phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển văn hóa xã hội, chăm lo tốt cho an sinh xã hội để tránh bẫy thu nhập trung bình, đầu tư nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của từng giai đoạn. Nếu như giai đoạn đầu đòi hỏi trình độ lao động phổ thông, thì đến giai đoạn hiện tại tỉnh Bình Dương cần nguồn nhân lực chất lượng cao, thông qua các chính sách thu hút và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.
Tỉnh Bình Dương hiện có 388 trường công lập các cấp học với tổng biên chế được giao 18.034 chỉ tiêu, đến cuối năm 2022 có 17.626 người, trong đó có 12.537 giáo viên phổ thông (so với định mức, hiện còn thiếu 2.149 giáo viên phổ thông các cấp học); có 7 trung tâm giáo dục thường xuyên; 86 cơ sở GDNN và cơ sở có đăng ký hoạt động GDNN.
Ông Nguyễn Văn Phong – Phó Giám đốc Sở GDĐT Bình Dương kiến nghị không tinh giản biên chế đối với ngành Giáo dục. Đồng thời có chế độ chính sách đặc thù phụ cấp ưu đãi cho sinh viên ngành Sư phạm để khuyến khích học sinh đăng ký theo học ngành Sư phạm, có như vậy mới đủ nhân lực đáp ứng nhu cầu tuyển dụng viên chức của ngành; cần có chế độ thông thoáng để thu hút nguồn đầu tư trường lớp ngoài công lập nhằm giảm tải áp lực cho giáo dục công lập. Ông Phong cũng đề xuất cần có tiêu chuẩn đạt kiểm định chất lượng về chuẩn quốc gia dành riêng cho các đơn vị giáo dục ngoài công lập đặc biệt là cơ sở GDMN.
Yphong
Theo