(Xây dựng) - Cho thuê 79,22ha đất công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài 944 triệu đô la Mỹ. So với cùng kỳ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch tăng 13%; kim ngạch xuất khẩu đạt tăng 8,6%; kim ngạch nhập khẩu tăng 10,6% và đặc biệt, 2 dự án nhà ở với quy mô 5.968 căn hộ đã được chấp thuận chủ trương đầu tư... Đây là những con số ấn tượng trong 7 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Bình Dương.
Kinh tế Bình Dương vẫn giữ đà tăng trưởng trong 7 tháng 2024. |
Kinh tế giữ đà tăng trưởng
Theo đánh giá của tỉnh Bình Dương, năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025. Đây cũng là giai đoạn thế giới nói chung và trong nước nói riêng gặp nhiều khó khăn nhưng bằng những “cách đi” phù hợp nên kinh tế của Bình Dương trong 7 tháng qua vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực.
Báo cáo mới nhất của tỉnh Bình Dương cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,19% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ tăng 3,55%); trong đó: Công nghiệp - xây dựng tăng 5,81%; dịch vụ tăng 7,36%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,2%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,29%.
Nổi bật trong những con số “biết nói” là lĩnh vực công nghiệp với mức tăng trưởng 5,63% so với cùng kỳ năm 2023 dù cũng phải gặp nhiều khó khăn. Góp phần vào kết quả này là Bình Dương đã cho thuê 79,22ha đất, thu hút đầu tư nước ngoài 944 triệu đô la Mỹ (chiếm 88,64% cả tỉnh).
Vượt qua nhiều thách thức, 7 tháng đầu năm 2024, Bình Dương đã đưa kim ngạch xuất khẩu đạt 18,9 tỷ đô la Mỹ, tăng 8,6% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 13,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 10,6%. Đây cũng có thể coi là dấu hiệu tích cực đối với sản xuất của Bình Dương khi các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu đẩy mạnh sản xuất.
Dù toàn cảnh còn nhiều khó khăn nhưng 7 tháng qua, Bình Dương vẫn thu hút được 47.500 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh từ các doanh nghiệp trong nước. 1 tỷ đô la Mỹ từ các nhà đầu tư nước ngoài “đem” đến, đã đưa Bình Dương vào vị trí thứ 3 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Bên cạnh đó, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công của Bình Dương chưa đạt như kỳ vọng với 5.021 tỷ đồng, đạt 22,8% kế hoạch HĐND tỉnh giao (cùng kỳ đạt 31,4% kế hoạch) và đạt 32,9% kế hoạch Thủ tướng giao. Tuy nhiên, Bình Dương tin tưởng đến cuối năm, tỷ lệ giải ngân đạt từ 94% trở lên khi công tác đền bù giải phóng mặt bằng dành quỹ đất cho các công trình trọng điểm như: Vành đai 3; cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; Vành đai 4… được thúc đẩy nhanh chóng, đảm bảo tiến độ.
Cùng với những hoạt động đầu tư, thúc đẩy kinh tế, Bình Dương đã nỗ lực để hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ; phê duyệt các đồ án quy hoạch chung thành phố Thuận An, Tân Uyên, Bến Cát và quy hoạch vùng huyện Dầu Tiếng; Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… đặc biệt, trong tương lai gần tại Bình Dương sẽ có 02 dự án nhà ở xã hội với quy mô 5.968 căn hộ.
Tổng lực vượt khó
Bên cạnh những thành quả đạt được, Bình Dương cũng thẳng thắn thừa nhận những “cột mốc” chưa hoàn thành, chưa được như kỳ vọng. Như, GRDP quý I tăng 5,27%, quý II tăng 6,52% và 6 tháng tăng 6,19% còn khá thấp so cả nước và các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ. Ngành Công nghiệp hỗ trợ tăng trưởng thấp; thời tiết thất thường gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân; thu hút đầu tư nước ngoài giảm, một số doanh nghiệp chấm dứt hoạt động dự án trước thời hạn; tiến độ đầu tư và triển khai các khu công nghiệp còn chậm.
Tiến độ một số dự án giao thông trọng điểm bị ảnh hưởng do phát sinh một số vấn đề khó khăn; tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch.
Công tác thẩm định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng còn vướng mắc. Thị trường bất động sản, chứng khoán mặc dù có phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn, thị trường vàng nhiều biến động; tiến độ xây dựng, hoàn thiện các đề án lớn của ngành Y tế, ngành Giáo dục và Đào tạo chậm so với kế hoạch…
Trước những khó khăn đó, trong những tháng cuối năm 2024, tỉnh Bình Dương lên kế hoạch cụ thể với các giải pháp chi tiết nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Theo đó, Bình Dương sẽ đẩy nhanh tiến độ mở rộng các khu công nghiệp và đầu tư mới các cụm công nghiệp theo quy hoạch; xây dựng tiêu chí phát triển công nghiệp sinh thái, công nghệ cao; hoàn thiện chính sách di dời doanh nghiệp từ phía Nam lên các khu, cụm công nghiệp phía Bắc; tập trung hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch vùng các địa phương còn lại; điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất 05 năm.
Tập trung giải quyết những vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư công trọng điểm. Khẩn trương hoàn thành Đề án khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu từ đất. Giải quyết các vướng mắc của các dự án bất động sản, nhà ở xã hội, sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ... Xây dựng Chương trình phát triển đô thị của tỉnh.
Công Danh
Theo