(Xây dựng) - Ngày 28/5/2020, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) đã long trọng tổ chức Lễ công bố Nghị quyết số 932/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Hoài Nhơn và các phường thuộc thị xã Hoài Nhơn.
Ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định trao Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Hoài Nhơn và các phường trực thuộc thị xã Hoài Nhơn. |
Hoài Nhơn là một huyện phía Bắc Bình Định, tiếp giáp với tỉnh Quảng Ngãi có ngư trường Hoàng sa, Trường sa. Huyện được thành lập từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, là một trong những cái nôi của nền văn hóa cổ Sa Huỳnh, văn hóa Chăm, có danh nhân Đào Duy Từ, là một tài năng lớn trong nhiều lĩnh vực: Chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật. Với vị trí chiến lược quan trọng, là trung tâm giữa 02 thành phố lớn là thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định và thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Hoài Nhơn có nhiều lợi thế để phát triển, có đường bờ biển dài 24 km với 02 cửa biển Tam Quan và An Dũ và Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cấp vùng. Có Quốc lộ 1A, đường sắt chạy dọc theo chiều dài của huyện với 02 nhà ga đường sắt (Bồng Sơn và Tam Quan), là đầu mối của các tuyến giao Tỉnh lộ, đường quốc gia ven biển và hệ thống cầu, đập bắc qua sông Lại Giang nối liền với các địa phương phía Bắc tỉnh Bình Định.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Bí thư tỉnh ủy Bình Định trao Quyết định của Tỉnh ủy tỉnh Bình Định về việc thay đổi tên Đảng bộ huyện Hoài Nhơn thành thị xã Hoài Nhơn. |
Hoài Nhơn là vùng đất có bề dày lịch sử, giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng, có nhiều di tích lịch sử, cách mạng tiêu biểu như: Di tích Danh nhân văn hóa Đào Duy Từ, di tích cuộc biểu tình năm 1931 tại cây số 7 Tài Lương, di tích chiến thắng Đồi Mười, di tích nơi cập bến đoàn Tàu không số...
Huyện hiện có 17 sản phẩm nông nghiệp nông thôn, 2 sản phẩm cấp quốc qia. Thương mại dịch vụ phát triển, kim ngạch xuất khẩu trên 100 triệu USD, thu nhập bình quân 53,8 triệu đồng/người/năm.
Năm 2010, thị trấn Bồng Sơn được công nhận đô thị loại 4, nhiều dự án công trình hạ tầng được đầu tư cải thiện cảnh quan đô thị và môi trường. Công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị được quan tâm, tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản 5 năm của huyện giai đoạn 2015-2020 trên 3.200 tỷ đồng, nhiều công trình, hạ tầng kinh tế - xã hội được hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ nhân dân góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả khu vực phía Bắc tỉnh Bình Định.
Năm 2018, Hoài Nhơn là huyện đầu tiên của tỉnh Bình Định đạt chuẩn Nông thôn mới, đây là kết quả toàn dân chung sức xây dựng đời sống và phát triển đô thị hôm nay. Ngày 25/10/2019, Hoài Nhơn được Bộ Xây dựng công nhận đô thị lại IV. Việc thành lập thị xã tương xứng với quy hoạch đô thị loại 4 đã được Bộ Xây dựng phê duyệt, theo định hướng: Một trục, hai cánh, bốn trung tâm. Đây là trung tâm kinh tế phía Bắc, gắn với phát triển kinh tế lâu dài, điểm giao lưu kinh tế và cửa ngõ gắn với Tây nguyên, là điểm sáng của vùng Duyên hải miền Trung. Sau khi thành lập thị xã, các lĩnh vực kinh tế ngày càng sẽ phát triển, đời sống người dân sẽ ngày càng nâng lên với những hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển của một đô thị.
Bộ mặt đô thị Hoài Nhơn ngày càng phát triển. |
Bên cạnh đó, việc thành lập 11 phường trực thuộc thị xã Hoài Nhơn, sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Đưa Hoài Nhơn sẽ là đô thị trung tâm vùng của phía Bắc tỉnh, tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh.
Để thực tiêu các mục tiêu phát triển, ông Cao Thanh Thương - Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn cho biết: Thời gian tới Hoài Nhơn sẽ tập trung nhân lực, khuyến khích các thành phần kinh tế, xây dựng các khu đô thị, phát triển kinh tế biển. Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, xây dựng chính quyền đô thị đáp ứng yêu cầu hoạt động trong tình hình mới.
Sau khi thành lập thị xã Hoài Nhơn và các phường trực thuộc, thị xã Hoài Nhơn có 17 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 11 phường: Bồng Sơn, Hoài Đức, Hoài Hảo, Hoài Hương, Hoài Tân, Hoài Thanh, Hoài Thanh Tây, Hoài Xuân, Tam Quan, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam và 6 xã: Hoài Châu, Hoài Châu Bắc, Hoài Hải, Hoài Mỹ, Hoài Phú, Hoài Sơn. Như vậy, kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, tỉnh Bình Định có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 08 huyện, 02 thị xã và 01 thành phố; 159 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 117 xã, 32 phường và 10 thị trấn. |
Lê Mỹ
Theo