(Xây dựng) - Vừa qua, tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Lam Research đã thông tin về việc hợp tác với Công ty TNHH Seojin Vina (có nhà máy sản xuất tại Bắc Ninh và Bắc Giang), để phát triển nhà máy cùng chuỗi cung ứng trong giai đoạn 1 với số vốn 1-2 tỷ USD.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Karthik Rammohan - Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Lam Research (Hoa Kỳ). Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Được biết, Tập đoàn Lam Research là một trong những nhà cung cấp công cụ sản xuất chip hàng đầu thế giới, thành lập từ năm 1980, có trụ sở tại California, Hoa Kỳ. Doanh thu năm 2022 của tập đoàn là 19 tỷ USD. Tính đến tháng 3/2023, Tập đoàn này có hơn 18.700 nhân viên.
Với định hướng mở rộng hoạt động, đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở khu vực châu Á cụ thể là ở Việt Nam, ông Karthik Rammohan cho biết, Lam Research sẽ hợp tác giai đoạn 1 cùng Công ty TNHH Seojin Vina. Đơn vị sẽ đóng vai trò là một hệ thống nhà máy từ xa, để chuẩn bị cho việc mở rộng sản lượng chuỗi cung ứng.
Sau giai đoạn 1, Lam Research có thể đầu tư trực tiếp và tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Đồng thời, mong muốn tìm hiểu những chính sách khuyến khích đầu tư, những sáng kiến, chương trình mà Lam Research có thể tham gia nhằm thúc đẩy và hỗ trợ các nhà cung cấp, hệ sinh thái chuỗi cung ứng ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Mỹ và Hàn Quốc đều là những đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Trong đó, những lĩnh vực đang được ưu tiên hợp tác như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Việt Nam sẽ hoàn thiện các cơ chế, chính sách và ưu đãi cụ thể cũng như đẩy mạnh xây dựng hạ tầng hiện đại để tạo điều kiện cho nhà đầu tư.
Người đứng đầu Chính phủ mong muốn, 2 tập đoàn ngoài đầu tư, sản xuất cần chú trọng hoạt động nghiên cứu, phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam. Ông cũng đề nghị 2 tập đoàn tiếp tục làm việc cụ thể với các cơ quan, địa phương liên quan để triển khai các công việc theo quy định của pháp luật. Việt Nam mong muốn thu hút các nguồn vốn đầu tư chất lượng cao, nhất là các doanh nghiệp hàng đầu như Lam Research trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn.
Tại buổi tiếp, đại diện Công ty TNHH Seojin vina cũng khẳng định, đây là dự án rất quan trọng với cả hai doanh nghiệp trong thời gian tới. Được biết, Công ty TNHH Seojin Vina là một doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc được Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 212043.000725 ngày 28/11/2014 có trụ sở tại Đường TS3, Khu công nghiệp Tiên Sơn, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Công ty chuyên sản xuất và kinh doanh sản xuất các loại khuôn mẫu nhôm và vỏ nhôm cho các thiết bị thu phát sóng; sản xuất khuôn mẫu và vỏ của các phụ kiện, linh kiện của các thiết bị thu phát sóng; sơn mạ và lắp ráp các loại khuôn mẫu, vỏ của các linh kiện, phụ kiện của các thiết bị thu phát sóng; sản xuất khung, vỏ kim loại cho điện thoại di động.
Theo báo cáo từ Cục Thống kê Bắc Ninh, 2 tháng đầu năm, thu hút vốn đầu tư FDI, số dự án đăng ký và vốn đăng ký của các nhà đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh tăng đột biến. Minh chứng là có thêm 78 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới (tăng 49 dự án) tăng 169% so với cùng kỳ và 199,1 triệu USD vốn đăng ký mới tăng rất nhiều (tăng 67,5 triệu USD, tức tăng 51,3%). Riêng tháng 2, cấp mới đăng ký đầu tư cho 35 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 44,6 triệu USD…
Kết quả 2 tháng đầu năm, thu hút FDI của tỉnh Bắc Ninh tăng gấp 2,7 lần về số dự án cấp mới, tăng gấp 1,5 lần về số vốn đăng ký so với cùng kỳ; thu hút đầu tư trong nước tăng gấp 3 lần về số dự án cấp mới, tăng gấp 7,1 lần về số vốn đăng ký; thành lập mới doanh nghiệp tăng 24,8%, vốn đăng ký giảm 20%.
Trong bối cảnh FDI toàn cầu tiếp tục dịch chuyển, việc Tập đoàn Lam Research - một trong những nhà cung cấp công cụ sản xuất chip hàng đầu thế giới, có trụ sở tại California, Mỹ đầu tư vào Bắc Ninh sẽ góp phần tạo động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của tỉnh này trong các giai đoạn tiếp theo.
Nguyên Khánh
Theo