(Xây dựng) - Với chủ đề “Bản lĩnh đột phá - Củng cố niềm tin - Nâng tầm cao mới”, Hội nghị Cải thiện các chỉ số điều hành, quản trị địa phương tỉnh năm 2024 của tỉnh Bắc Ninh diễn ra vào ngày 6/6 đã đưa ra nhiều giải pháp và khuyến nghị để cải thiện các chỉ số.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang: Cần phấn đấu nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, các chi phí chính thức và không chính thức. |
Cải thiện các chỉ số là việc làm thường xuyên, liên tục, lâu dài
Trước đó, ngày 9/5/2024, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023, Bắc Ninh đạt 65,96 điểm (giảm 3,12 điểm so với năm 2022), nằm ngoài nhóm 30 tỉnh/thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất. Về Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI), Bắc Ninh đạt 22,53 điểm, đứng thứ hạng 21/30 trong nhóm xếp hạng Top 30 tỉnh/thành phố có điểm tổng hợp cao nhất năm 2023.
Qua phân tích chỉ số PCI, Bắc Ninh có 4/10 chỉ số thành phần tăng điểm gồm chỉ số: Gia nhập thị trường; Tính minh bạch; Tính năng động; Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự. Tuy nhiên, có 6/10 chỉ số thành phần giảm điểm. Trong đó mức giảm cao nhất gồm các chỉ số: Đào tạo lao động; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; Cạnh tranh bình đẳng…
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang đánh giá, việc cải thiện các chỉ số là việc làm thường xuyên, liên tục, lâu dài. Đồng thời yêu cầu, các Sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện các văn bản chỉ đạo của tỉnh. Trong đó, chú trọng thực hiện 3 quyết tâm chính trị, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển năm 2024. Các Sở, ngành, địa phương cần tiếp thu đầy đủ và cụ thể hóa những đề xuất, khuyến nghị của các chuyên gia, những khó khăn vướng mắc của người dân, doanh nghiệp để làm cơ sở bổ sung, hoàn thiện thể chế, chính sách, hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh theo hướng “tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hiện đại” vì sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang nhấn mạnh: Tỉnh cần phấn đấu nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, các chi phí chính thức và không chính thức. Tập trung vào các lĩnh vực còn nhiều phiền hà, khó khăn nhất. Các cấp, ngành quyết tâm hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư xã hội, bảo đảm tiến độ các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng khu công nghiệp. Đồng thời, tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, tạo thuận lợi, hỗ trợ cao nhất để thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp. Các cấp, ngành chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh và xúc tiến đầu tư năm 2024.
Ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Trưởng Ban Pháp chế VCCI: Để hành động vì một môi trường kinh doanh thuận lợi, Bắc Ninh cần tiếp tục nỗ lực xây dựng chính quyền địa phương thân thiện với người dân và doanh nghiệp… |
Xây dựng chính quyền địa phương thân thiện
Thông tin tại Hội nghị, ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết: Chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục xu hướng cải thiện, công tác hỗ trợ doanh nghiệp có chuyển biến tích cực, chi phí không chính thức có xu hướng giảm, các thủ tục gia nhập thị trường thuận lợi hơn, khoảng cách về chất lượng thực thi giữa các cấp có dấu hiệu gia tăng… Tuy nhiên, trở ngại trong tiếp cận đất đai tiếp tục gia tăng. Một số lĩnh vực doanh nghiệp vẫn còn gặp sự phiền hà như: Hải quan, lao động, xây dựng, đăng ký doanh nghiệp đầu tư, an toàn thực phẩm, giao thông, quản lý thị trường, môi trường, bảo hiểm xã hội, phòng cháy chữa cháy, thuế…
Để hành động vì một môi trường kinh doanh thuận lợi, theo Phó Trưởng Ban Pháp chế VCCI, tỉnh Bắc Ninh cần tiếp tục nỗ lực xây dựng chính quyền địa phương thân thiện với người dân và doanh nghiệp; tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu quả, nâng cao năng lực phản ứng và chất lượng thực thi chính sách, pháp luật; kịp thời xử lý các vấn đề mới phát sinh thuộc thẩm quyền.
