(Xây dựng) – Tại buổi làm việc với Đoàn Công tác số 3 của Đoàn Giám sát Quốc hội khóa XV, về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 trên địa bàn, thành phố Cần Thơ đã kiến nghị sớm chỉnh sửa những bất cập, vướng mắc khó khăn trong thực tế gặp phải để thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội tốt hơn.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Hiếu kiến nghị với Đoàn Giám sát |
Những kiến nghị thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội
Tại buổi làm việc với Đoàn Công tác số 3 của Đoàn Giám sát Quốc hội khóa XV, về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 trên địa bàn, UBND thành phố Cần Thơ đã đề xuất và kiến nghị:
Tập trung tháo gỡ pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án bất động sản, dự án nhà ở để tăng nguồn cung, yêu cầu chủ đầu tư dự án thương mại, khu đô thị thực hiện đầu tư trên quỹ đất ở 20% trong các dự án để xây dựng nhà ở xã hội. Thực hiện cho vay ưu đãi (qua Ngân hàng Chính sách xã hội) để hỗ trợ nhà ở xã hội cho các đối tượng theo quy định tại Điều 49, 50 Luật Nhà ở. Khuyến khích nhà đầu tư đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ các thiết chế công đoàn theo quy hoạch phục vụ công nhân và người lao động trong quá trình hình thành các khu công nghiệp mới. Thành phố sẽ huy động các nguồn lực nhằm tạo quỹ đất sạch để giao cho các doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp có nhu cầu đầu tư nhà ở công nhân phục vụ cho doanh nghiệp mình. Huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội - độc lập, nhà ở xã hội cho thuê, nhà ở xã hội phục vụ tái định cư. Đẩy mạnh việc phát triển nhà ở thương mại giá thấp để phục vụ nhu cầu về nhà ở xã hội trên địa bàn, đồng thời giảm tải cho nguồn lực của Nhà nước.
Kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, điều chỉnh loại đất hoặc bổ sung quy định phân loại đất giữa pháp luật đất đai và pháp luật xây dựng để đảm bảo sự thống nhất, hiệu quả trong công tác quản lý giữa lĩnh vực đất đai và lĩnh vực xây dựng; điều chỉnh thời điểm lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện cho phù hợp thực tế.
Kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, ban hành quy định về biểu mẫu trong: Công tác thẩm định, lấy ý kiến, nội dung có ý kiến của cơ quan chuyên môn về quy hoạch cấp tỉnh; Ban hành quy trình đối với việc huỷ bỏ quy hoạch. Nghiên cứu ban hành/hướng dẫn quy định về trình tự và nội dung hủy bỏ các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, làm cơ sở cho địa phương triển khai thực hiện. Bổ sung căn cứ, điều kiện điều chỉnh quy hoạch xây dựng dự án đầu tư có sự thay đổi chủ trương đầu tư.
Kiến nghị Đoàn Giám sát xem xét, thống nhất báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành chính sách hỗ trợ cho phép các dự án trước đây quyết định chủ trương đầu tư theo đúng trình tự, thủ tục của Luật Đầu tư 2014 được tiếp tục triển khai thực hiện theo quy định của Luật Đất đai 2023, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2024 và các quy định pháp luật khác có liên quan. Đối với công tác lập hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, kiến nghị Bộ Tài chính hướng dẫn việc sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện một số các nội dung thuộc dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách. Kiến nghị Cơ quan chủ trì và phối hợp soạn thảo Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn quan tâm trường hợp thành phố trực thuộc Trung ương và các khu vực đã được phê duyệt quy hoạch đô thị và không lập Quy hoạch sử dụng đất thì phải quy định đồng bộ các nội dung của quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất để địa phương có đủ căn cứ tổ chức triển khai thực hiện và quản lý trong thực tiễn. Tránh tình trạng thiếu nội dung quản lý về lĩnh vực xây dựng và đất đai sẽ phát sinh vướng mắt trong thời gian tới.
