(Xây dựng) - Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia – Nghệ thuật Hát bội Bình Định trên địa bàn tỉnh, tối 4/8, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định tổ chức Liên hoan sân khấu Tuồng không chuyên tỉnh Bình Định năm 2024.
Ban tổ chức tặng hoa cho các đoàn tham gia Liên hoan. |
Liên hoan sân khấu Tuồng không chuyên tỉnh Bình Định năm 2024 được diễn ra từ ngày 4 - 6/8, với nội dung mỗi Đoàn nghệ thuật Tuồng – Hát bội tham gia thi ít nhất 01 trích đoạn, tối đa 03 trích đoạn về đề tài truyền thống hoặc lịch sử. Thời lượng mỗi trích đoạn từ 20 – 30 phút. Đây là dịp để các Đoàn nghệ thuật truyền thống trong tỉnh giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm; các nghệ nhân thi diễn tài năng, góp phần duy trì, phát triển, nâng cao chất lượng phong trào sân khấu không chuyên tỉnh nhà, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ nghệ thuật của quần chúng nhân dân.
Tuồng (hát bội) là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền đặc sắc của Việt Nam được hình thành trên cơ sở ca vũ nhạc và các trò diễn xướng dân gian vốn có từ lâu đời và rất phong phú của dân tộc. Khác với các loại hình sân khấu khác như: Chèo, Cải lương... Tuồng mang theo âm hưởng hùng tráng với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc.
Ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao phát biểu khai mạc liên hoan. |
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định Huỳnh Văn Lợi cho biết: “Bình Định là miền đất phát tích và lan tỏa nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể, tiêu biểu là Nghệ thuật Hát bội, Bài chòi, Võ cổ truyền. Trong đó, Tuồng là loại hình nghệ thuật trình diễn bác học mang đậm nét văn hóa truyền thống cung đình, thể hiện một phong cách Bình Định riêng có”.
Tại Bình Định, ngoài Đoàn tuồng Đào Tấn là đơn vị nghệ thuật công lập trực thuộc Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh hiện còn có gần 10 Đoàn nghệ thuật Tuồng - Hát bội không chuyên hoạt động sôi nổi. Đây cũng là nét đặc sắc của Bình Định, luôn song hành bảo tồn và phát triển cả sân khấu chuyên nghiệp và không chuyên.
Các nghệ nhân không chuyên với những màn trình diễn ấn tượng. |
Theo ông Lợi, chất bi hùng là một đặc trưng thẩm mỹ của Tuồng và Tuồng là sân khấu của những người anh hùng. Trong những hoàn cảnh đầy mâu thuẫn và xung đột bạo liệt bi ai, các nhân vật chính diện đã vươn lên thoát khỏi sự chế ngự của hoàn cảnh, hành động một cách dũng cảm, anh hùng, trở thành một tấm gương, một bài học cho người đời ngưỡng mộ noi theo.
Trải qua những biến cố, thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, đến nay, nghệ thuật tuồng Bình Định vẫn giữ được bản sắc vốn có và đáp ứng kịp thời nhu cầu thưởng thức của công chúng khắp nơi. Tiếng trống tuồng Bình Định đã có dịp vang xa và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.
Thu Loan
Theo