(Xây dựng) - Xác định nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) là giải pháp quan trọng để hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân, ngành Y tế quan tâm đầu tư trang thiết bị, triển khai nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu. Nhờ đó, người dân có cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, giảm chi phí điều trị.
Nhiều trường hợp phẫu thuật với chi phí lớn nhưng có sự hỗ trợ của BHYT góp phần giảm bớt gánh nặng cho người bệnh. |
Giảm gánh nặng điều trị
Ngày 24/6, anh Hoàng Văn S (SN 1977), dân tộc Nùng, trú tại thôn Khuôm, xã Phú Nhuận (Lục Ngạn) bị đau ngực nhiều, lan lên hai vai nên đến Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Lục Ngạn khám. Tại đây, các bác sĩ nhận định anh bị nhồi máu cơ tim và chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Qua khám, làm các xét nghiệm lâm sàng, các bác sĩ xác định, bệnh nhân bị cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim trên nền bệnh viêm dạ dày, chỉ định can thiệp đặt stent động mạch vành. Đây là kỹ thuật khó, chi phí điều trị lớn, khoảng 70 triệu đồng.
Có BHYT dành cho đồng bào dân tộc thiểu số sống ở xã đặc biệt khó khăn, anh được thanh toán 100% chi phí. Đến nay, sau gần 1 tuần điều trị, sức khỏe anh ổn định, không còn đau ngực. Chị Lê Thị Đ, vợ anh S cho biết: “Gia đình làm nông nghiệp, các con đang đi học, kinh tế khó khăn. Có thẻ BHYT, gia đình chỉ phải thanh toán một phần tiền vật tư y tế phát sinh trong quá trình sử dụng dịch vụ nên giảm bớt gánh nặng, chồng tôi yên tâm điều trị”.
Toàn tỉnh có 56 cơ sở y tế thực hiện KCB BHYT, trong đó có 21 cơ sở công lập, còn lại là hệ thống y tế tư nhân. 6 tháng đầu năm 2024, các cơ sở này tiếp nhận hơn 1,7 triệu lượt người KCB bằng BHYT với tổng số tiền chi trả hơn 900 tỷ đồng; trong đó có 78 trường hợp có tổng chi phí KCB từ 100 triệu đồng trở lên với tổng số tiền BHYT thanh toán là hơn 7,8 tỷ đồng.
Nhờ có BHYT, nhiều bệnh nhân, nhất là những người mắc bệnh nặng, bệnh mãn tính có điều kiện chữa trị, giảm áp lực kinh tế. Ví như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị N, tổ dân phố Chùa, phường Tăng Tiến (thị xã Việt Yên) phẫu thuật can thiệp động mạch vành tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh với tổng chi phí hơn 178,3 triệu đồng. Nhờ tham gia BHYT tự nguyện, chị được hỗ trợ thanh toán hơn 154,4 triệu đồng từ quỹ BHYT. Hay như bệnh nhân Hoàng Mạnh Hùng, tổ dân phố Xuân Lan, thị trấn Bố Hạ (Yên Thế) được thanh toán hơn 137,7 triệu đồng điều trị sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi nặng.
Đưa dịch vụ y tế chất lượng đến người bệnh
Với trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, chất lượng KCB nói chung, KCB BHYT nói riêng không ngừng được nâng lên, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu lần đầu tiên được thực hiện đã mang đến cơ hội điều trị cho người bệnh tốt hơn.
Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 6 tháng đầu năm 2024, bệnh viện triển khai 17 kỹ thuật mới, chuyên sâu như: Can thiệp mạch máu não, cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn, lọc máu thẩm tách liên tục cấp cứu cho người bệnh suy đa tạng... Các kỹ thuật được triển khai góp phần giảm chi phí, tăng cơ hội điều trị cho người bệnh và khẳng định chất lượng chăm sóc sức khỏe của bệnh viện.
Tương tự, để đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân bị bệnh thận mãn tính, UBND thị xã Việt Yên vừa đầu tư hơn 9 tỷ đồng mua 15 máy chạy thận nhân tạo và hệ thống lọc nước RO cho TTYT thị xã. TTYT huyện Sơn Động đầu tư hơn 6 tỷ đồng mua máy tán sỏi bằng laser Multipulse HoPlus để triển khai 3 kỹ thuật mới gồm: Tán sỏi tiết niệu bằng laser nội soi ngược dòng, nội soi sau phúc mạc lấy sỏi niệu quản và tán sỏi thận qua da.
Bác sĩ Đào Văn Hải - Giám đốc TTYT huyện Sơn Động cho biết: “Thực tế, nhu cầu khám, điều trị sỏi tiết niệu, sỏi thận trên địa bàn huyện lớn, khoảng 100 ca/năm. Làm chủ được kỹ thuật mới trong điều trị ngoại khoa về sỏi thận mở ra hướng đi mới, nâng cao chất lượng KCB, giúp người dân được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương mà không phải chuyển tuyến, tiết kiệm chí phí cho bệnh nhân”.
Tính đến ngày 31/12/2023, tỷ lệ dân số tham gia BHYT trên địa bàn toàn tỉnh đạt 99,23%, cao hơn tỷ lệ chung toàn quốc. Với mục tiêu phấn đấu hết năm 2024, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng lên 99,32%, ngành Y tế và bảo hiểm xã hội phối hợp tổ chức tốt việc KCB BHYT từ tuyến cơ sở đến tuyến tỉnh, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế tốt nhất.
Cụ thể, ngay từ đầu năm, các cơ sở KCB ký hợp đồng KCB bằng thẻ BHYT với cơ quan bảo hiểm xã hội, bảo đảm cho người bệnh có thẻ BHYT được hưởng đầy đủ quyền lợi theo quy định. Để nâng chất lượng dịch vụ KCB, từ đầu năm đến nay, Sở Y tế đã phê duyệt mới và phê duyệt bổ sung 1.161 kỹ thuật mới, chuyên sâu. Trong đó có 469 kỹ thuật được triển khai tại các cơ sở y tế công lập, còn lại tại các cơ sở y tế tư nhân. Các cơ sở KCB cũng tăng cường hợp tác với các bệnh viện tuyến Trung ương, quốc tế để đào tạo và chuyển giao kỹ thuật.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Trong năm 2024 và 2025, ngành sẽ quan tâm phát triển một số kỹ thuật mới, chuyên sâu, trong đó tập trung xây dựng mô hình xử trí đột quỵ não cấp và kỹ thuật can thiệp mạch não chuyên sâu, hồi sức sau mổ tim sơ sinh, ứng dụng y học hạt nhân trong chẩn đoán, điều trị ung thư… Để thực hiện mục tiêu, cùng với nguồn lực hỗ trợ của tỉnh, ngành sẽ tiếp tục hợp tác và nhận chuyển giao công nghệ từ tuyến trên, quan tâm liên kết đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế”.
Sỹ Quyết - Chương Huyền
Theo