Kiến nghị Quốc hội bổ sung vào dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Kiến nghị bổ sung cơ chế về ưu tiên phân kỳ đầu tư, theo hướng ưu tiên giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng khu vực nhà ở xã hội ngay giai đoạn đầu triển khai dự án. Ưu điểm của việc bổ sung cơ chế này là ưu tiên hỗ trợ chủ đầu tư công tác giải phóng mặt bằng tại vị trí dành 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội vì khu vực này càng sớm đầu tư đưa vào sử dụng thì hiệu quả thực hiện chính sách an sinh xã hội rất cao. Trong quá trình thẩm định, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có nhà ở cần quy định rõ: “Ưu tiên giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng khu vực nhà ở xã hội ngay giai đoạn đầu triển khai dự án (hoặc phân kỳ đầu tiên nếu dự án có phân kỳ) và cam kết thực hiện sớm có thời gian rõ ràng (có thể vận dụng quy định quá 24 tháng không đưa đất vào sử dụng) nếu quá thời gian đó mà không tiến hành đầu tư thì thành phố thu hồi lại để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư”. Quy định này sẽ thúc đẩy các chủ đầu tư sớm thực hiện dự án, tăng quỹ nhà ở xã hội cho thành phố.
Giám đốc Sở Xây dựng Mai Như Toàn thông tin về những vướng mắc phát triển thị trường bất động sản và nhà ở xã hội. |
Công tác xét duyệt đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội đối với nội dung xác nhận tại các Mẫu 1, Mẫu 3, Mẫu 4 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 09/2021/TT-BXD về nội dung "chưa có nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình”. Đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Thông tư mới hướng dẫn và Mẫu giấy xác nhận về đối tượng và thực trạng nhà ở theo hướng đơn giản hóa, và bám sát vào quy định của Luật Nhà ở 2023 như sau: “Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình (hoặc của vợ và chồng trong trường hợp đã kết hôn) tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đó”.
Công tác xác nhận đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội tại doanh nghiệp: Đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có các văn bản hướng dẫn các địa phương trong việc hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn xác nhận đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở.
Đề nghị Chính phủ xem xét, sớm ban hành đầy đủ các nội dung thuộc phạm vi “quy định chi tiết” của Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2024, Luật Đấu thầu 2023… để sớm triển khai công tác lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Sớm ban hành các Nghị định hướng dẫn các Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2024… để thực hiện việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án về nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc với Đoàn Công tác số 3, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cho biết: “Hiện nay, có một số dự án thành phố đang tập trung rà soát pháp lý cũng đã phân loại ra các nhóm giao cho Ban Cán sự Đảng UBND thành phố nghiên cứu đề xuất hướng xử lý. Nhóm thứ nhất, dự án nào đầy dủ thủ tục rồi cho phép triển khai thực hiện, không để trì trệ. Một số dự án còn thiếu pháp lý đơn giản phải có biện pháp tháo gỡ. Một số dự án đề nghị UBND thành phố làm việc với Thủ tướng Chính phủ đề nghị thu hồi, thu hồi để sau này tiến hành đấu giá lại. Còn có nhóm nữa, chúng tôi thấy vướng quá nhiều pháp lý, chồng chéo trước đây đã lịch sử rồi chứ không phải bây giờ. Kiến nghị Trung ương có biện phá tháo gỡ khó khăn như cách làm một số thành phố lớn, địa phương trong thời gian qua. Sau quá trình Giám sát rất mong Đoàn ghi nhận, hiện nay thực hiện được kinh doanh bất động sản, nhà ở xã hội phải thực hiện 8 Luật (Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch, Luật Quản lý tài sản công). Rất mong Đoàn nghiên cứu và làm thế nào tháo gỡ khó khăn cho vấn đề phát triển bất động sản và nhà ở xã hội để góp phần đô thị hóa nhanh. Từ đô thị hóa nhanh góp phần phát triển thành phố chứ không như hiện nay để đất hoang hóa, khó triển khai dự án đầu tư. Đây cũng là bức xúc của địa phương”.
Kỳ vọng sớm tháo gỡ được những vướng mắc, khắc phục được khó khăn
Tại buổi làm việc với Đoàn Công tác số 3 của Đoàn Giám sát Quốc hội khóa XV, ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng Cần Thơ thông tin cho biết: Thực trạng các dự án tại thành phố Cần Thơ đã được giao và thực hiện vào thời kỳ từ trước đây hơn một thập kỷ. Phần lớn các dự án có quy mô nhỏ (tương đương một đơn vị ở, về diện tích trong khoảng 20ha đến trên dưới 40ha). Khi thực hiện đánh giá và nhìn lại thì có thể nhận thấy tại thành phố Cần Thơ chưa hình thành các khu đô thị quy mô lớn, kết cấu hạ tầng hiện đại và đồng bộ. Dẫn đến bộ mặt đô thị còn nhiều hạn chế.