Trong khuôn khổ Hội nghị, bà Đỗ Thanh Huyền - Chuyên gia chính sách công - Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) đánh giá: PAPI là hệ thống chỉ báo về hiệu quả quản trị và hành chính công của chính quyền địa phương, đồng thời chỉ ra dư địa để cải thiện mức độ hài lòng của người dân. Thông tin thực chứng từ 122 chỉ tiêu cụ thể của PAPI giúp chính quyền địa phương xác định ưu tiên cải thiện và giao trách nhiệm cụ thể tới các cấp huyện, xã nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
Theo chuyên gia chính sách công, Chỉ số PAPI 2023 tổng hợp dao động từ 38,97 đến 46,04 điểm trên thang đo từ 10-80 điểm, Bắc Ninh đạt 45,7 điểm, thuộc về nhóm 15 tỉnh, thành phố thuộc nhóm trong khoảng cao, còn nhiều dư địa để cải thiện trong những năm tới. Trong cả 8 lĩnh vực nội dung, khoảng cách tới điểm 10 còn rất xa, bao gồm các lĩnh vực, nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; Quản trị điện tử.
Giảm tình trạng “vị thân” trong tuyển dụng nhân lực
Tuy nhiên, từ phân tích các chỉ số thành phần PAPI năm 2023 của Bắc Ninh, chuyên gia chính sách công cho rằng, còn nhiều dư địa cải thiện trong năm 2024. Do đó, cần thực hiện tốt các nguyên tắc dân chủ trong việc bầu chọn vị trí Trưởng thôn/Tổ trưởng tổ dân phố. Thực hiện đầy đủ nhiệm vụ niêm yết công khai kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất trực tiếp tại UBND xã và trực tuyến trên cổng thông tin điện tử. Áp dụng các biện pháp giảm thiểu/ngăn chặn hành vi vòi vĩnh, nhận hối lộ của công chức trong xử lý hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bắc Ninh đạt 22,53 điểm, đứng thứ hạng 21/30 trong nhóm xếp hạng Top 30 tỉnh/thành phố có điểm tổng hợp cao nhất năm 2023 về Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). |
Cần giảm thiểu tình trạng “vị thân” trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ công. Tập trung đầu tư công để cải thiện điều kiện vật chất, chất lượng bệnh viện công tuyến huyện nhằm tăng khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ y tế từ cơ sở. Cải thiện khả năng tiếp cận và độ thân thiện với người dùng của các cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công địa phương - bà Đỗ Thanh Huyền, Chuyên gia chính sách công - Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) nêu quan điểm.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nguyễn Đăng Khang phân tích Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) Bắc Ninh năm 2023. Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh Lê Đức Kỳ phân tích Chỉ số Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) Bắc Ninh năm 2023. Cụ thể năm 2023, chỉ số Cải cách hành chính tỉnh đạt 84,61/100 điểm (bị trừ 15,39/100 điểm), đứng thứ 55/63 tỉnh, thành phố, tăng 4 bậc so với năm 2022. Chỉ số Hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước đạt 77,40%, đứng thứ 60/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá, công tác cải cách hành chính của tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế về chính sách, hệ thống cơ sở vật chất và con người. Thời gian tới, Trung tâm cần bám sát những tiêu chí, triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách hành chính, từ đó cải thiện, phấn đấu đưa Chỉ số SIPAS năm 2024 của tỉnh nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chỉ số cao nhất cả nước.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương đã tập trung làm rõ nguyên nhân gây giảm điểm, giảm thứ hạng các chỉ số thành phần và đề xuất các sáng kiến theo chức năng, nhiệm vụ nhằm góp phần cải thiện đồng bộ, hiệu quả các chỉ số của tỉnh Bắc Ninh trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Nguyên Khánh
Theo