(Xây dựng) – Sở Xây dựng tỉnh An Giang vừa mới ban hành Báo cáo số 4858/BC-SXD tình hình quản lý, xử lý nhà ở vi phạm hành lang sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh 6 tháng cuối năm 2021.
Một góc thành phố Long Xuyên. |
Báo cáo Sở Xây dựng An Giang cho biết: Qua tổng hợp số liệu báo cáo của các huyện, thành phố, thị xã… tính đến ngày 15/12/2021, toàn tỉnh hiện có 20.682 căn nhà ở ven sông, kênh, rạch, giảm 462 căn so với 6 tháng đầu năm 2021 (là 21.144 căn). Trong đó, thành phố Long Xuyên giảm 07 căn, thị xã Tân Châu 138 căn, huyện An Phú 17 căn, huyện Châu Phú 7 căn, huyện Phú Tân 139 căn, huyện Châu Thành 136 căn, huyện Chợ Mới 14 căn, huyện Tri Tôn 04 căn.
Đã thực hiện di dời 464 căn/21.144 căn. Trong đó, hộ dân tự di dời 438 căn; Lồng ghép các chương trình Cụm, tuyến dân cư vượt lũ 25 căn và dự án, đề án, quy hoạch 01 căn. Như vậy, toàn tỉnh đã di dời được 464 căn, phát sinh mới 02 căn; tổng số hiện có 20.682 căn, giảm 462 căn so với 6 tháng đầu năm 2021.
UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo các ngành chức năng, phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn kiểm tra, xử lý các trường hợp đã vi phạm hành lang sông, kênh, rạch nêu trên là 46/50 trường hợp. Trong đó, lập Biên bản xử phạt, buộc tháo dỡ 24 trường hợp; Vận động hộ dân vi phạm tự tháo dỡ 11 trường hợp; Lập Biên bản cho cam kết xây dựng tạm, sửa chữa nhà ở đúng hiện trạng sử dụng 11 trường hợp.
Sở Xây dựng An Giang cho biết mặc dù các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, thậm chí cưỡng chế, xử phạt buộc tháo dỡ di dời đối với một số hộ có nhà ở vi phạm hành lang sông, kênh, rạch… Tuy nhiên, công tác di dời còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn do nhiều nguyên nhân, như: Còn một số địa phương báo cáo tăng số liệu nhà ở ven sông, kênh, rạch tuy nhiên chưa vận động hay áp dụng hình thức xử lý được. Các địa phương chưa có chính sách, nguồn vốn thực hiện hỗ trợ di dời cũng như tạo quỹ đất để di dời, tái định cư cho các đối tượng này. Địa phương gặp khó khăn trong việc quản lý, xử lý nhà ở xây cất, lấn, chiếm ven sông, kênh, rạch do hiện nay chưa có công bố quy định và cắm mốc phạm vi quy định về hành lang bảo vệ đường thủy, hành lang bảo vệ đê, điều để làm cơ sở quản lý, xử lý vi phạm.
Hiện nay việc xử lý vi phạm về xây cất mới, lấn, chiếm ven sông, kênh, rạch được áp dụng nhiều văn bản và nhiều lĩnh vực khác nhau (như về: lĩnh vực xây dựng, đất đai, giao thông đường bộ, giao thông đường thủy và lĩnh vực đê, điều) chưa rõ ràng, cụ thể nên khi áp dụng để xử lý hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng cấp huyện, cấp xã; và việc xây dựng nhà thuộc khu vực nông thôn nằm trong diện được miễn cấp phép nên ảnh hưởng việc quản lý trật tự xây dựng và xử phạt vi phạm hành chính gặp khó khăn.
Phần lớn số hộ có nhà trên sông, kênh, rạch thuộc diện nghèo hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có đất ở nơi khác để tự di dời, nếu có đất ở nơi khác thì không có khả năng tài chính để tự di dời, từ đó ảnh hưởng đến việc triển khai đề án. Ngoài ra, đa số các hộ dân sống trên ven sông, kênh, rạch nằm trên các tuyến giao thông có điều kiện kinh doanh tốt nên khi được bố trí nền vào ở các khu dân cư vượt lũ thì không ở được và sau đó các hộ này lại quay trở lại cất nhà cặp hành lang các sông, kênh, rạch hoặc cũng có hộ kiên quyết không chịu di dời.
Ông Nguyễn Quốc Cường - Phó Giám đốc Sở Xây dựng An Giang cho biết: “Công tác quản lý, di dời nhà ở sông, kênh, rạch thời gian qua đã được sự quan tâm rất sâu sát của UBND tỉnh cũng như những chỉ đạo quản lý, xử lý quyết liệt của UBND cấp huyện và cấp xã, tuy nhiên, qua báo cáo đánh giá và những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của UBND cấp huyện thì đây là một vấn đề lớn có ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến cuộc sống của một bộ phận người dân do đó đòi hỏi sự chung tay của nhiều Sở, ngành và địa phương cũng như cần có kế hoạch, chính sách hỗ trợ di dời… đảm bảo an sinh xã hội tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng từ các hộ dân”.
Để công tác quản lý nhà ở ven sông, kênh, rạch trên địa bàn trong thời gian tới được tốt hơn, Sở Xây dựng đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ: Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ về chấn chỉnh công tác quản lý nhà ở trên sông, kênh, rạch theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 31/UBND-ĐTXD ngày 11/01/2016 và Văn bản số 1055/UBND-KTN ngày 01/10/2018; kiên quyết không để phát sinh các trường hợp lấn chiếm, cất mới. Do đó, yêu cầu UBND thành phố Long Xuyên, UBND huyện Phú Tân, huyện Châu Phú khẩn trương chỉ đạo UBND các xã có phát sinh nhà ở ven sông, kênh, rạch thực hiện xử lý các trường hợp phát sinh theo đúng quy định.
Tích cực tuyên truyền, phổ biến các quy định về hành lang sông, kênh, rạch, vận động người dân không xây mới, tái cất và tự tháo dỡ nhà ở trên sông, kênh, rạch trên địa bàn mình quản lý.
Tiếp tục triển khai thực hiện hướng dẫn của các Sở, ngành về xử lý vi phạm trật tự xây dựng nhà ở ven sông, kênh, rạch theo Văn bản số 439/SXD-TTr ngày 22/02/2019 của Sở Xây dựng về việc trao đổi, hướng dẫn xử lý vi phạm trật tự xây dựng nhà ở ven sông, kênh, rạch. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện thì có báo cáo về Sở Xây dựng để phối hợp với các Sở, ngành có liên quan hỗ trợ, hướng dẫn.
Kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa, vận động các mạnh thường quân hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng sống ven sông, kênh, rạch có nguy cơ bị sạt lở; chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng các cụm, tuyến dân cư để di dời các hộ dân có nhà ở trên sông, kênh, rạch, không đảm bảo an toàn; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư đưa vào kế hoạch vốn đầu tư công để triển khai thực hiện; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lồng ghép vào các dự án đầu tư Chương trình đầu tư công về bố trí, sắp xếp dân cư nhằm phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo ngành chức năng thường xuyên theo dõi, rà soát, thông kê số liệu đầy đủ, báo cáo định kỳ 6 tháng, năm đúng thời gian quy định vào ngày 15/6 và ngày 15/12 về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Huỳnh Biển
Theo