Thành phố Cần Thơ tuy là trung tâm vùng nhưng thời gian dài còn thiếu tính kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong nước; khó khăn về hệ thống hạ tầng đường bộ, đường hàng không, hệ thống cảng. Cộng với đó là bất lợi về điều kiện địa chất nên khó phát triển, thu hút các dự án giao thông, công nghiệp… Nhìn chung, các dự án về đô thị được phát triển trong bối cảnh thiếu hạ tầng lớn kết nối, thiếu động lực để tạo nên dịch vụ và việc làm, do đó nhìn chung khó thu hút các nhà đầu tư lớn. Đây là điểm thắt trong phát triển chung của thành phố Cần Thơ.
Hai bên đường Võ Văn Kiệt - con đường đắc địa nối trung tâm thành phố Cần Thơ với Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ nhiều năm nay mời gọi đầu tư nhưng do nhiều vướng mắc chưa nhà đầu tư nào đầu tư khu đô thị hay nhà ở. |
Mô hình nhà ở tại Cần Thơ trong thời gian dài được thị trường chấp nhận hầu như gắn với loại hình nhà ở riêng lẻ, trong đó phân khúc đất nền được hấp thụ tốt nhất. Đa phần người dân (kể cả người có điều kiện kinh tế cao và người có điều kiện kinh tế trung bình) trong vùng chưa chấp nhận sản phẩm nhà ở dạng căn hộ, tâm lý thích nhà ở riêng lẻ để tự xây dựng và dễ quyết định đối với bất động sản trong bối cảnh quỹ đất còn nhiều. Tuy nhiên sản phẩm của các dự án đã được kinh doanh gần hết nhưng trên thực địa đa phần chưa xây dựng nhà ở để ở hoặc đưa vào kinh doanh. Thực tiễn này cho thấy mức độ đầu cơ đất đai cao, không mang lại tính tích cực ở góc độ cung cấp nhà ở cho số đông người dân, cũng có thể đánh giá là hiệu quả sử dụng đất không cao, dẫn đến không phát triển được các dịch vụ phục vụ tiện ích cho người dân.
Trong hơn một thập kỷ trở lại đây, những chính sách trong lĩnh vực nhà ở và phát triển đô thị mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ quan tâm xây dựng theo hướng thực hiện phát triển đô thị có kế hoạch, theo quy hoạch, trong đó quy mô dự án đầu tư xây dựng khu đô thị/nhà ở khuyến khích diện tích lớn với hệ thống hạ tầng đồng bộ (dự án nhà ở phải đầu tư xây dựng nhà ở và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, thực hiện xây dựng nhà ở xã hội…). Thành phố Cần Thơ cũng đã tích cực tổ chức thực hiện với việc định hướng phát triển các khu đô thị hàng trăm ha (Ví dụ: Khu đô thị hai bên đường Võ Văn Kiệt với diện tích đến 692ha). Tuy nhiên, với những khó khăn, vướng mắc chung của pháp luật về đầu tư, đất đai, đấu thầu, nhà ở… thành phố Cần Thơ cũng như các tỉnh, thành phố khác trong cả nước khó triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở và đô thị như mong muốn và kế hoạch của thành phố Cần Thơ.
Hiện nay, cùng với sự quan tâm hơn của Trung ương ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống giao thông quốc gia (cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, An Giang - Cần Thơ - Sóc Trăng và sắp tới là Đường sắt cao tốc kết nối Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ; hệ thống cảng biển trong vùng) và những Luật mới được Quốc hội thông qua gần đây tác động đến lĩnh vực đầu tư, đất đai, nhà ở… Thành phố Cần Thơ hy vọng sớm tháo gỡ được những vướng mắc, khắc phục được khó khăn trong phát triển của giai đoạn vừa qua, tạo được đột phá trong phát triển đô thị nói chung và phát triển nhà ở nói riêng. Thực sự khơi thông nguồn lực xã hội và thực hiện được mục tiêu về phát triển nhà ở tại thành phố Cần Thơ.
Huỳnh Biển
Theo