(Xây dựng) - Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tổng nguồn vốn tín dụng đến ngày 30/6/2024 đạt 4.733 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với 2014. Hoạt động tín dụng chính sách tại Bình Dương đã giúp 27.497 hộ thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 227.166 lao động; 9.844 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập…
Tai Bình Dương, trong giai đoạn 31/12/2014 đến 30/6/2024, tổng nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 4.733 tỷ đồng, tăng 3.679 tỷ đồng (tăng gần 3,5 lần). (Ảnh minh họa) |
Phát triển mạnh về quy mô và chất lượng.
Theo số liệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Dương, tổng nguồn vốn tín dụng đến ngày 30/6/2024 đạt 4.733 tỷ đồng, tăng 3.679 tỷ đồng (tăng gần 3,5 lần) so với thời điểm ngày 31/12/2014. Trong đó, ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn để cùng với nguồn vốn Trung ương thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đạt 1.987 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 42% tổng nguồn vốn và tăng gần 30 lần so với thời điểm 31/12/2024.
Doanh số cho vay 11.880 tỷ đồng, với 277.472 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác vay vốn.
Cũng theo đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội, cùng với việc tăng trưởng về quy mô tín dụng, chất lượng các khoản vay cũng không ngừng được củng cố thông qua phương thức cho vay đặc thù là ủy thác một số nội dung công việc qua các tổ chức chính trị-xã hội, người vay tham gia vào các Tổ tiết kiệm vay vốn tại khu phố, ấp, sinh hoạt Tổ định kỳ hàng quý…
Theo đó, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn đã tổ chức các Điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn, các Tổ tiết kiệm và vay vốn thành lập tại các khu phố với phương châm phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tốt nhất cho người dân, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác. Từ đó, đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi thuận lợi, tiết giảm chi phí, thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và của cả xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách.
Nguồn vốn cho vay không ngừng tăng trưởng và ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương.
Như vậy có thể thấy, qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội đã được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Bình Dương chú trọng thực hiện; quy mô tổ chức của Ngân hàng chính sách xã hội cấp tỉnh và cấp huyện từng bước được ổn định, hoạt động của tín dụng chính sách xã hội không ngừng được nâng lên.
Trở thành điểm tựa an sinh xã hội
Hoạt động tín dụng chính sách tai Bình Dương đã góp phần giúp 27.497 hộ thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 227.166 lao động; 9.844 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập. (Ảnh minh họa) |
Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách là những người yếu thế dễ bị tổn thương trong xã hội. Góp phần vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo.
Tại Bình Dương, hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần tích cực giúp 27.497 hộ thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 227.166 lao động; 9.844 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập; xây dựng, sửa chữa 158.324 công trình nước sạch, vệ sinh; xây dựng mới, mua 778 căn nhà ở xã hội; 237 lượt người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 124.103 người lao động...
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Hoạt động cho vay vốn tín dụng chính sách xã hội được lồng ghép với việc chuyển giao kỹ thuật, khuyến nông nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh giảm chỉ còn 5.995 hộ, chiếm tỷ lệ 1,37% và hộ cận nghèo còn 1.739 hộ, chiếm tỷ lệ 0,43%.
Tín dụng chính sách xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là công cụ hữu ích cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, cải thiện thu nhập cho nhân dân. Đồng thời, với lãi suất thấp chính là "lực đẩy" để các hộ gia đình phát triển sản xuất, làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND Bình Dương cũng chia sẻ, với đặc thù tỉnh phát triển công nghiệp thu hút nhiều lao động, nhu cầu nhà ở của người lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương rất lớn. Tỉnh ủy đã có chỉ đạo quyết liệt về phát triển nhà ở xã hội để đảm bảo chỗ ở cho người lao động. Trong năm 2024, tỉnh sẽ ủy thác 500 tỷ đồng nguồn vốn tín dụng chính sách trong có chú trọng cho vay nhà ở xã hội…
Công Danh
Theo