(Xây dựng) - Những năm qua, hiện trạng ngập lụt ở các thành phố lớn trên cả nước diễn ra khá phổ biến. Hà Nội là đô thị bị ảnh hưởng lớn nhất của tình trạng ngập lụt cục bộ. Việc áp dụng các vật liệu mới hiệu quả trong giải pháp chống ngập lụt là một đòi hỏi bức thiết trong tình trạng hiện nay.
Thi công lắp đặt công trình bể trữ nước mưa ngầm. |
Hoạt động khai thác với cường độ lớn đã dẫn đến tình trạng suy thoái, cạn kiệt và chất lượng nguồn nước ngầm cũng suy giảm. Hệ thống thoát nước đô thị cũ, xuống cấp, không đáp ứng lưu lượng thoát nước mưa và một số đô thị chưa có giải pháp tổng thể để xử lý ngập úng. Bên cạnh đó, nguồn nước mặt cung cấp cho các đô thị cũng ngày càng khan hiếm và có nguy cơ bị ô nhiễm bởi các loại chất thải khác nhau, gây ra nhiều hiểm họa cho sức khỏe người sử dụng. Ngoài ra, quá trình đô thị hóa nhanh chóng cũng làm gia tăng áp lực lên hệ thống thoát nước tại các đô thị, đặc biệt là vào mùa mưa, lượng nước mưa đổ về các tuyến cống quá lớn, gây ra hiện tượng ngập úng.
Thủ đô Hà Nội là đô thị bị ảnh hưởng lớn nhất của tình trạng ngập lụt cục bộ mỗi khi có mưa lớn, bão: Gây tắc đường nghiêm trọng phá hủy tài sản, ngập nước ôtô, xe máy và ảnh hưởng cuộc sống người dân. TP.HCM cũng thường xuyên bị ngập lụt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.
Không chỉ có Hà Nội và TP.HCM mà hầu hết các thành phố lớn của nước ta đều đã trải qua ngập lụt như: Đà Nẵng, Lai Châu, Phú Quốc, Nha Trang… gây nguy hiểm tính mạng người dân, nhiều cơ sở sản xuất dịch vụ ngừng hoạt động, du lịch bị ngừng trệ, hàng hóa không thể lưu thông, ô nhiễm môi trường và gây ra nhiều hậu quả về kinh tế, đời sống, sản xuất và dịch vụ.
Trên thế giới, hầu hết các thành phố lớn đều có những giải pháp chống ngập lụt đô thị tối ưu. Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia đã sử dụng mô hình chống ngập là hầm đường bộ thoát nước bên dưới những con đường. Singapore thì chống ngập bằng cách xây dựng hệ thống hồ điều hòa vệ tinh, hồ điều hòa tập trung lớn.
Còn ở Thủ đô Tokyo, Nhật Bản các giải pháp được sử dụng là: Xây dựng hệ thống dẫn nước ngầm, dẫn nước từ sông nhỏ ra sông chính Endo và xây dựng hệ thống giếng chứa nước ngầm.
Hà Lan cũng có những giải pháp tối ưu để hạn chế tình trạng ngập lụt cho thành phố: Xây dựng hệ thống sông nhỏ, kênh dẫn nước dày đặc trong nội đô; hệ thống đê biển bao quanh thành phố; hệ thống kè biển thông minh, các cửa sông; hệ thống bơm thoát nước.
Để hạn chế tình trạng ngập lụt, Tập đoàn Sơn Hà đưa ra những giải pháp thông minh giải quyết 3 vấn đề: Thu gom, chứa nước mưa, tái sử dụng cho các hoạt động con người; giảm áp lực cho hệ thống thoát nước đô thị đầu cơn mưa; giảm ngập lụt đô thị do nước mưa đổ dồn từ khu vực cao sang khu vực trũng của thành phố.
Giải pháp số 1: Bể ngầm chứa nước mưa có tác dụng thu gom, trữ nước mưa từ mái nhà. Dung tích của bể từ 2, 3, 4 đến 10 m3 lắp đặt cho công trình nhà riêng. Ước tính hiệu quả của bể: TP Hà Nội lắp 100.000 công trình nhà dân, mỗi công trình lắp 1 bể chứa ngầm 4 m3 thì tổng lượng nước mưa giữ lại trong mỗi trận mưa là 400.000 m3.
Giải pháp số 2: Bể nước ngầm chứa nước mưa các công trình có dung tích từ 50 - 1.000 m3. Đây là giải pháp thu gom nước mưa tập trung, tái sử dụng lượng nước tích trữ.
Những giải pháp của Sơn Hà được nghiên cứu phù hợp với khí hậu cũng như địa hình đô thị Việt Nam. Tuy nhiên, để áp dụng thành công cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng ban hành quy định bắt buộc các công trình xây dựng (nhà dân, công trình công cộng, nhà chung cư, văn phòng, nhà hàng, trường học, bệnh viện…) bù đắp diện tích bê tông hóa bằng thể tích bể ngầm chứa nước mưa tương đương, quy đổi m2 bê tông hóa diện tích đất: lớn hơn hoặc bằng lưu lượng nước mưa thấm xuống đất khi mưa đổ xuống. Các công trình ở mọi khu vực đô thị phải có bể chứa nước mưa ngầm, để đảm bảo khu vực cao giữ lại nước mưa, hạn chế lượng lớn nước mưa chảy về vùng trũng. Cấm một số dịch vụ kinh doanh sử dụng nước máy: Rửa xe, tưới cây, rửa đường, rửa nền, bắt buộc dùng nước mưa tái sử dụng thay thế.
Mộc Miên
Theo