(Xây dựng) - An Lão là huyện vùng cao của tỉnh Bình Định, đang tập trung mọi nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Toàn huyện vùng cao An Lão mới chỉ có xã An Hòa về đích nông thôn mới, hiện nay là xã An Tân cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Xã An Tân, huyện An Lão hoàn thành 19/19 tiêu chí. |
Với đặc thù là huyện miền núi, nghèo, điểm xuất phát thấp, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dân số địa phương, trình độ dân trí còn hạn chế nên việc triển khai thực hiện nông thôn mới trên địa bàn huyện vùng cao An Lão vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Xây dựng nông thôn mới vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là chủ trương có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn huyện An Lão. Qua đó tạo được sự đồng thuận và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm hiệp lực của toàn dân trong triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Sau sự thành công về đích nông thôn mới của xã An Hòa thì huyện An Lão tập trung mọi nguồn lực đưa An Tân là xã thứ 2 trên địa bàn huyện về đích nông thôn mới.
An Tân là xã nằm phía Đông Nam của huyện An Lão, có diện tích tự nhiên 2.327,07ha; tổng cư dân gồm 1.290 hộ với 3.312 nhân khẩu được phân bổ trên 6 thôn, trong đó có 1 thôn là người dân tộc Hơre có 42 hộ, 146 nhân khẩu. Trên địa bàn xã An Tân có trục đường giao thông ĐT. 629 đi qua các xã An Hòa, thị trấn An Lão và xã An Trung, 1 tuyến liên xã An Tân – An Quang.
Cơ sở trường học khang trang. |
An Tân là một xã khó khăn với 80% người dân sống nhờ vào nông – lâm nghiệp; 12% lao động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; 8% còn lại là cán bộ, công nhân, viên chức. Kinh tế mũi nhọn là sản xuất nông – lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ còn nhỏ lẻ chưa mang tính bền vững toàn diện.
Xã An Tân nằm trong địa hình thung lũng An Lão, tiếp giáp nhiều với núi, có dòng sông An Lão chảy qua, vì vậy địa hình phức tạp, núi non hiểm trở có độ dốc cao nên thường xuyên bị hạn bán, gây thiếu nước cục bộ vào mùa nắng nóng, lũ quét sa bồi thủy phá vào mùa mưa và chịu ảnh hưởng của các trận lũ hàng năm.
Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng An Tân luôn nỗ lực vượt qua mọi thử thách xây dựng nền kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh ngày một phát triển mạnh mẽ, cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp, tạo động lực cho nền kinh tế của xã tiếp tục tăng trưởng, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, khởi sắc, khang trang, đường làng ngõ xóm sáng – xanh – sạch đẹp, nhằm nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên, môi trường sống cho nhân dân trên địa bàn xã.
Cùng đó là các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai qua các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể, các mô hình sản xuất có hiệu quả, thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện. Từ đó, vận dụng vào tình hình thực tế của địa phương, tổ chức thực hiện, đến nay xã An Tân đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Xã An Tân có trục đường giao thông ĐT. 629 đi qua các xã An Hòa, thị trấn An Lão |
Trò chuyện với phóng viên, ông Lê Phước Lưu – Chủ tịch UBND xã An Tân bày tỏ niềm vui: Bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới của xã là làm tốt công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng công cuộc xây dựng nông thôn mới. Với tinh thần đoàn kết, nhất là tạo sự đồng thuận gắn kết cao trong nhân dân thực hiện tốt nguyên tắc: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng từ những công trình, các mô hình sản xuất. Đồng thời, xã hội hóa việc huy động các nguồn lực trong cộng đồng dân cư, người con xa quê hương, doanh nghiệp có tiềm lực, tâm huyết với địa phương.
Nhà văn hóa xã An Tân được đầu tư xây dựng khang trang. |
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão Đỗ Tùng Lâm cho biết: Xây dựng nông thôn mới là một trong những nội dung quan trọng, có mục tiêu toàn diện trong đường lối phát triển về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn từng bước hiện đại; xây dựng cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; gắn công nghiệp với phát triển dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xây dựng xã hội nông thôn mới dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ môi trường sinh thái, giữ vững an ninh trật tự, tăng cường hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã An Tân đã hoàn thành về đích nông thôn mới trên những mục tiêu ấy.
Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão tiếp lời: Đoàn thẩm tra của huyện đã họp đánh giá, thẩm tra kết quả thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã An Tân và thống nhất xã An Tân đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Mới đây, Đoàn thẩm tra của tỉnh Bình Định cũng đã về thẩm tra đánh giá kết quả để đề nghị công nhận xã An Tân đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2022 trong thời gian tới.
Mỹ Bình
Theo